Trục xuất 14 người nhập cảnh trái phép
Ngày 7/7, thông tin từ Công an tỉnh Quảng Trị, chỉ trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 6, Công an tỉnh đã phát hiện nhiều người Trung Quốc nhập cảnh trái phép Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (cũ), gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự.
Cụ thể, trong tháng 5/2025, Công an tỉnh đã phát hiện 14 trường hợp người Trung Quốc có dấu hiệu nhập cảnh trái phép Việt Nam tại địa bàn tỉnh Quảng Bình (cũ). Lực lượng chức năng đã tổ chức xác minh, điều tra, ban hành 2 quyết định khởi tố vụ án hình sự, 3 quyết định khởi tố bị can đối với 3 bị can người Việt Nam.
Đến cuối tháng 6/2025, Công an tỉnh đã phối hợp các lực lượng chức năng của Việt Nam và Trung Quốc trục xuất 14 trường hợp Trung Quốc về nước, bảo đảm đúng quy định, trình tự.
Trao trả người có quốc tịch Trung Quốc nhập cảnh trái phép cho cơ quan chức năng tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn (Ảnh: CAQT).
Theo cơ quan chức năng, đặc điểm chung của các đối tượng hoạt động xuất nhập cảnh trái phép thường biểu hiện dưới một số hình thức, nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; có tổ chức chặt chẽ, hình thành đường dây, có sự phân công vai trò, vị trí giữa các đối tượng, thành viên trong tổ chức, đường dây.
Được biết, hầu hết các đối tượng đều lợi dụng trình độ dân trí thấp, cuộc sống khó khăn và nhu cầu xuất cảnh ra nước ngoài lao động của người dân (cả người Việt Nam lẫn người nước ngoài) để lôi kéo, dụ dỗ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan xuất nhập cảnh để thu lợi bất chính.
Nhiều vụ việc xuất nhập cảnh trái phép không chỉ xảy ra, liên quan đến một người, một địa phương mà liên quan đến nhiều người, nhiều địa phương khác nhau, gây khó khăn trong công tác đấu tranh.
Bên cạnh đó, nhiều vụ việc có số lượng người vi phạm lớn. Các “đường dây” và đối tượng có liên quan lợi dụng địa bàn tỉnh Quảng Bình (cũ) có điều kiện thuận lợi về giao thông, vị trí địa lý, giáp biên giới với Lào để tổ chức các hoạt động phức tạp như tổ chức cho người nước ngoài xuất nhập cảnh trái phép.
Tiếp tục đấu tranh hoạt động xuất nhập cảnh trái phép
Theo Công an tỉnh Quảng Trị, phương thức liên lạc chủ yếu của những người nước ngoài xuất nhập cảnh trái phép là qua điện thoại và các phần mềm, ứng dụng OTT (phương thức cung cấp nội dung truyền hình và video qua internet như Zalo, Telegram…) để có thể nhanh chóng xoá dấu vết. Các đối tượng cũng có dấu hiệu được hướng dẫn để trả lời cơ quan chức năng Việt Nam khi bị phát hiện. Do đó, trong thời gian qua, công an các đơn vị, địa phương, với lực lượng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh làm nòng cốt, công an xã trực tiếp bám sát địa bàn cơ sở, đã triển khai toàn diện các mặt công tác để phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với hoạt động xuất nhập cảnh trái phép.
Các trường hợp nhập cảnh trái phép được cơ quan chức năng trao trả đúng quy định (Ảnh: CAQT).
Đại tá Lê Văn Hóa, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục mở rộng điều tra các vụ án có liên quan, góp phần “chặt đứt” đường dây tổ chức đưa nước ngoài nhập cảnh trái phép Việt Nam để ở lại làm việc, hoạt động hoặc xuất cảnh trái phép đi nước thứ 3, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị.
Tuy nhiên, trong quá trình đấu tranh với hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, lực lượng Công an nhận thấy hoạt động tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép, di cư bất hợp pháp có tính chất xuyên quốc gia, các đường dây có sự cấu kết giữa các đối tượng cả ở trong và ngoài nước, cả người Việt Nam và người nước ngoài; hành trình qua nhiều nước, bằng nhiều phương tiện giao thông khác nhau. Từ đó, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức.
“Việc làm giả hộ chiếu, giấy tờ ngày càng tinh vi, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức liên lạc, phân công hoạt động theo từng giai đoạn, các “mắt xích” hoạt động độc lập, không biết nhau. Đặc biệt, các đối tượng cũng đã được hướng dẫn cách thức khai báo khi bị phát hiện…”, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị Lê Văn Hóa cho biết.
Bên cạnh đó, trong thực tế, các đường dây không chỉ tổ chức cho người xuất nhập cảnh trái phép mà còn lợi dụng nhu cầu, sự nhẹ dạ, mất cảnh giác, sự thiếu hiểu biết, vị thế bấp bênh của người xuất nhập cảnh trái phép để tiến hành hoạt động mua bán người, hình thành các đường dây đưa người ra nước ngoài bán vào hoạt động mại dâm, cưỡng ép kết hôn hoặc lao động cưỡng bức…
Trong thời gian tới, Công an tỉnh Quảng Trị tiếp tục đấu tranh chống hoạt động xuất nhập cảnh trái phép một cách triệt để và hiệu quả nhất.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/dau-tranh-voi-hoat-dong-xuat-nhap-canh-trai-phep-voi-nhieu-thu-doan-tinh-vi-a221970.html