Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam - Ảnh: VGP/ Đỗ Hương
Văn phòng SPS Việt Nam là đầu mối thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hoá theo yêu cầu của Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thực hiện chức năng là kênh thông tin chính thức giữa Việt Nam và các thành viên WTO về các vấn đề SPS.
Hiện Văn phòng SPS Việt Nam trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Theo số liệu thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, hiện có 3.842 mã sản phẩm của các cơ sở chế biến thực phẩm được Trung Quốc cấp phép nhập khẩu theo quy định 248 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Trong đó, có khoảng 1.500 mã thuộc nhóm 18 mặt hàng có nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm do 5 cơ quan thẩm quyền của Việt Nam quản lý là: Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Cục Chăn nuôi và Thú y; Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Cục An toàn thực phẩm; Cục Xuất nhập khẩu… Còn lại trên 2.000 mã sản phẩm có nguy cơ thấp do doanh nghiệp tự đăng ký.
Khi doanh nghiệp đăng ký hồ sơ trên hệ thống đăng ký doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm vào thị trường Trung Quốc (CIFER) của Tổng cục Hải quan Trung Quốc phải khai báo địa chỉ doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ ngày 01/7/2025, Việt Nam áp dụng mô hình chính quyền 2 cấp. Như vậy, có sự thay đổi địa chỉ doanh nghiệp so với hồ sơ đăng ký trước ngày 01/7/2025.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, căn cứ điều 19, Quy định 248 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc: Trong thời hạn hiệu lực của việc đăng ký, nếu thông tin đăng ký của doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu thay đổi thì nộp hồ sơ thay đổi đến Tổng cục Hải quan thông qua kênh đăng ký và nộp các tài liệu sau: (1) Bảng đối chiếu thông tin thay đổi theo mục đăng ký; (2) Các tài liệu chứng minh liên quan đến thông tin thay đổi. Nếu Tổng cục Hải quan Trung Quốc xét thấy sau khi thẩm định có thể thay đổi thì thực hiện thay đổi.
Với tinh thần chủ động gỡ khó cho doanh nghiệp, ông Nam thông tin: "Ngay từ ngày 19/6/2025, tại Phiên họp Uỷ ban SPS-WTO lần thứ 92 tại Thuỵ Sỹ, Văn phòng SPS Việt Nam đã phối hợp với Phái Đoàn thường trực của Việt Nam tại Geneva, Thuỵ Sĩ tổ chức cuộc họp song phương với đại diện Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Phái Đoàn thường trực của Trung Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ để thông báo về việc từ ngày 01/7/2025, Việt Nam áp dụng mô hình chính quyền 2 cấp, gồm tỉnh và xã, sẽ có sự thay đổi thông tin địa chỉ của doanh nghiệp đã đăng ký trên hệ thống CIFER. Việt Nam đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc phối hợp, hỗ trợ và có giải pháp để không làm gián đoạn việc xuất khẩu nông sản thực phẩm từ Việt Nam sang Trung Quốc theo Quy định 248".
"Văn phòng SPS Việt Nam sẽ tham mưu Thứ trưởng Trần Thanh Nam công hàm gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị phối hợp chặt chẽ để không ảnh hưởng đến việc xuất khẩu nông sản thực phẩm của Việt Nam do ảnh hưởng của việc chuyển đổi hệ thống chính quyền 2 cấp", ông Nam nhấn mạnh.
Văn phòng SPS Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực phẩm theo Quy định 248, trong trường hợp hàng đến cửa khẩu bị vướng mắc về quy định đăng ký tên, địa chỉ doanh nghiệp… liên hệ trực tiếp với cơ quan đầu mối quốc gia về Thông báo và hỏi đáp về về sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường) để được hỗ trợ.
Đỗ Hương
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/sps-viet-nam-huong-dan-doanh-nghiep-cap-nhat-thong-tin-xuat-khau-thuc-pham-sang-trung-quoc-a221713.html