Thủ tướng yêu cầu quyết liệt ngăn chặn ô nhiễm môi trường, đẩy nhanh chuyển đổi xanh

Thủ tướng ban hành Chỉ thị 20 yêu cầu quyết liệt ngăn chặn ô nhiễm môi trường, xử lý nghiêm vi phạm, đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi xanh.

Ngày 12/7/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 20 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt nhằm ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung xử lý các điểm nóng về môi trường tại đô thị, làng nghề, lưu vực sông và các khu vực tập trung sản xuất, kinh doanh.

Theo Chỉ thị, thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ. 

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, tình trạng ô nhiễm vẫn nghiêm trọng, đặc biệt là ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn và ô nhiễm nước tại khu vực tập trung dân cư và sản xuất. Riêng Hà Nội, ô nhiễm không khí ở một số thời điểm trong năm thuộc nhóm cao trên thế giới; thông số môi trường nước các sông nội đô vượt giới hạn nhiều năm liên tiếp.

Thủ tướng nêu rõ nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó có việc nhận thức chưa đầy đủ về công tác bảo vệ môi trường, tổ chức thực hiện thiếu quyết liệt, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, và sự thiếu đồng bộ giữa quy định pháp luật với hạ tầng kỹ thuật.

Thủ tướng yêu cầu quyết liệt ngăn chặn ô nhiễm môi trường, đẩy nhanh chuyển đổi xanh- Ảnh 1.

Riêng Hà Nội, ô nhiễm không khí ở một số thời điểm trong năm thuộc nhóm cao trên thế giới.

Để giải quyết dứt điểm các tồn tại, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, hoàn thiện quy định về bảo vệ môi trường phù hợp với mô hình chính quyền 3 cấp; thực hiện nguyên tắc "6 rõ" trong phân công nhiệm vụ; huy động nguồn lực xã hội, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế.

Bộ Công an được giao tăng cường kiểm tra, điều tra, xử lý triệt để tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, đặc biệt tại các khu vực đô thị lớn như Hà Nội và Tp.HCM. 

Bộ cần chủ động rà soát, cập nhật danh sách các điểm ô nhiễm, phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời xem xét trách nhiệm liên quan nếu có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì rà soát tiến độ thực hiện các nhiệm vụ đã được giao; đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, nhất là về chế tài xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả như ngừng cấp điện, nước, hạ xếp hạng tín dụng đối với cơ sở gây ô nhiễm kéo dài. Đồng thời, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường, kết nối với Bộ Công an phục vụ giám sát và xử lý vi phạm.

Một trong các yêu cầu trọng tâm là nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp phép môi trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Các bộ liên quan cũng được giao nghiên cứu, điều chỉnh thuế, phí môi trường; tạo điều kiện để thu hút đầu tư, xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường.

Thủ tướng giao Bộ Xây dựng triển khai giải pháp phát triển giao thông công cộng, khuyến khích xe xanh; Bộ Tài chính nghiên cứu bổ sung thu phí bảo vệ môi trường với khí thải phương tiện. 

Bộ Công Thương tăng cường quản lý môi trường tại khu công nghiệp và hoạt động nhập khẩu phế liệu. Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra chuyên đề về công tác bảo vệ môi trường tại các địa phương để xảy ra ô nhiễm nghiêm trọng.

Triệt phá vụ án chôn, lấp chất thải công nghiệp với số lượng đặc biệt lớn, gây ô nhiễm môi trườngHội Luật gia Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn bảo vệ môi trường tại Sơn LaSiết chặt trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp: Tái chế hoặc "chi tiền"

UBND các tỉnh, thành phố được yêu cầu công khai danh sách cơ sở sản xuất có – chưa lắp thiết bị quan trắc môi trường tự động; đôn đốc hoàn thành lắp đặt và truyền dữ liệu theo quy định. Đồng thời, phải công bố thông tin về tiến độ, thời hạn các dự án xử lý ô nhiễm để nhân dân giám sát.

Đặc biệt, UBND Tp.Hà Nội được giao triển khai các giải pháp cụ thể về vùng phát thải thấp, hạn chế xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khu vực vành đai 1, 2 từ năm 2026 và 2028, tiến tới mở rộng toàn thành phố. 

"Thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 01 tháng 7 năm 2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1; từ ngày 1/1/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3", Chỉ thị nêu.

Thành phố cũng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất phương tiện xanh, thu gom – xử lý nước thải, rác thải nội đô, giảm thiểu rác thải chôn lấp.

Thủ tướng cũng đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, phản biện, vận động người dân thực hiện nghiêm quy định về bảo vệ môi trường, hình thành văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường trong toàn xã hội.

Các bộ, ngành, địa phương phải tổ chức sơ kết việc thực hiện Chỉ thị vào tháng 12/2025, tổng kết vào tháng 6/2030 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ định kỳ hằng năm. Đây là cơ sở để nâng cao kỷ cương pháp luật, kiểm soát ô nhiễm, hướng tới phát triển bền vững và xây dựng đất nước xanh, sạch, đẹp hơn trong tương lai.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/thu-tuong-yeu-cau-quyet-liet-ngan-chan-o-nhiem-moi-truong-day-nhanh-chuyen-doi-xanh-a222849.html