Khuyến khích doanh nghiệp công nghệ số Việt tham gia giải quyết các bài toán lớn về KHCN

Theo Bộ KH&CN, Việt Nam muốn trở thành quốc gia đi đầu về ứng dụng AI, không thể chỉ tập trung vào nghiên cứu hay công nghệ đơn thuần mà phải có sự cân bằng giữa nghiên cứu – phát triển – ứng dụng.

Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có khung pháp lý về trí tuệ nhân tạo (AI), tài sản số.

Theo ông Nguyễn Khắc Lịch - Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin (Bộ Khoa học và Công nghệ), thời điểm Quốc hội khóa XV thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số là cột mốc lịch sử, đánh dấu bước tiến chiến lược, từng bước đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ số toàn cầu.

Để luật đi vào thực tiễn thời gian tới, thông tin với Người Đưa Tin Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết đang khẩn trương triển khai một số việc cụ thể như: Xây dựng, hoàn thiện để sớm ban hành các Nghị định và Thông tư quy định chi tiết Luật để có đầy đủ hành lang pháp lý cho công nghiệp công nghệ số, để người dân và doanh nghiệp có thể áp dụng ngay khi Luật có hiệu lực thi hành.

Khuyến khích doanh nghiệp công nghệ số Việt tham gia giải quyết các bài toán lớn về KHCN- Ảnh 1.

Khuyến khích doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tham gia giải quyết các bài toán lớn về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ triển khai các hoạt động truyền thông Luật trên các phương tiện truyền thông, hội thảo, hội nghị, đẩy mạnh truyền thông Luật đến với cộng đồng doanh nghiệp, người dân.

Song song với Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành để có đẩy đủ hành lang pháp lý cho công nghiệp công nghệ số, trong thời gian tới, Bộ KH&CN cũng sẽ triển khai các nhiệm vụ, chương trình, chiến lược để phát triển các lĩnh vực quan trọng của công nghiệp công nghệ số như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển thị trường trong và ngoài nước cho doanh nghiệp công nghệ số; thúc đẩy phát triển, làm chủ các công nghệ chiến lược lĩnh vực công nghệ số.

Bộ KH&CN cũng khuyến khích và đề nghị các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tham gia giải quyết các bài toán lớn về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của đất nước.

Phổ cập AI toàn dân, toàn diện

Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã sớm xây dựng và ban hành hành lang pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Với câu hỏi của Người Đưa Tin về việc Bộ KH&CN sẽ có những chiến lược dài hạn nào để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đặc biệt trong các lĩnh vực KH&CN?

Bộ KH&CN cho biết, về định hướng chiến lược dài hạn, thực hiện chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, Bộ đang chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 và Chương trình hành động chuyển đổi AI quốc gia.

Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ vươn lên trở thành quốc gia trong nhóm dẫn đầu về ứng dụng AI; phổ cập AI toàn dân, toàn diện, mọi người dân đều được tiếp cận và sử dụng AI một cách hiệu quả. 

Cùng với đó, làm chủ và ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học, công nghệ AI tiên tiến của thế giới để tạo ra sự tự chủ về công nghệ trên nền tảng AI an toàn, công bằng, minh bạch, có trách nhiệm, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.

Theo Bộ KH&CN, phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam phải được đặt trong một triết lý phát triển phù hợp với điều kiện và tiềm năng của đất nước. 

Khuyến khích doanh nghiệp công nghệ số Việt tham gia giải quyết các bài toán lớn về KHCN- Ảnh 2.

Đến năm 2030, Việt Nam sẽ vươn lên trở thành quốc gia trong nhóm dẫn đầu về ứng dụng AI.

Nghĩa là, AI phải bắt đầu từ thực tiễn ứng dụng, từ nhu cầu cụ thể trong quá trình chuyển đổi số, trong hoạt động của người dân và doanh nghiệp – những chủ thể năng động nhất, thực tiễn nhất, và cũng là nơi đưa ra nhiều "đầu bài" nhất cho AI. Đây là khác biệt căn bản, đặt nền tảng cho một hướng đi đúng đắn, thiết thực, hiệu quả.

Việt Nam muốn trở thành quốc gia đi đầu về ứng dụng AI, không thể chỉ tập trung vào nghiên cứu hay công nghệ đơn thuần. Phải có sự cân bằng giữa nghiên cứu – phát triển – ứng dụng, với trọng tâm là xuất phát từ bài toán thực tế của doanh nghiệp và người dân. Chính từ thực tiễn đó, khoa học – công nghệ mới được "đặt hàng" đúng chỗ, phát huy tối đa giá trị phục vụ phát triển.

Về kết nối AI với các lĩnh vực khoa học - công nghệ và ngành kinh tế mũi nhọn: Bộ Khoa học và Công nghệ xác định việc phát triển hạ tầng tính toán hiệu năng cao và hạ tầng dữ liệu là nền tảng thiết yếu cho toàn bộ hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). 

Theo đó, một số nhiệm vụ trọng tâm được triển khai bao gồm: Xây dựng năng lực quốc gia về tính toán hiệu năng cao, điện toán đám mây và điện toán sương mù; thành lập ít nhất 2 trung tâm HPC sử dụng GPU hiện đại, cung cấp dịch vụ chi phí hợp lý cho cộng đồng nghiên cứu và doanh nghiệp; phát triển hạ tầng thử nghiệm phục vụ các đột phá về AI và xử lý dữ liệu lớn. 

Quy hoạch hạ tầng điện, nước cho AI, bảo đảm đến năm 2030 công suất điện cho trung tâm dữ liệu tăng ít nhất gấp đôi so với năm 2025...

Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định việc ứng dụng AI cần gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thực tiễn, giải quyết bài toán quốc kế dân sinh, tập trung vào các lĩnh vực mang lại hiệu quả xã hội trực tiếp như y tế, giáo dục, nông nghiệp và môi trường, hành chính công, trật tự xã hội....

Ra mắt sàn giao dịch khoa học và công nghệ Việt Nam

Chiến lược AI và Chương trình hành động chuyển đổi AI quốc gia tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể: Hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp AI và nền tảng mã nguồn mở, khuyến khích chủ động tham gia hệ sinh thái AI toàn cầu. 

Phát triển các sản phẩm AI "Make in Vietnam" có tính đặc thù, tiến tới hình thành ngành công nghiệp AI trong nước.

Khuyến khích sử dụng AI tự chủ, AI chuyên biệt trong các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc.

Đặc biệt, Bộ KH&CN cũng nhấn mạnh những nhiệm vụ mang tính chiến lược bao gồm: Y tế thông minh, ứng dụng AI và dữ liệu lớn trong chăm sóc sức khoẻ toàn dân; giáo dục thông minh, xây dựng kho học liệu mở và hệ thống học tập mọi lúc, mọi nơi.

Nông nghiệp thông minh: phát triển các mô hình nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; Môi trường và đô thị thông minh: sử dụng AI trong giám sát, dự báo và quản lý rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu; công nghệ gen chữa bệnh: tích hợp AI và công nghệ gen trong phát hiện, điều trị bệnh.

Tự động hóa trong công nghiệp: phát triển robot và mô hình nhà máy thông minh, hình thành mô hình nhà máy "không đèn – không người – làm việc liên tục".

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/khuyen-khich-doanh-nghiep-cong-nghe-so-viet-tham-gia-giai-quyet-cac-bai-toan-lon-ve-khcn-a221632.html