Thỏa thuận sơ bộ về thuế giữa Việt Nam và Mỹ giúp giảm rủi ro chính sách, mở ra kỳ vọng phục hồi cho thị trường chứng khoán. Kinh tế trưởng SSI nhận định cổ phiếu tăng trưởng nội tại, vốn hóa lớn sẽ hưởng lợi trong dài hạ
Tạo lực đẩy cho tâm lý thị trường
Sau cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump ngày 2/7, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được đồng thuận bước đầu về một thỏa thuận thuế quan. Bước tiến này được cộng đồng phân tích nhận định là một tín hiệu tích cực quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro thương mại và chính sách, đồng thời mở rộng dư địa thu hút dòng tiền đầu tư dài hạn vào thị trường tài chính.
Ông Phạm Lưu Hưng – Kinh tế trưởng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng: Thỏa thuận thuế quan với Mỹ là "tín hiệu rất tích cực". Dù các mức thuế vẫn chưa được thống nhất hoàn toàn, dự kiến sẽ chỉ xoay quanh mốc 20%, ông Phạm Lưu Hưng nhận định đây "không phải là một con số đáng lo".
Tuy nhiên, ông Phạm Lưu Hưng cũng lưu ý rằng đây mới chỉ là một thỏa thuận sơ bộ, chưa có tính cam kết cuối cùng. Cột mốc ngày 9/7, hạn chót để hoàn tất toàn bộ nội dung đàm phán là thời điểm quan trọng. Nếu các điều khoản không được chốt trước mốc này, mức thuế 10% đang tạm áp dụng có thể tiếp tục được kéo dài thêm.
Một điểm then chốt khác trong đàm phán là tiêu chí quy tắc xuất xứ.
"Chỉ khi doanh nghiệp chứng minh được nguồn gốc xuất xứ Việt Nam rõ ràng thì mới có thể hưởng ưu đãi thực sự. Điều này đặc biệt quan trọng với những ngành như dệt may, điện tử, đồ gỗ, vốn đang phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc", ông Phạm Lưu Hưng nói.
Ông Phạm Lưu Hưng – Kinh tế trưởng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI
Cổ phiếu nội lực, vốn hóa lớn hưởng lợi dài hạn từ dòng tiền ETF và FDI
Với sự hạ nhiệt của bất định chính sách, ông Phạm Lưu Hưng cho rằng thị trường sẽ phản ứng tích cực và dần chuyển tâm lý từ phòng thủ sang chủ động.
Nhà đầu tư sẽ quay lại tập trung vào các yếu tố tăng trưởng nội tại, đặc biệt là các nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, thanh khoản cao và khả năng duy trì tỷ lệ free-float ổn định.
Các chuyên gia SSI Research đánh giá, nếu khả năng nâng hạng thị trường từ hạng cận biên lên mới nổi được hiện thực hóa, đặc biệt là trong kỳ đánh giá của FTSE Russell tháng 10 tới, dòng tiền ETF sẽ tăng cường chảy vào Việt Nam. Ông Phạm Lưu Hưng cho rằng "xác suất được FTSE nâng hạng có thể lên tới 90%".
Với kịch bản đó, khoảng 20–30 cổ phiếu sẽ được bổ sung vào các rổ chỉ số, trong đó những mã có vốn hóa lớn như Vinamilk, Hòa Phát... được đánh giá là hưởng lợi lớn từ sự gia tăng mua ròng của khối ngoại.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đang được đánh giá là tâm điểm trong bối cảnh thanh khoản thị trường tăng mạnh.
SSI Research cũng duy trì dự báo lợi nhuận sau thuế của nhóm cổ phiếu phi tài chính, vốn hóa vừa và lớn sẽ tăng khoảng 13% trong năm 2025 – tương đương với VN-Index vận động quanh mốc 1.400 điểm. Tuy nhiên, ông Phạm Lưu Hưng nhấn mạnh nhà đầu tư nên tập trung vào những doanh nghiệp có nền tảng nội tại vững vàng thay vì chạy theo những cổ phiếu đầu cơ theo tin tức ngắn hạn.
Tận dụng cải cách, đẩy mạnh nội địa hóa để tăng sức cạnh tranhSong song với thỏa thuận thương mại, kỳ vọng về việc Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đang mang lại thêm một làn gió tích cực cho giới đầu tư. Theo chuyên gia SSI, nếu được công nhận, Việt Nam sẽ giảm đáng kể nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là các vụ kiện chống bán phá giá vốn thường xuyên xảy ra với ngành thép, dệt may và thủy sản.
Bên cạnh đó, các chính sách đầu tư công giai đoạn 2026–2030 cũng tạo thêm động lực cho tăng trưởng nội địa. Những lĩnh vực như hạ tầng, dịch vụ tài chính và tiêu dùng được kỳ vọng sẽ là những ngành dẫn dắt nhờ cam kết cải thiện môi trường đầu tư và đẩy nhanh giải ngân.
Ông Phạm Lưu Hưng cũng nhận định rằng câu chuyện lớn hơn không nằm ở con số thuế là bao nhiêu phần trăm, mà là việc Việt Nam đã kiểm soát tốt rủi ro chính sách và thiết lập được niềm tin dài hạn đối với dòng vốn nước ngoài. Điều này sẽ mở ra một chu kỳ định giá lại với các nhóm cổ phiếu có nền tảng tài chính bền vững và gắn với tăng trưởng nội tại.
Còn theo báo cáo Maybank Research cho rằng mức thuế 20% là đáng kể, nhưng vẫn trong khả năng kiểm soát của phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các ngành có tỷ lệ nội địa hóa cao.
Cụ thể, ngành nông nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa khoảng 65%, điện tử 50% và dệt may 45%. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuẩn bị bằng cách đàm phán lại với đối tác Hoa Kỳ, chia sẻ chi phí, điều chỉnh giá bán, thậm chí chuyển hướng thị trường xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào Mỹ.
Ở góc độ thu hút đầu tư, mức chênh lệch thuế so với các nước cạnh tranh trong khu vực chỉ còn 5–10%. Với Trung Quốc, mức chênh lệch tạm thời giãn ra tới 35%, giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên sáng 3/7 ghi nhận diễn biến giằng co quanh vùng đỉnh, thể hiện tâm lý thận trọng của nhà đầu tư dù có tin tốt từ đàm phán thương mại.
Thanh khoản thị trường khởi sắc, vượt 4.000 tỷ đồng chỉ sau vài phút mở phiên, cho thấy dòng tiền có dấu hiệu cải thiện. Tuy nhiên, xu hướng mua vào vẫn còn chọn lọc, đặc biệt trong bối cảnh khối ngoại duy trì bán ròng.
Trong khi chứng khoán Mỹ tăng mạnh với S&P 500 và Nasdaq lập đỉnh, nhờ kỳ vọng vào chuỗi cung ứng Việt Nam nơi sản xuất 50% giày và 30% hàng may mặc cho Nike thì các thị trường châu Á lại đỏ điểm. Hang Seng, Nikkei, Shanghai Composite đều giảm nhẹ do tâm lý dè chừng trước chính sách thuế mới của Mỹ với các đối tác thương mại.
Anh Minh
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/thoa-thuan-thuong-mai-viet-nam-hoa-ky-them-ky-vong-moi-cho-dong-von-ngoai-a221541.html