Trách nhiệm pháp lý vụ Trung tâm Anh ngữ Úc Châu "biến mất" sau khi thu gần 16 tỷ đồng

Việc Trung tâm Anh ngữ Úc Châu đóng cửa đột ngột ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của học sinh, có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Thu học phí hàng chục tỷ rồi đột ngột đóng cửa

Liên quan đến việc Trung tâm Anh ngữ Quốc tế Úc Châu tại Tp.HCM bất ngờ ngưng hoạt động tại cơ sở 729-731 Kha Vạn Cân (phường Linh Tây) và 182-184-186 Lê Văn Việt (phường Tăng Nhơn Phú B), theo thống kê từ cơ quan chức năng, trung tâm đã thu hơn 15,9 tỷ đồng từ 414 học viên.

Đại diện Sở GD&ĐT Tp.HCM cho biết, trung tâm này được cấp phép vào năm 2023, và theo báo cáo quý 1/2025, đang có 316 học sinh, 12 giáo viên người Việt và 8 nhân viên. Trong quá trình hoạt động, trung tâm vẫn thực hiện đầy đủ báo cáo định kỳ và tham dự các buổi tập huấn do Sở tổ chức.

Trách nhiệm pháp lý vụ Trung tâm Anh ngữ Úc Châu "biến mất" sau khi thu gần 16 tỷ đồng- Ảnh 1.

Trung tâm ngoại ngữ Úc Châu đóng cửa nhiều khiến học sinh phải nghỉ học. (Ảnh: Nguyễn Lành).

Sự việc Trung tâm Anh ngữ Quốc tế Úc Châu đột ngột ngừng hoạt động sau khi thu hàng chục tỷ đồng học phí đặt ra hàng loạt câu hỏi pháp lý liên quan đến trách nhiệm dân sự, hình sự cũng như vai trò giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, luật sư Mai Tiến Luật, Giám đốc Công ty Luật TNHH, hãng luật BIGBOSS LAW – nhận định: về mặt pháp lý, khi phụ huynh nộp học phí cho trung tâm, giữa hai bên đã thiết lập quan hệ hợp đồng dịch vụ. Do đó, Trung tâm Anh ngữ Úc Châu có nghĩa vụ chính trong việc hoàn trả học phí nếu không thực hiện đầy đủ nội dung như đã cam kết.

Việc trung tâm bất ngờ ngừng hoạt động, không thông báo trước và không tiếp tục cung cấp dịch vụ có thể được xem là hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.

Theo quy định tại Điều 360 và Điều 428 Bộ luật Dân sự năm 2015, nếu một bên vi phạm nghĩa vụ thì phải bồi thường thiệt hại cho bên còn lại.

Tuy nhiên, nếu trung tâm không còn tồn tại về mặt pháp lý, đã phá sản hoặc có dấu hiệu cố tình chiếm đoạt tài sản, trách nhiệm có thể chuyển sang cá nhân.

Người đại diện theo pháp luật hoặc người trực tiếp tổ chức việc thu tiền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có hành vi gian dối ngay từ đầu theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản).

Ai là người phải chịu trách nhiệm?

Luật sư Mai Tiến Luật cho biết, về nguyên tắc, cơ quan có thẩm quyền cấp phép và quản lý hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ là Sở Giáo dục và Đào tạo tại địa phương.

Theo quy định tại Điều 23 và Điều 25 Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT, Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.HCM là cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện các điều kiện hoạt động của trung tâm, xử lý vi phạm nếu có.

Trách nhiệm pháp lý vụ Trung tâm Anh ngữ Úc Châu "biến mất" sau khi thu gần 16 tỷ đồng- Ảnh 2.

Luật sư phân tích các yếu tố pháp lý liên quan vụ việc Trung tâm Anh ngữ Úc Châu đóng cửa. (Ảnh: Nguyễn Lành).

Dù chịu trách nhiệm giám sát, cơ quan quản lý nhà nước không có nghĩa vụ bồi thường thay Trung tâm Anh ngữ Úc Châu nếu trung tâm này vi phạm cam kết với người học. Cơ quan chức năng chỉ đóng vai trò quản lý, thanh tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Trung tâm ngoại ngữ Sedu được Sở GD&ĐT Hà Nội cấp phép hoạt động mới 3 cơ sởTp.HCM: Gần 80% trung tâm ngoại ngữ đóng cửa, giải thể

Tuy nhiên, nếu để trung tâm hoạt động không phép, có dấu hiệu lừa đảo kéo dài mà không phát hiện, xử lý kịp thời, cá nhân phụ trách công vụ tại cơ quan quản lý có thể bị xem xét trách nhiệm kỷ luật, hành chính, hoặc nghiêm trọng hơn là trách nhiệm hình sự, theo Luật Cán bộ, công chức 2008 (sửa đổi 2019).

Bên cạnh đó, nếu chủ trung tâm cố tình bỏ trốn, không hoàn trả học phí và không tổ chức giảng dạy như đã cam kết, hành vi có thể bị xử lý hình sự.

Theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), nếu người này chiếm đoạt tài sản từ 4 triệu đồng trở lên của nhiều người, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, với mức án từ 6 tháng đến 20 năm tù, tùy theo giá trị tài sản chiếm đoạt và tình tiết tăng nặng.

Luật sư Mai Tiến Luật lưu ý, ranh giới giữa tranh chấp dân sự và hành vi hình sự trong những vụ việc như thế này là rất mong manh. Nếu sau khi thu tiền, trung tâm không thực hiện nghĩa vụ, không có bất kỳ nỗ lực khắc phục nào, đồng thời cắt đứt liên lạc với phụ huynh, thì đây là có dấu hiệu gian dối ngay từ đầu – một yếu tố quan trọng cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Khi đó, nếu người đứng đầu trung tâm chủ động hoàn trả học phí, dù chỉ một phần hoặc theo tiến độ, thì hành vi này được xem là tình tiết giảm nhẹ, thể hiện thiện chí khắc phục hậu quả, theo điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người phạm tội sẽ thoát khỏi trách nhiệm hình sự. Nếu có căn cứ cho thấy hành vi gian dối đã có từ đầu, thì vẫn có thể bị truy tố và đối mặt với các hình phạt nghiêm khắc, đặc biệt khi thiệt hại lớn, số nạn nhân nhiều, hoặc người vi phạm có hành vi bỏ trốn, che giấu hành vi phạm tội.

Ngày 16/5, nhiều phụ huynh của Trung tâm ngoại ngữ Úc Châu hoang mang khi không liên hệ được giám đốc, hai cơ sở đều đóng cửa.

Theo các phụ huynh, trung tâm thông báo tạm đóng cửa từ ngày 8 - 14/5 để sửa chữa sau trận mưa lớn nhưng tới giờ không mở lại. Theo danh sách, có khoảng 200 phụ huynh đã đóng số tiền hơn 6,5 tỷ đồng cho con theo học khóa dài hạn lên tới 3 năm liền.

Sở GD&ĐT đã chuyển thông tin hồ sơ pháp lý của 2 trung tâm nêu trên đến Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03), Công an Tp.HCM. Đồng thời, tổng hợp hồ sơ, minh chứng có liên quan để xem xét đình chỉ hoạt động giáo dục đối với 2 trung tâm trên và kiến nghị Công an Tp.HCM thu hồi con dấu theo quy định.

Nguyễn Lành

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/trach-nhiem-phap-ly-vu-trung-tam-anh-ngu-uc-chau-bien-mat-sau-khi-thu-gan-16-ty-dong-a215715.html