Loài cây quý hiếm bậc nhất thế giới, chỉ duy nhất Việt Nam mới có

Theo danh mục đỏ của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên thế giới, cây được xếp vào mức rất nguy cấp, các quần thể của loài này có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên, cần phải bảo vệ nghiêm ngặt vì số lượng cây trên thế giới còn rất ít.

Giữa những cánh rừng phòng hộ ven biển miền Trung, có một loài cây đặc biệt mà ít ai biết đến, đó là chai lá cong (Shorea falcata), loài cây đặc hữu chỉ có ở Việt Nam.

Loài cây quý hiếm bậc nhất thế giới, chỉ duy nhất Việt Nam mới có- Ảnh 1.

Cây chai lá cong cổ thụ. Ảnh: báo Lao Động

Chai lá cong được phát hiện tại Phú Yên từ những năm 90 của thế kỷ trước. Loài này là cây gỗ lớn, có vỏ dày màu nâu xám, thân cây nứt dọc, có thể cao tới 30-40m khi trưởng thành. Đặc điểm nổi bật nhất của loài cây này chính là hình dáng lá: phiến lá dài hoặc hình trứng, nhưng phần dưới bị lệch so với phần trên, tạo nên hình dáng cong đặc trưng, có lẽ vì thế mà người dân đặt tên là chai lá cong.

Loài cây quý hiếm bậc nhất thế giới, chỉ duy nhất Việt Nam mới có- Ảnh 2.

Ảnh: Mạnh Hoài Nam.

Từ xa xưa, chai lá cong đã được đánh giá cao nhờ gỗ chắc, bền, nếu để khô lâu năm sẽ cứng như sắt. Trước đây, gỗ chai lá cong thường được sử dụng để làm kèo cột, đóng giường tủ, tàu thuyền, thậm chí cả các công trình nhà cửa quan trọng. Ngoài giá trị kinh tế, loài cây này còn có vai trò phòng hộ môi trường, giúp giữ đất, chắn gió bão và tạo cảnh quan xanh cho những khu vực ven biển.

Tuy nhiên, theo danh mục đỏ của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên thế giới, cây được xếp vào mức rất nguy cấp, các quần thể của loài này có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên, cần phải bảo vệ nghiêm ngặt vì số lượng cây trên thế giới còn rất ít.

Thống kê vào năm 2022 của các nhà khoa học ở Viện Tài nguyên và Môi trường (thuộc Đại học Huế), tại Việt Nam chỉ còn 13 cây chai lá cong cổ thụ. Riêng thị xã Sông Cầu (Phú Yên cũ) là nơi còn lại nhiều cây chai lá cong nhất với 7 cây. Những cây còn lại hiện hữu ở khu vực ven biển Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Chai lá cong thuộc loại thực vật có tốc độ sinh trưởng rất chậm, vì thế phải cần đến hàng trăm năm mới có được cây cổ thụ.

Theo Tiến sĩ Hồ Đắc Thái Hoàng, những cây chai lá cong ở Phú Yên có thể xem là "cây mẹ" vì tuổi đời của nó khá lớn. Đối với hệ thống của thế giới, thì loài cây nào chỉ có tại một vùng đất và không thể tìm thấy ở vùng đất khác, thì nó được gọi là endemic (tức là đặc hữu). Loài đặc hữu thì bắt buộc phải bảo vệ, phải đừng để nó chết. Nếu để loài đó chết thì lần sau không thể nào tìm thấy được cả.

Loài cây quý hiếm bậc nhất thế giới, chỉ duy nhất Việt Nam mới có- Ảnh 3.

Cây chai lá cong cổ thụ có tán rộng. Ảnh: Mạnh Hoài Nam.

Trước tình trạng chai lá cong ngày càng bị thu hẹp về số lượng, các nhà khoa học và cơ quan chức năng đã đưa ra hai phương pháp bảo tồn chính: bảo tồn tại chỗ và bảo tồn chuyển vị.

Bảo tồn tại chỗ là phương án cấp thiết, tức là bảo vệ chặt chẽ các "cây mẹ" còn lại trong tự nhiên, ngăn chặn hành vi khai thác trái phép. Đồng thời, cần thu hái hạt giống và ươm trồng tại các khu vực phù hợp, nhằm duy trì quần thể lâu dài.

Bảo tồn chuyển vị là phương án nhân giống cây chai lá cong trong các vườn thực vật hoặc khu vực khác có điều kiện thổ nhưỡng tương đồng, giúp mở rộng phạm vi phân bố của loài cây này.

Hiện nay, một số đơn vị đã bắt đầu nghiên cứu và nhân giống chai lá cong, nhưng số lượng cây con vẫn còn rất hạn chế. Để bảo tồn thành công, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, các tổ chức bảo tồn thiên nhiên và sự chung tay của cộng đồng.

Minh Hoa (t/h)

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/loai-cay-quy-hiem-bac-nhat-the-gioi-chi-duy-nhat-viet-nam-moi-co-a221888.html