Những người lính âm thầm “chắp cánh” tri thức nơi biên cương

Dưới cái nắng gió khắc nghiệt của núi rừng Tây Nguyên, hình ảnh những người lính mang quân hàm xanh âm thầm nâng bước học sinh nghèo đến trường đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ nơi biên giới Gia Lai.

"Chắp cánh" những mảnh đời bất hạnh

Dưới cái nắng gió khắc nghiệt của núi rừng Tây Nguyên, hình ảnh những người lính Bộ đội Cụ Hồ âm thầm đồng hành cùng học sinh nghèo đến trường đã trở thành biểu tượng đẹp nơi vùng biên giới Gia Lai suốt nhiều năm qua.

Thông qua chương trình “Cán bộ, chiến sĩ nâng bước em tới trường”, hàng trăm em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không chỉ được hỗ trợ về vật chất mà còn được tiếp thêm niềm tin, động lực để vượt qua nghịch cảnh, vươn lên trong học tập và cuộc sống.

Đây không chỉ là một mô hình hỗ trợ giáo dục, mà còn là nhịp cầu bền vững thắt chặt tình quân dân, lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc giữa đời thường nơi vùng biên cương.

Một trong những trường hợp tiêu biểu là em Kpuih H’Lang (trú tại xã Phú Thiện, tỉnh Gia La)i. Em mồ côi cha từ năm 2019, sau đó không lâu lại bị mẹ bỏ rơi để đi làm ăn xa và lập gia đình mới. H’Lang và em trai nhỏ phải sống nhờ vào người anh cả trong cảnh thiếu thốn trăm bề.

Tưởng chừng con đường học tập sẽ phải dang dở, nhưng lãnh đạo Công ty TNHH MTV 72 – đơn vị đóng quân trên địa bàn đã kịp thời dang rộng vòng tay yêu thương, nhận H’Lang làm con nuôi, bảo trợ toàn bộ chi phí học tập với mức hỗ trợ 23,9 triệu đồng mỗi năm.

Tấm lòng của người lính không chỉ sưởi ấm trái tim trẻ nhỏ mà còn tiếp thêm ánh sáng cho những ước mơ tưởng chừng đã vụt tắt.

Những người lính âm thầm “chắp cánh” tri thức nơi biên cương- Ảnh 1.

Thấu hiểu hoàn cảnh đặc biệt ấy, lãnh đạo Công ty TNHH MTV 72, đơn vị đóng quân trên địa bàn đã nhận em Kpuih H’Lang làm con nuôi, hỗ trợ toàn bộ chi phí học tập.

Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ vật chất, cán bộ, nhân viên Công ty TNHH MTV 72 còn thường xuyên thăm hỏi, động viên tinh thần em H’Lang. Họ phối hợp chặt chẽ với nhà trường để theo sát quá trình học tập của em, giúp em không bị bỏ lại phía sau. Nhờ sự đồng hành bền bỉ ấy, H’Lang đã vững vàng đến lớp và đạt danh hiệu học sinh khá trong năm học 2024–2025.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, Trung tá Phạm Xuân Tri, Giám đốc Công ty TNHH MTV 72 – cho biết: “Thực hiện chương trình ‘Cán bộ, chiến sĩ nâng bước em tới trường’, đến nay đơn vị đã nhận đỡ đầu 8 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn biên giới, đưa về nuôi dưỡng tại gia đình cán bộ, chiến sĩ. 

Ngoài ra, chúng tôi còn hỗ trợ thường xuyên cho 25 em khác. Tiêu chí lựa chọn là những em thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, thực sự cần một điểm tựa. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là đồng hành, tiếp thêm nghị lực để các em không bỏ lỡ con đường học tập phía trước".

Gắt kết tình quân dân

Tại Đồn Biên phòng Ia Nan, những người lính biên phòng không chỉ là người gác biên thầm lặng mà còn trở thành những người cha nuôi đặc biệt của trẻ em nơi đây. Trong số đó, em Kpuih Trí là niềm tự hào mà họ luôn nhắc đến với ánh mắt trìu mến.

Là học sinh có tinh thần vượt khó, Trí luôn nỗ lực trong học tập. Suốt 5 năm tiểu học, em đều đạt danh hiệu học sinh khá, được nhà trường trao tặng giấy khen vì hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện. 

Hiện Trí đang học lớp 6 tại Trường THCS Phan Bội Châu và tiếp tục nhận được sự đánh giá tích cực từ thầy cô nhờ thái độ học tập chăm chỉ, cầu tiến và đầy trách nhiệm.

Những người lính âm thầm “chắp cánh” tri thức nơi biên cương- Ảnh 2.

Được sự kèm cặp tận tình của các chú bộ đội, suốt 5 năm tiểu học Trí đều đạt danh hiệu học sinh khá và được nhà trường tặng giấy khen vì hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện.

Chia sẻ về cuộc sống bên những người bố nuôi, Trí nhỏ nhẹ bày tỏ: “Ngoài việc dạy em đọc, viết và làm toán, các bố còn thay phiên đưa đón em đi học mỗi ngày. Khi em bị ốm, các bố rất lo lắng, đưa em đi khám bệnh và hướng dẫn uống thuốc cẩn thận. Em sẽ cố gắng học thật tốt, ngoan ngoãn để không phụ tấm lòng yêu thương của các bố".

Trung tá Lê Tuấn Anh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Nan cho biết: “Vì cháu Trí còn nhỏ nên chúng tôi luôn bố trí cán bộ thay phiên chăm sóc, hướng dẫn từ những việc nhỏ nhất. Ngoài giờ học ở trường, đơn vị đã xây dựng thời gian biểu riêng để cháu ôn tập và học thêm. 

Đồng thời, chúng tôi thường xuyên liên hệ với giáo viên chủ nhiệm để nắm bắt tình hình học tập, từ đó có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Những tiến bộ rõ rệt của các cháu chính là động lực lớn, giúp cán bộ, chiến sĩ thêm quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, đặc biệt là trong công tác dân vận nơi tuyến đầu Tổ quốc".

Những người lính âm thầm “chắp cánh” tri thức nơi biên cương- Ảnh 3.

Em Trí chia sẻ: "Hằng ngày, các bố thay phiên đưa đón em đi học. Khi em bị ốm, các bố rất lo lắng, chở đi khám bệnh".

Từ năm 2022 đến nay, thông qua dự án Cán bộ, chiến sĩ nâng bước em tới trường, các đơn vị thuộc Binh đoàn 15 đã nhận nuôi và hỗ trợ 505 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn biên giới 3 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum và Quảng Bình (cũ), với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng.

Mái tóc bạc của những “bố nuôi” chắp cánh ước mơ cho trẻ khuyết tậtCảm động chuyện người thương binh nguyện cả đời chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo hiếu học

Đại tá Khuất Bá Cao, Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh Binh đoàn 15 chia sẻ: “Dù giá trị vật chất không lớn, nhưng những phần quà và sự hỗ trợ từ chương trình là nhịp cầu ý nghĩa, góp phần thắt chặt tình đoàn kết quân dân, cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới. 

Đó cũng là sự sẻ chia yêu thương, là nguồn động viên để các em học sinh nghèo vượt qua khó khăn, nuôi dưỡng ước mơ và phấn đấu trở thành những công dân có ích cho xã hội".

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai, từ năm 2019 đến nay, 8 đồn Biên phòng trên địa bàn đã nhận nuôi 12 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong khuôn khổ chương trình “Con nuôi đồn Biên phòng”.

Đại tá Nguyễn Văn Nghị, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai cho biết: “Ngoài nhiệm vụ chính là bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tỉnh luôn sẵn sàng đảm nhận thêm vai trò người cha, người thầy, trực tiếp chăm sóc và giáo dục các cháu mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 

Đây là hoạt động thiết thực nằm trong chương trình ‘Nâng bước em tới trường – Con nuôi đồn Biên phòng’, thể hiện tinh thần trách nhiệm và tình cảm sâu sắc của người lính đối với cộng đồng nơi biên giới".

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/nhung-nguoi-linh-am-tham-chap-canh-tri-thuc-noi-bien-cuong-a221993.html