Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về việc thành lập, tổ chức, quản lý và hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia, quỹ đầu tư mạo hiểm của địa phương sử dụng ngân sách nhà nước.
Dự thảo Nghị định gồm 3 Chương, 18 điều. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, Nghị định được xây dựng nhằm hiện thực hóa chủ trương, định hướng của các Nghị quyết quan trọng của Trung ương gần đây. Trong đó, có Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nghị định được xây dựng nhằm khơi thông nguồn vốn Đầu tư mạo hiểm (ĐTMH) thông qua hợp tác công tư, hình thành hành lang pháp lý cho thành lập, tổ chức, hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia, một số quỹ đầu tư mạo hiểm của địa phương (Quỹ).
Từ đó, tạo nền tảng cho việc thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm từ khu vực tư nhân, phát triển thị trường đầu tư mạo hiểm, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, địa phương.
"Đầu tư mạo hiểm" là hoạt động đầu tư thông qua việc góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (ảnh minh hoạ).
Về hiệu quả đầu tư của Quỹ được đánh giá trên cơ sở tổng thể danh mục đầu tư trong chu kỳ đầu tư. Theo đó, chu kỳ đầu tư với thời gian không quá 10 năm, ngưỡng rủi ro của quỹ được xác định không vượt quá 50% tổng danh mục đầu tư hoặc tổng vốn đầu tư trong chu kỳ đầu tư. Không áp dụng yêu cầu bảo toàn vốn đối với từng dự án, nhiệm vụ, hoạt động đầu tư cụ thể.
Việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn của Quỹ được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, chấp nhận rủi ro có kiểm soát, bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp thông lệ quốc tế để đảm bảo thị trường ĐTMH Việt Nam có tính liên thông, thu hút được dòng vốn nước ngoài.
Thông lệ quốc tế, các hoạt động đầu tư mạo hiểm có tính chất dài hạn, rủi ro cao, có thể từng thương vụ riêng lẻ có khả năng lỗ, thậm chí thất bại, nhưng chỉ cần một vài thương vụ đầu tư thành công là có thể bù đắp cho toàn bộ số vốn đã đầu tư. Do vậy, việc đánh giá hiệu quả quản lý, vận hành quỹ đầu tư mạo hiểm thường thực hiện theo các chu kỳ đầu tư, với thời gian thông thường từ 10-15 năm.
Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng quy định ngưỡng rủi ro tối đa của Quỹ để đảm bảo tổ chức, cá nhân quản lý quỹ có trách nhiệm điều chỉnh chiến lược đầu tư, kế hoạch đầu tư, danh mục đầu tư cho phù hợp với thực tiễn.
Theo đó, tỷ lệ thất bại hoặc tổng tiền tổn thất phát sinh từ hoạt động đầu tư mạo hiểm trong chu kỳ đầu tư không vượt quá ngưỡng rủi ro đã được xác định trong chiến lược, kế hoạch đầu tư của quỹ.
Dự thảo cũng nêu rõ, miễn trừ trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự liên quan đến tổn thất đầu tư, nếu tổn thất phát sinh do rủi ro khách quan. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, điều này nhằm khuyến khích tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, thu hút chuyên gia, tổ chức, cá nhân chuyên nghiệp về ĐTMH để quản lý, vận hành Quỹ thì cần phải có chính sách để miễn trừ trách nhiệm nếu tổn thất phát sinh do rủi ro khách quan.
Quy định này cũng để thể chế hóa nội dung tại Nghị quyết 57: "Có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan".
Về vốn điều lệ, đối với Quỹ, ngân sách nhà nước chỉ chiếm tối đa 49%, không quy định tỷ lệ tối đa đối với quỹ đầu tư mạo hiểm của địa phương. Quy định này nhằm khuyến khích, thu hút dòng vốn ĐTMH từ khu vực tư nhân, thể hiện vai trò của nhà nước trong chia sẻ rủi ro, đầu tư vốn mồi, đồng thời, sử dụng có hiệu quả tiền nhà nước.
Nhà nước đầu tư ban đầu không quá 50% vốn điều lệ, đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của các đối tác khác trong hệ sinh thái. Không quy định mức tối đa này với Quỹ của các địa phương để phù hợp với nhu cầu, khả năng, nguồn lực của mỗi địa phương.
Theo dự thảo Nghị định "Đầu tư mạo hiểm" là hoạt động đầu tư thông qua việc góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Thị trường ĐTMH Việt Nam phát triển tương đối mạnh mẽ trong khoảng 10 năm gần đây. Sau giai đoạn bùng nổ và đạt đỉnh điểm vào năm 2021 với hơn 1,4 tỷ USD đầu tư, tuy nhiên từ 2022 tới nay, thị trường đã giảm đáng kể.
Cụ thể, vốn ĐTMH đã giảm 35,4% và số lượng thương vụ giảm 38,5% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2022-2023, với mức giảm khoảng 17% trong năm 2023 so với năm 2022. Sự sụt giảm này phản ánh bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu bất ổn và xu hướng "mùa đông gọi vốn" chung.
Dù vậy, Việt Nam vẫn giữ vững vị thế là một trong ba thị trường ĐTMH ở Đông Nam Á, chỉ sau Singapore và Indonesia. Song, so với các nền kinh tế phát triển, quy mô của thị trường ĐTMH tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn.
Trong hơn 200 quỹ ĐTMH đang hoạt động tại Việt Nam, chỉ có hơn 30 quỹ được đăng ký thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, với tổng vốn góp đạt 413 tỷ đồng (tương đương khoảng 16 triệu USD), chiếm chưa đến 5% tổng số vốn ĐTMH hàng năm.
Quá trình hoạt động xuất hiện một số tồn tại, hạn chế dẫn tới việc thị trường ĐTMH tại Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, nhu cầu, dẫn tới hạn chế trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/truong-hop-mien-trach-nhiem-neu-gay-thiet-hai-quy-dau-tu-mao-hiem-quoc-gia-a221361.html