Sửa đổi chính sách lĩnh vực xây dựng để phát triển kinh tế tư nhân

(Chinhphu.vn) - Bộ Xây dựng yêu cầu rà soát, đề xuất sửa đổi luật, nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ nhằm khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư, kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, giao thông, đô thị, bất động sản, xây dựng, nhà ở xã hội...

Sửa đổi chính sách lĩnh vực xây dựng để phát triển kinh tế tư nhân- Ảnh 1.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là sân bay quốc tế đầu tiên tại Việt Nam do tư nhân đầu tư, xây dựng và khai thác - Ảnh: Vnexpress

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh vừa ký Quyết định số 1055 ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 138/NQ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân.

Kế hoạch của Bộ Xây dựng nhằm cụ thể hóa và thực hiện đầy đủ, đồng bộ, nhất quán các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 16/5/2025 của Chính phủ về Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Kế hoạch là căn cứ để các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình, nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu trong Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ.

Đổi mới tư duy, tạo khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được đề ra là đổi mới tư duy, thống nhất cao trong nhận thức và hành động, tạo khí thế mới, xung lực mới để phát triển kinh tế tư nhân.

Các cơ quan, đơn vị trong ngành cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến nội dung các Nghị quyết tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, góp phần nâng cao nhận thức và hành động thực chất. Nội dung tuyên truyền cần nhấn mạnh vai trò, vị trí và tiềm năng của kinh tế tư nhân trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Đặc biệt, các đơn vị phải cụ thể hóa mục tiêu của Nghị quyết thành nhiệm vụ định lượng, rõ ràng, có thể đo lường và đánh giá được theo từng năm, từng giai đoạn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình.

Bộ cũng khuyến khích mời các doanh nhân thành đạt tham gia chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng khởi nghiệp, tạo dựng môi trường cởi mở, thân thiện giữa khu vực quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.

Cải cách thể chế, chính sách để khu vực tư nhân phát triển bền vững

Một nhóm nhiệm vụ trọng tâm khác là đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, chính sách.

Trong đó, Bộ Xây dựng yêu cầu rà soát, đề xuất sửa đổi luật, nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ nhằm khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư, kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, giao thông, đô thị, bất động sản, xây dựng, nhà ở xã hội...

Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm; loại bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, giảm chi phí tuân thủ pháp luật, bãi bỏ các thủ tục chồng chéo, không phù hợp thực tiễn.

Các đơn vị cũng cần ứng dụng chuyển đổi số một cách triệt để nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu theo Nghị quyết số 66/NQ-CP của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính năm 2025-2026.

Công bố công khai quy trình, thủ tục, kế hoạch kiểm tra doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử. Tăng cường kiểm tra từ xa dựa trên dữ liệu điện tử, giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, lạm dụng quyền hạn gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Triển khai công cụ cảnh báo sớm về nguy cơ vi phạm pháp luật cho doanh nghiệp, thông qua tích hợp dữ liệu từ các cơ quan quản lý nhà nước; đồng thời tiếp nhận, giải quyết kịp thời các kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp, người dân trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Bộ Xây dựng yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát, thanh toán dứt điểm các hợp đồng còn nợ đọng với doanh nghiệp, nhất là các dự án đầu tư công, các hợp đồng tư vấn, xây lắp... qua đó thể hiện trách nhiệm, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ, hàng hóa cho Nhà nước.

Đồng thời, các đơn vị phải chấm dứt tình trạng kiểm tra chồng chéo, kiểm tra nhiều lần cùng một nội dung. Số lần kiểm tra đối với một doanh nghiệp (kể cả kiểm tra liên ngành) không quá một lần/năm, trừ trường hợp đột xuất có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

Kế hoạch cũng nhấn mạnh yêu cầu nâng cao năng lực của doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bộ giao các đơn vị triển khai chương trình hỗ trợ theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy chuẩn hóa quản trị doanh nghiệp, minh bạch tài chính, nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng, từ đó tăng khả năng kết nối với doanh nghiệp lớn và nhà đầu tư nước ngoài.

Để bảo đảm thực hiện hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Xây dựng giao các Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực trực tiếp chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Các Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng về kết quả triển khai trong lĩnh vực được phân công.

Vụ Quản lý doanh nghiệp được giao là cơ quan đầu mối giúp Bộ trưởng theo dõi, tổng hợp, sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch, định kỳ báo cáo Bộ trưởng và đề xuất sửa đổi, bổ sung khi cần thiết.

PT

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Phê duyệt danh sách thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển kinh tế tư nhânPhê duyệt danh sách thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển kinh tế tư nhân
Tham khảo thêm
Huy động nguồn lực nội địa cho kinh tế tư nhân phát triểnHuy động nguồn lực nội địa cho kinh tế tư nhân phát triển

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/sua-doi-chinh-sach-linh-vuc-xay-dung-de-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-a223049.html