Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Thu Giang
Ngày 4/7, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc làm việc với các hiệp hội ngành nghề, tập đoàn, doanh nghiệp lớn nhằm lắng nghe phản ánh về những khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đề xuất phương án xử lý.
Đây là hoạt động cụ thể hóa Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Xác định rõ trọng tâm, chủ động tháo gỡ vướng mắc
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh, Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị đã đặt ra mục tiêu năm 2025: "cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những "điểm nghẽn" do quy định pháp luật", với nhiệm vụ, giải pháp: "Đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển".
Tinh thần này tiếp tục được cụ thể hóa tại Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật do Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì ngày 5/6/2025. Tổng Bí thư yêu cầu tập trung rà soát, tháo gỡ các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất hợp lý, không khả thi, không rõ ràng, tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau trong hệ thống pháp luật. Đây không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn là mệnh lệnh chính trị, nhằm chuyển từ tư duy "quản lý" sang "kiến tạo phát triển"...
Trên cơ sở định hướng đó, Ban Chỉ đạo Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 04-KH/BCĐTW ngày 10/6/2025 để chỉ đạo công tác rà soát, tháo gỡ khó khăn do quy định pháp luật. Kế hoạch nhằm xác định cụ thể nhiệm vụ, lĩnh vực ưu tiên, thời hạn và trách nhiệm của các cơ quan, thành viên liên quan; đồng thời, chỉ rõ cơ quan đầu mối tham mưu là Bộ Tư pháp.
Bà Nguyễn Thị Thu Hòe, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) cho biết, Kế hoạch gồm 8 nhóm công việc, chia thành 3 mảng lớn, đó là: Xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế xử lý vướng mắc pháp luật; rà soát, đề xuất hoàn thiện pháp luật chung; rà soát chuyên đề trong các lĩnh vực tài chính – đầu tư và khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Ngày 24/6, tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật. Sau khi Nghị quyết được ban hành, Bộ Tư pháp đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn triển khai, tập trung vào việc xác định đúng và trúng các điểm nghẽn pháp luật.
Về nguồn, đối tượng xin ý kiến để rà soát, phản ánh "điểm nghẽn", có 6 nguồn chính, gồm: Bộ, ngành; địa phương; Hiệp hội doanh nghiệp; tập đoàn, doanh nghiệp lớn; cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, luật sự, trọng tài viên và hệ thống phản ánh vướng mắc của pháp luật qua Cổng Pháp luật quốc gia.
Ba phương án xử lý chủ yếu được đưa ra gồm: Giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật; sửa đổi các luật “đinh” như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch; ban hành Nghị quyết quy phạm của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Rà soát chuyên đề: Gỡ vướng cho đầu tư, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số
Bên cạnh rà soát, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật chung, Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật còn yêu cầu rà soát và xử lý theo 2 chuyên đề cụ thể trong lĩnh vực tài chính, đầu tư; khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Với tài chính, đầu tư, Đảng ủy Bộ Tài chính được giao đầu mối, tiếp tục hoàn thiện pháp luật cả năm 2025, trọng tâm là Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư. Bộ này cũng có thể áp dụng cơ chế đặc thù từ Nghị quyết mới để xử lý các vướng mắc pháp lý.
Với khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Đảng ủy Bộ KH&CN chủ trì rà soát. Dù Quốc hội sắp thông qua một số đạo luật mới, vẫn còn những quy định chưa theo kịp thực tiễn, đòi hỏi tiếp tục cập nhật, bổ sung các luật như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ và xây dựng mới Luật Chuyển đổi số.
Bên cạnh 2 nhóm rà soát chuyên đề nêu trên, Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ đang và sẽ rà soát, đánh giá việc thực hiện pháp luật về phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền và giải pháp xử lý bất cập, vướng mắc. Bộ Tư pháp cùng các cơ quan liên quan (rà soát, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực).
Tại cuộc họp, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp lớn đã chia sẻ thẳng thắn về những khó khăn trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh do vướng mắc pháp lý. Nhiều ý kiến cho biết có những quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật, hoặc không rõ ràng, khiến doanh nghiệp gặp khó khi triển khai dự án. Bên cạnh đó, một số quy định chưa bắt kịp với sự phát triển nhanh của thị trường, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, làm gia tăng chi phí tuân thủ và rủi ro pháp lý...
Các đại biểu cũng đề nghị cần có cơ chế linh hoạt hơn trong xử lý vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, tăng cường tham vấn doanh nghiệp trong quá trình xây dựng pháp luật, đồng thời nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống tiếp nhận, phản ánh, kiến nghị quy định pháp luật để đảm bảo tương tác hiệu quả, kịp thời giữa Nhà nước với người dân và doanh nghiệp.
Thu Giang
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/thao-go-diem-nghen-phap-luat-khoi-thong-nguon-luc-phat-trien-dat-nuoc-a221661.html