Tin liên quan
Hà Nội: Kiên quyết bảo đảm an toàn giao thông đường sắt tại khu vực “cà phê đường tàu”
Rơi tài sản khi đi khám bệnh, người phụ nữ được CSGT liên hệ trao trả
Mùa mưa bão ở Hà Nội thường bắt đầu từ khoảng tháng 6 đến cuối tháng 9 hàng năm, kéo theo những trận mưa lớn dài ngày, gây ngập úng trên các tuyến sông, đặc biệt là sông Hồng và sông Đuống. Trong bối cảnh hiện tượng khí hậu ngày càng bất thường, việc đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trở thành nhiệm vụ cấp thiết, đặt trọng trách lớn lên vai lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy, trong đó Đội Cảnh sát đường thủy số 1 (Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội) đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an toàn giao thông.
Cảnh sát giao thông hướng dẫn người dân sử dụng áo phao khi tham gia giao thông.
Ngay từ đầu mùa mưa bão năm 2025, Đội Cảnh sát đường thủy số 1 đã chủ động lên kế hoạch ứng trực, phối hợp với các cơ quan khí tượng thủy văn để theo dõi diễn biến thời tiết và dự báo ngập lũ trên các tuyến sông. Trên cơ sở đó, đơn vị xây dựng các kịch bản ứng phó, từ tình huống sạt lở, tàu thuyền bị trôi, va đập, đến việc sơ tán dân cư, tài sản. Lực lượng được phân công cụ thể với nhiệm vụ thực hiện trực 24/24 giờ tại các điểm “nóng” như bến phà, bến đò, khu vực lưu lượng tàu thuyền đi lại dày đặc...
Cụ thể, Đội CSGT đường thuỷ số 1 đã xây dựng phương án ứng trực, tăng cường tuần tra kiểm soát trước và trong mùa bão, mưa lũ; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để nắm bắt và xử lý kịp thời những tình huống phát sinh.
Kiểm soát hàng hóa chở trên phương tiện thủy.
Khu vực trọng điểm Đội Cảnh sát đường thủy số 1 quản lý nằm dọc sông Hồng và sông Đuống, với chiều dài hơn 160 km qua Hà Nội. Trong đó, các khu vực như Liên Trung (giáp xã Ô Diên và xã Mê Linh) diễn ra nhiều hoạt động giao thông thủy, vận tải nông sản, thực phẩm.
Đội tổ chức tuần tra bằng ca nô chuyên dụng, triển khai kiểm tra giấy tờ, kiểm định phương tiện, thiết bị cứu sinh, phao áo, hệ thống định vị, cảnh báo trên tàu thuyền. Không chỉ tuần tra định kỳ, đơn vị còn tiến hành kiểm tra đột xuất vào ban đêm để phát hiện các vi phạm đặc biệt là vận chuyển quá tải, khai thác cát trái phép, chở khách không đúng quy định.
Kết quả, trong tháng 6/2025 đã có 48 trường hợp vi phạm được xử lý, đa phần là lỗi chở quá tải, vi phạm thiết bị an toàn. Hoạt động tuyên truyền được triển khai dưới nhiều hình thức: Phát tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu tại các khu dân cư ven sông, trường học, bến bãi vận tải; hướng dẫn kỹ thuật thực tế cho chủ tàu, thuyền trưởng và người dân cách neo đậu an toàn, sử dụng áo phao, sắp xếp hành khách đúng quy định và không được bơi lội khi mưa bão; phối hợp truyền thông đại chúng, qua báo chí, truyền hình, mạng xã hội...
Những nỗ lực tuyên truyền này đã giúp cộng đồng dân cư ven sông nâng cao ý thức tự bảo vệ, góp phần kéo giảm rủi ro tai nạn giao thông đường thủy.
Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên sông Hồng.
Để chủ động ứng phó với các tình huống mưa lớn hoặc bão, tình huống khẩn cấp như chìm phà, người bị cuốn trôi, sạt lở đất, sà lan trôi... có thể xảy ra, Đội Cảnh sát đường thủy số 1 bố trí cán bộ chiến sĩ ứng trực tại các điểm xung yếu, hỗ trợ sơ tán người dân và di chuyển tài sản khi cần thiết; tổ chức huấn luyện định kỳ kỹ năng cứu hộ, cứu nạn, vận hành thiết bị chuyên dụng, phối hợp với các đơn vị quân đội, lực lượng Cảnh sát PCCC và CHCN… trong diễn tập ứng phó mưa lũ; chủ động liên hệ với địa phương giáp ranh, cập nhật thông tin tàu thuyền xuất bến, cập bến, để điều tiết luồng tuyến, giảm ùn ứ và sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Theo dự báo, tháng 7 sẽ có lượng mưa lớn ở Bắc Bộ, cao điểm của mùa mưa lũ... Trong bối cảnh đó, Đội Cảnh sát đường thủy số 1 đang tập trung lắp đặt thêm biển báo, hệ thống đèn cảnh báo luồng lạch nguy hiểm; tăng cường chất lượng kiểm định, thay mới phao cứu sinh, áo phao, phương tiện tư vấn lưu động; xây dựng hợp tác với trường học, tham vấn kỹ năng phòng lũ đến đối tượng nhỏ tuổi; đề xuất hỗ trợ kinh phí để các bến đò nhỏ thuê ca nô cứu hộ, đào tạo nghiệp vụ an toàn.
Các biện pháp này hướng đến mục tiêu nâng cao mức độ ứng phó chủ động, giảm thiệt hại về người và tài sản, hướng tới hành trình “mưa vẫn xanh”, giao thông an toàn, thông suốt trong mùa mưa lũ.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/ha-noi-trien-khai-cac-giai-phap-dam-bao-an-toan-giao-thong-duong-thuy-trong-mua-mua-lu-a222100.html