Thẩm quyền quản lý, bổ nhiệm, kỷ luật cán bộ của UBTVQH

Về thẩm quyền quản lý cán bộ, tại Trung ương Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quản lý đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành Nghị quyết số 1749 về công tác quản lý cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Thẩm quyền quản lý cán bộ

Nghị quyết nêu rõ, việc thực hiện công tác quản lý cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tuân thủ quy định của Đảng về quản lý cán bộ, quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, pháp luật về cán bộ, công chức và các văn bản pháp luật có liên quan, có tính đến các yếu tố đặc thù trong hoạt động của Quốc hội.

Thẩm quyền quản lý cán bộ, Nghị quyết nêu rõ, tại Trung ương: Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quản lý đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội; phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an về công tác quản lý cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách là sĩ quan Quân đội, sĩ quan Công an biệt phái.

Tại địa phương, cơ quan có thẩm quyền quản lý đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương được thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ.

Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu là đầu mối giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội.

Thẩm quyền quản lý, bổ nhiệm, kỷ luật cán bộ của UBTVQH- Ảnh 1.

Quang cảnh phiên bế mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV (Ảnh: Media Quốc hội).

Đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội, Nghị quyết nêu rõ: 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc giữ chức vụ, miễn nhiệm, cách chức, cho thôi giữ chức vụ đối với các Phó Chủ tịch và các Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban theo đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cho thôi giữ chức vụ đối với các Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội;

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc giới thiệu ứng cử, hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội;

Chủ tịch Quốc hội quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội đồng, Ủy ban đối với các trường hợp có ý kiến của cấp có thẩm quyền;

Đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội:  Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn kết quả bầu, cho thôi làm Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội trừ trường hợp đặc biệt thực hiện việc chỉ định theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; quyết định việc phân công, chuyển ngạch, nâng lương đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội.

Xử lý kỷ luật Trưởng đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, xử lý kỷ luật người từng giữ chức vụ Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đã nghỉ hưu theo đề nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội;

Cơ quan có thẩm quyền quản lý đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, phân công, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, đánh giá, phân loại cán bộ hằng năm, bố trí công tác khác nếu không tái cử, quyết định nghỉ hưu, khen thưởng, kỷ luật và các công việc khác có liên quan đến công tác cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội. 

Trước khi quyết định cho nghỉ hưu, điều động, luân chuyển, bố trí công tác khác đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội phải báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

"Danh sách người được phê duyệt quy hoạch chức danh Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội phải được gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phối hợp theo dõi, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ", Nghị quyết nêu rõ.

Kê khai tài sản, kỷ luật cán bộ

Về việc kê khai tài sản, thu nhập, Nghị quyết nêu rõ, việc kê khai tài sản, thu nhập của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được thực hiện theo Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Liên quan đến việc kỷ luật cán bộ, Nghị quyết nêu rõ ĐBQH hoạt động chuyên trách nếu vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu hình thức kỷ luật đối với cán bộ theo quy định của Luật Cán bộ, công chức.

Danh sách trưởng, phó đoàn ĐBQH các tỉnh, thành sau sáp nhập

Việc áp dụng các hình thức kỷ luật, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật cán bộ là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được thực hiện theo quy định của pháp luật và văn bản có liên quan.

Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật và đương nhiên thôi giữ chức vụ được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm.

Đối với việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Nghị quyết cũng nêu rõ, Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách dành toàn bộ thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu tại cơ quan của Quốc hội hoặc tại Đoàn đại biểu Quốc hội. 

Không được tham gia làm thành viên kiêm nhiệm các cơ quan, tổ chức khác, trừ trường hợp được cấp có thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội đồng ý...

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/tham-quyen-quan-ly-bo-nhiem-ky-luat-can-bo-cua-ubtvqh-a222807.html