Syria vừa hoàn tất thỏa thuận trị giá 800 triệu USD với công ty DP World có trụ sở tại Dubai về việc phát triển và vận hành cảng Tartus bên bờ Địa Trung Hải.
Thỏa thuận được ký kết tại Damascus hôm 13/7 giữa DP World và Tổng cục Cảng biển và Đất liền Syria, với sự chứng kiến của Tổng thống lâm thời Ahmed al-Sharaa, hãng thông tấn nhà nước SANA cho biết.
Các quan chức Syria mô tả đây là một bước tiến quan trọng hướng tới hiện đại hóa cơ sở hạ tầng cảng biển và dịch vụ hậu cần của quốc gia Trung Đông trong bối cảnh mới.
"Động thái chiến lược này sẽ củng cố hoạt động cảng biển và dịch vụ hậu cần của chúng tôi", SANA dẫn lời một quan chức Syria cho biết.
Thỏa thuận về cảng Tartus tiếp nối biên bản ghi nhớ (MoU) được ký kết giữa Syria và DP World, một công ty con của công ty đầu tư Dubai World của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), vào tháng 5.
Nằm trên bờ biển Địa Trung Hải, Tartus là cảng lớn thứ hai của Syria và là cửa ngõ hàng hải quan trọng cho các tuyến thương mại xuyên Nam Âu, Trung Đông và Bắc Phi. Ảnh: Perfect Voice
Kể từ khi chính quyền của cựu Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ vào tháng 12 năm ngoái, ban lãnh đạo mới của Syria đã thúc đẩy việc tái thiết lập quan hệ kinh tế với các công ty quốc tế và đưa đất nước bị chiến tranh tàn phá này trở lại thị trường toàn cầu.
Nằm trên bờ biển Địa Trung Hải, Tartus là cảng lớn thứ hai của Syria và là cửa ngõ hàng hải quan trọng cho các tuyến thương mại xuyên Nam Âu, Trung Đông và Bắc Phi.
Vị trí chiến lược của cảng giúp tăng cường kết nối khu vực, bổ sung cho các tuyến đường hiện có qua Bosporus và Suez.
Khoản đầu tư mới sẽ cho phép khôi phục Tartus thành nơi xử lý hàng hóa tổng hợp, container, hàng rời và xe cộ, mở rộng tiềm năng thương mại của Syria trong bối cảnh đất nước đang tiếp tục tái thiết.
Trước khi Syria đạt được biên bản ghi nhớ với công ty của UAE, cảng Tartus từng là căn cứ chiến lược của Nga ở Địa Trung Hải, hỗ trợ cả hoạt động quân sự và thương mại.
Phát biểu sau lễ ký kết, CEO của DP World, Sultan Ahmed bin Sulayem, cho biết, tiềm năng kinh tế của Syria vẫn mạnh mẽ, đồng thời lưu ý rằng cảng Tartus có thể đóng vai trò trung tâm trong việc phục hồi ngành công nghiệp địa phương.
"Syria sở hữu những tài sản giá trị", vị CEO nói, "và Tartus là một trung tâm thương mại và xuất khẩu thiết yếu. Chúng tôi đặt mục tiêu biến nơi này thành một trong những cảng hàng đầu thế giới".
Ông Qutaiba Badawi, người đứng đầu cơ quan quản lý cảng của Syria, cho biết thỏa thuận này không chỉ đơn thuần là một dự án thương mại. "Chúng tôi đang đặt nền móng cho một kỷ nguyên mới về phát triển hàng hải, định vị lại Syria trên trường quốc tế", ông nói.
Thỏa thuận về cảng Tartus diễn ra sau một số hợp đồng lớn được ký kết trong những tháng gần đây.
Ví dụ, vào tháng 5, Damascus đã ký một thỏa thuận 30 năm với công ty vận tải biển Pháp CMA CGM để vận hành cảng Latakia – nằm ở tỉnh Latakia, phía Bắc Tartus, là cảng lớn nhất và quan trọng nhất của Syria.
Cùng tháng đó, Syria đã ký một thỏa thuận năng lượng trị giá 7 tỷ USD với liên minh các công ty Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ để phục hồi ngành điện của đất nước.
Đầu tháng này, Mỹ tuyên bố sẽ thu hồi danh sách "tổ chức khủng bố nước ngoài" đối với nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) khi Washington nới lỏng chính sách đối với Syria thời hậu chiến.
Tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành một sắc lệnh hành pháp dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt lâu dài đối với Syria, mà Washington cho biết sẽ hỗ trợ công cuộc tái thiết của quốc gia này.
Bộ Tài chính Mỹ lưu ý rằng quyết định này sẽ nới lỏng các hạn chế đối với các công ty được coi là thiết yếu đối với công cuộc tái thiết và quản trị Syria.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã cản trở các nỗ lực tái thiết trong nhiều năm, làm tê liệt thêm nền kinh tế vốn đã bị tàn phá bởi hơn một thập kỷ nội chiến.
Minh Đức (Theo Al Jazeera, Middle East Monitor)
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/dong-thai-giup-hoi-sinh-cang-bien-chien-luoc-cua-syria-ben-bo-dia-trung-hai-a223101.html