Rà soát hoạt động 168 phường, xã, đặc khu
Phát biểu định hướng tại phiên họp, Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, phiên họp không chỉ đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà còn là dịp rà soát, đánh giá toàn diện hoạt động của 168 phường, xã, đặc khu theo mô hình tổ chức mới.
Ông đặt ra hàng loạt câu hỏi sát với thực tiễn: “Sau ba ngày vận hành, các địa phương có gặp vướng mắc gì không? Các thủ tục hành chính có được thực hiện thuận lợi không? Tỷ lệ người dân đến giao dịch có thay đổi không? Thái độ phục vụ của cán bộ, công chức ra sao?”.
Từ ngày 1/7, 168 phường trên địa bàn Tp.HCM bắt đầu vận hành tổ chức theo mô hình mới.
Chủ tịch UBND Tp.HCM yêu cầu Trung tâm Chuyển đổi số Tp.HCM bảo đảm hệ thống đường truyền, phần mềm phục vụ hiệu quả hoạt động hành chính của các phường, xã, đặc khu. Đồng thời, việc xử lý hồ sơ phi địa giới cần được rà soát, đảm bảo vận hành thông suốt, đáp ứng yêu cầu của mô hình chính quyền mới.
Báo cáo tại phiên họp, Giám đốc Sở Tài chính Tp.HCM Nguyễn Công Vinh cho biết, GRDP 6 tháng đầu năm của Tp.HCM tăng trưởng khá, ước đạt khoảng 7,4%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 16,2%, thu hút FDI đạt hơn 5,2 tỉ USD. Thu ngân sách ước đạt 415.000 tỉ đồng, đạt 60% dự toán năm, giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 32% kế hoạch.
Mặc dù kết quả trên được đánh giá tích cực, nhưng Chủ tịch UBND Tp.HCM lưu ý nguy cơ tác động tiêu cực từ chính sách thuế mới của Mỹ. Theo thông tin cập nhật, Mỹ sẽ áp mức thuế 20% đối với hàng xuất khẩu trực tiếp từ Việt Nam và 40% đối với hàng quá cảnh sang Việt Nam. “Chính sách này khi có hiệu lực chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của thành phố. Các cơ quan liên quan cần khẩn trương đánh giá tác động đến GRDP quý II và quý III, kịp thời đề xuất các giải pháp điều chỉnh để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2025”, ông Nguyễn Văn Được nhấn mạnh.
Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm
Lãnh đạo Tp.HCM cho rằng, sau khi hợp nhất, việc quy hoạch phát triển không thể tách rời từng địa phương như trước. Thành phố cần điều chỉnh, cập nhật và làm mới quy hoạch tổng thể, xem xét phân vùng chức năng trên cơ sở khai thác tối đa thế mạnh của từng khu vực, đồng thời cắt gọt các phần chồng lấn trước đây.
Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Văn Được chủ trì phiên họp.
Tp.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ nằm trong nhóm 100 thành phố đáng sống nhất thế giới và vươn tầm trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu khu vực vào năm 2045. Để hiện thực hóa tầm nhìn này, thành phố sẽ tổ chức nhiều hội nghị tham vấn chuyên gia trong và ngoài nước nhằm xây dựng các chiến lược phát triển phù hợp với tiềm năng và lợi thế của từng vùng.
Tp.HCM xác định, từ nay đến cuối năm, thành phố sẽ tập trung hoàn thiện văn kiện Đại hội Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2025-2030, thúc đẩy tăng trưởng GRDP, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, phát triển trung tâm tài chính, hệ thống cảng biển và các dự án hạ tầng trọng điểm.
Song song đó, Tp.HCM sẽ ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế và an sinh xã hội nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Văn Được phát động 100 ngày thi đua chào mừng Đại hội Đảng các cấp và yêu cầu các ngành, các địa phương cụ thể hóa các mục tiêu thi đua để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Giám đốc Sở Nội vụ Tp.HCM Phạm Thị Thanh Hiền cho biết, đến ngày 1/7, Tp.HCM đã hoàn tất sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Cụ thể, 168 phường, xã, đặc khu đã tổ chức kỳ họp HĐND lần thứ nhất, kiện toàn các cơ quan chuyên môn, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo và Ủy viên UBND phường, xã, đặc khu.
Về chính sách cán bộ, đến ngày 30/6, Tp.HCM đã giải quyết chế độ cho 2.081 cán bộ, công chức nghỉ việc theo Nghị định 178, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 773 tỉ đồng. Thành phố đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, tập trung vào các cơ quan chuyên môn còn lại và các đơn vị hành chính cấp xã.