Vì hạnh phúc của con

A và P quen nhau khi cùng học chung đại học. Sau khi ra trường, A và P cùng ở lại thành phố và đi làm thuê. A và P đã quyết định cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình. Vào một ngày, A đưa P về ra mắt bố mẹ cô ở dưới quê.

Bố A: Hai đứa đi đường xa vất vả vào nhà rửa tay chân rồi chuẩn bị ăn cơm, mẹ đang nấu dưới bếp đó. Để bố ra đầu ngõ làm ít rượu, mấy khi bố được uống với bạn trai của con gái bố.

A: Bố, anh P không uống được rượu đâu bố ạ.

Bố A: Không uống rượu à? Thế uống bia nhá!

A nhìn P một lúc.

P: Dạ vâng, cháu uống bia cùng bác ạ.

Mẹ A dọn cơm xong thì mọi người cùng ngồi vào bàn ăn. Vừa uống cạn cốc bia, P định mở lời thì bố của A đã lên tiếng hỏi trước.

Bố A: Thế cháu năm nay bao nhiêu tuổi rồi? Và bố mẹ cháu làm gì, ở đâu?

Lẫn đầu tiên về nhà bạn gái nên P có chút bối rối trước người lớn.

P: Dạ thưa bác, cháu cũng đang định có lời muốn thưa với hai bác ạ.

A (nhanh nhảu): Thôi để con giới thiệu với bố mẹ trước ạ, đây là anh P - bạn trai của con bố mẹ ạ. Chúng con quen và yêu nhau đã 5 năm nay rồi ạ.

Bố A (trách móc): Bố có hỏi con đâu, con chỉ được cái...

A (cười): Hì hì.

P (Tiếp lời): Vâng thưa hai bác, cháu tên là P, cháu quê ở Nam Định ạ, bố mẹ cháu thì buôn bán hộ gia đình nhỏ ở quê thôi ạ

Bố A: Sao? Cháu quê ở Nam Định à? Thế nhà cháu có theo Đạo không?

A: Ơ, sao bố lại hỏi việc đó ạ?

Mẹ A: Không sao đâu con, con cứ để bố và bạn P nói chuyện để hiểu nhau hơn.

P: Dạ, vâng đúng bác ạ. Nhà con theo đạo Thiên chúa hai bác ạ.

Bố A: Thôi, thế là bố hiểu rồi.

A: Là sao hả bố?

P: Dạ cháu cũng không hiểu ý bác thế nào ạ?

Bố A: Có nghĩa là, nếu con gái bác lấy cháu thì nó sẽ phải học đạo, theo đạo, mà nhà bác thì lại không theo đạo, thế nên hai đứa không thể đến với nhau được rồi.

A: Ơ kìa bố, sao bố lại nói thế chứ?

Bữa cơm nhanh chóng kết thúc, P cũng kết thúc chuyến thăm nhà bạn gái lần đầu tiên của mình mà không mấy khả quan. A thì quyết định ở lại nhà với bố mẹ thêm ngày nữa để thuyết phục bố mẹ chuyện lấy P.

A: Bố, mẹ, con không hiểu sao bố lại không thích những người theo đạo như vậy? Đạo có gì xấu đâu bố? Mà chuyện kết hôn, lấy chồng là chuyện của con, con muốn mình được tự quyết định bố ạ.

Bố A: Nhưng bố không thích cho mày theo đạo.

A: Đạo không xấu, Con có theo đạo hay không cũng không ảnh hưởng tới cuộc sống, tính cách con người con, đúng không bố mẹ?

Bố A: Mày đừng có cãi lời bố. Mày không nghe lời bố, tao nhốt mày lại không cho lên thành phố ở nữa đấy.

A: Bố vô lý lắm! Mẹ, mẹ nói gì đi chứ!

A nhìn mẹ với ánh mắt đầy cầu cứu.

Mẹ A: Hai bố con lúc nào cũng nóng tính với nhau. Cứ bình tĩnh nói chuyện, đâu rồi ắt có cách giải quyết được.

Bố A: Bà cũng đừng nói gì, tôi là tôi quyết rồi. Tôi cấm.

Mẹ A: Tôi thì tôi lại thấy thằng P nó rất đàng hoàng, tử tế. Suốt mấy năm đại học, may có nó chăm sóc cho con gái mình, không thì tôi với ông lại vất vả rồi.

Bố A: Cái đó tôi không tính.

Mẹ A: Bây giờ nó lại có công ăn việc làm tốt, lương cao, khá giả, lại yêu thương con gái mình hết lòng.

Bố: Bà mà cũng đi so thế à? Ngày xưa tôi nghèo thế sao bà lại lấy tôi?

Mẹ A: Thì đó, tôi yêu con người ông ở tính cách, tấm lòng và tình yêu của ông dành cho tôi, chứ tôi có màng gì tới hoàn cảnh, địa vị hay tôn giáo của ông đâu.

Bố A: Ngày xưa khác, bây giờ khác.

Mẹ A: Hoàn cảnh có thể khác nhưng cốt cách con người vẫn là nền tảng ông nó ạ. Hơn nữa, hai đứa chúng nó yêu thương nhau thực sự, tôi với ông cũng không cấm cản con làm gì ông ạ. Mình đang là gia đình văn hóa, mình phải sống theo pháp luật chứ không lẽ lại vi phạm pháp luật à?

Bố A: Con tôi tôi cấm chứ sao lại vi phạm pháp luật ở đây?

Mẹ A: Sao lại không? Hiến pháp quy định rồi, mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật (Điều 24 Hiến pháp năm 2013).

A: Còn nữa đấy bố ạ, theo Điều 164 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm tùy mức độ.

Bố A: Đến mức bị xử lý hình sự nữa cơ à?

A: Vâng, có thể chứ ạ, bố mà cứ cấm cản con quá là bố bị xử lý hình sự đấy ạ.

Mẹ A: Cha bố cô, ai đời con gái dọa kiện bố không cơ chứ?

A: Tất nhiên là con không kiện bố của con rồi, nhưng bố của con chắc cũng không cấm cản hạnh phúc của con đâu bố nhỉ?

Bố A: Con gái bố sẽ không hiểu được những vất vả, gian nan phía trước đâu con ạ.

A: Không sao đâu bố ạ, con đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn phía trước rồi.

Mẹ A: Và con cũng cứ yên tâm là, phía sau con luôn có bố mẹ hỗ trợ, giúp con khi con cần và khi con mệt.

A: Vâng, con cảm ơn bố mẹ thật nhiều ạ!

Thu Hà

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/vi-hanh-phuc-cua-con-a222105.html