Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Cục trưởng Cục quản lý và phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương - Ảnh: VGP/Lê Anh
Mặc dù sở hữu thương hiệu quen thuộc và có độ nhận diện cao với người tiêu dùng Việt Nam trong suốt thời gian dài, nhưng gần đây nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết đang gặp khó khăn do tình trạng hàng giả, hàng nhái và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gia tăng, đặc biệt trên các nền tảng thương mại điện tử. Thực trạng này khiến thị phần bị thu hẹp, ảnh hưởng lớn đến khả năng mở rộng và phát triển của doanh nghiệp.
Tại Tọa đàm "Chống hàng giả, hàng gian - Làm sạch thị trường, bảo vệ niềm tin" do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 2/7, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Cục trưởng Cục quản lý và phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã chia sẻ về những gian nan trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trên thị trường: "Có những lần chúng tôi đến chợ, chưa kịp kiểm tra đã bị theo dõi. Ngay từ cổng chợ đã có người bám sát, thông báo qua Zalo. Camera giám sát được lắp đặt khắp nơi để theo dõi từng bước đi của lực lượng thực thi. Khi chúng tôi đến gần, các quầy hàng lập tức đóng cửa, thậm chí lực lượng bảo vệ còn vận hành tới 10 camera chỉ để cảnh giới".
Thiết lập đường dây nóng nhận phản ánh hàng gian, hàng giả
Điều đó cho thấy đây là một cuộc chiến lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, quyết liệt, cũng như sự phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương. "Hiện chúng tôi đã thiết lập đường dây nóng 1900.888.655 để tiếp nhận phản ánh hàng gian, hàng giả. Người dân cũng có thể trực tiếp đến văn phòng cơ quan chức năng để cung cấp thông tin", ông Nam thông tin.
Về thương mại điện tử, ông Nam cho biết: "Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước đã mời các sàn như Shopee, Lazada ký cam kết phối hợp kiểm soát. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh trao đổi thông tin với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong môi trường thương mại điện tử".
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước Nguyễn Thành Nam, việc kiểm soát vận chuyển hiện nay cũng gặp nhiều thách thức do thương mại điện tử trải rộng trên đường bộ, đường không, đường biển. Để khắc phục, Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ dữ liệu và phối hợp Bộ Công an giám sát các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, nơi các hoạt động vi phạm có xu hướng gia tăng.
Bên cạnh đó, các phần mềm chuyên dụng đang được triển khai nhằm quét và phát hiện hành vi vi phạm từ phía nhà bán hàng. Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước cũng phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để cùng ngăn chặn gian lận thương mại, hàng giả, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, góp phần từng bước làm lành mạnh hóa thị trường.
Trong những tháng cuối năm 2025, Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác này.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng trên địa bàn TPHCM đã tập trung kiểm tra, xử lý 7.903 vụ vi phạm
Xây dựng cơ sở dữ liệu về hàng hóa, ứng dụng công nghệ để giám sát
Ở góc độ địa phương, với thị trường hàng hóa rộng lớn, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, thực hiện Chỉ thị số 13 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, ngành công thương được giao nhiệm vụ phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu về hàng hóa, làm nền tảng cho việc định hướng chiến lược, truy xuất nguồn gốc và đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả. Hiện nay, Sở Công Thương và Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đang đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ này.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng quản lý thị trường TPHCM cũng đã từng bước ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng trên địa bàn TPHCM đã tập trung kiểm tra, xử lý 7.903 vụ vi phạm; trong đó phát hiện, bắt giữ 6.664 vụ vi phạm về gian lận thương mại, 1.060 vụ vi phạm về hàng cấm, hàng lậu, 179 vụ vi phạm về hàng giả; số tiền thu nộp ngân sách là 1.363 tỷ đồng.
Trong tháng cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Thành phố đã tiến hành kiểm tra, xử lý 3.341 vụ; khởi tố 2 vụ, với 6 đối tượng vi phạm.
Lê Anh
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/tang-cuong-cac-bien-phap-chong-hang-gia-de-giu-niem-tin-cho-thi-truong-a221354.html