Tích hợp định danh cá nhân vào đơn thuốc

(Chinhphu.vn) - Theo quy định mới từ Bộ Y tế, đơn thuốc kê cho người bệnh phải có thông tin về số định danh cá nhân hoặc số căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người bệnh. Quy định này nhằm quản lý việc kê đơn thuốc ngoại trú minh bạch hơn.

Cụ thể, Thông tư 26/2025/TT-BYT do Bộ Y tế vừa ban hành, có quy định về yêu cầu chung với nội dung kê đơn thuốc gồm: Ghi đầy đủ, rõ ràng và chính xác các mục trong đơn thuốc hoặc trong hồ sơ bệnh án của người bệnh; ghi thông tin về số định danh cá nhân hoặc số căn cước công dân hoặc số căn cước hoặc số hộ chiếu của người bệnh; ghi thông tin về nơi cư trú của người bệnh.

Riêng đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi, phải ghi số tháng tuổi, cân nặng của trẻ, họ và tên người đưa trẻ đến khám bệnh, chữa bệnh.

Tích hợp định danh cá nhân vào đơn thuốc- Ảnh 1.

Đơn thuốc điện tử phải ghi thông tin số định danh cá nhân hoặc số căn cước công dân hoặc số căn cước hoặc số hộ chiếu của người bệnh - Ảnh: VGP/HM

 Đơn giản hoá thủ tục, tránh sai sót

Ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, việc tích hợp số định danh cá nhân vào đơn thuốc là một bước tiến quan trọng nhằm đồng bộ hóa dữ liệu y tế với hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Đây cũng là việc triển khai theo đúng tinh thần Đề án 06 của Chính phủ.

Khi người dân sử dụng số định danh cá nhân, nhiều thông tin hành chính như họ tên, ngày sinh, giới tính, địa chỉ… sẽ được tự động hiển thị trên hệ thống. Điều này sẽ giúp giảm thời gian kê đơn, hạn chế sai sót và đơn giản hóa thủ tục cho cả người bệnh và nhân viên y tế.

"Về lâu dài, đây cũng là nền tảng quan trọng để xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử thống nhất, phục vụ tốt hơn cho việc chăm sóc sức khỏe liên tục và quản lý thông tin y tế của người dân", ông Vương Ánh Dương nhấn mạnh.

Đối với việc kết nối dữ liệu kê đơn thuốc và quản lý dược giúp kiểm soát lạm dụng thuốc, lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh cho rằng, hệ thống kết nối sẽ phát hiện kịp thời đơn thuốc sai, thuốc bán không đúng kê đơn. Còn với người dân, mã QR trên đơn điện tử sẽ cho phép tra cứu loại thuốc, liều dùng, lịch sử điều trị một cách minh bạch và dễ theo dõi.

Thời gian tới, Bộ Y tế cho biết, sẽ tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, cập nhật phần mềm, đặc biệt ưu tiên hướng dẫn tuyến y tế cơ sở - để đảm bảo mọi cơ sở khám, chữa bệnh đều có thể triển khai hiệu quả.

Hạn "chót" bắt buộc kê đơn thuốc điện tử

Cũng theo Thông tư 26/2025/TT-BYT, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hình thức tổ chức là bệnh viện phải thực hiện việc kê đơn thuốc điện tử trước ngày 1/10/2025. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phải thực hiện việc kê đơn thuốc điện tử trước ngày 1/1/2026.

Theo đó, đơn thuốc điện tử phải được lập, hiển thị, ký số, chia sẻ, lưu trữ bằng phương thức điện tử và có giá trị pháp lý như đơn thuốc giấy. Bộ Y tế sẽ cấp mã định danh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và mã người hành nghề cho đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý thông qua hệ thống đơn thuốc quốc gia.

Liên thông đơn thuốc điện tử: Vì sao chậm triển khai?
 05/08/2024 16:11
Yêu cầu Bộ Y tế báo cáo việc thực hiện liên thông đơn thuốc điện tửThay đổi lộ trình thực hiện kê đơn thuốc điện tửThay đổi lộ trình thực hiện kê đơn thuốc điện tử
 14/07/2022 18:03

Theo báo cáo do Hội tin học y tế Việt Nam khảo sát từ các sở y tế trên toàn quốc, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Trọng, Tổng Thư ký Hiệp hội Tin học Việt Nam cho biết, hiện, cả nước có khoảng hơn 20.000 cơ sở khám chữa bệnh các loại hình (bao gồm cả công lập và tư nhân) đã thực hiện khai báo cấp mã định danh cơ sở khám, chữa bệnh trên tổng khoảng 60.384 cơ sở trên toàn quốc, đạt xấp xỉ 32% bước đầu triển khai điều kiện cần khi liên thông đơn thuốc điện tử tới hệ thống đơn thuốc quốc gia.

Tuy nhiên, trong số hơn 20.000 cơ sở đã khai báo, có mã định danh, hiện chỉ có khoảng hơn 11.000 cơ sở (hơn 7.000 cơ sở công lập và hơn 4.000 cơ sở tư nhân) thực hiện liên thông đơn thuốc thường xuyên lên hệ thống quốc gia, đạt khoảng 20 % thực hiện đúng yêu cầu. Tỷ lệ cơ sở khám chữa bệnh tư nhân liên thông đơn thuốc quốc gia rất thấp, với con số khoảng 4.000 cơ sở đã triển khai liên thông trên tổng số 47.371 cơ sở, đạt tỷ lệ xấp xỉ 0,09%.

Trong số hơn 20.000 thuốc đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam, hiện có khoảng 85% đang là thuốc phải kê đơn.

Cũng theo Bộ Y tế, việc kê đơn thuốc điện tử và liên thông đơn thuốc với hệ thống đơn thuốc quốc gia nhằm giám sát việc kê đơn của mỗi bác sĩ, đảm bảo tính minh bạch, chính xác, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người bệnh, không bị mua sai thuốc so với đơn kê, những thuốc nào đã mua, nhất là thuốc kháng sinh…

Trên mỗi đơn thuốc điện tử, cơ quan quản lý sẽ truy xuất được thông tin chi tiết nguồn gốc đơn; xem được thông tin chi tiết của bác sĩ kê đơn (mã người hành nghề), tài liệu chứng chỉ hành nghề, cơ sở hoạt động… Từ đó, cũng đảm bảo đơn thuốc có cơ sở pháp lý đúng, đủ, chính xác, đúng thẩm quyền hành nghề.

Bộ Y tế cũng lưu ý, trong quá trình thực hiện các quy định tại Thông tư 26/2025/TT-BYT, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế để xem xét và giải quyết.

Thuý Hà


Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/tich-hop-dinh-danh-ca-nhan-vao-don-thuoc-a222002.html