Nâng tầm nông sản Đồng Nai - Kỳ 3: Tư duy mới cho chiến lược nông sản dài hạn

Để tránh mãi loay hoay trong vòng lặp “giải cứu – dư thừa – rớt giá”, Đồng Nai cần một chiến lược bài bản, lâu dài và đồng bộ nhằm nâng tầm nông sản địa phương.

Không thể nâng tầm nông sản nếu chỉ trông vào “làm tươi, bán thô”

Đầu mùa xoài, sầu riêng, mít... năm 2025, hàng loạt nhà vườn tại xã Bù Đăng, phường Phước Bình, xã La Ngà, xã Xuân Lộc, xã Trị An… "nín thở" chờ giá.

Dẫu sản lượng đạt, chất lượng tăng nhưng thị trường vẫn quay lưng. Điển hình như sầu riêng, xoài, mít, bưởi… giá cả lao dốc trầm trọng . Lý do cũ lặp lại là trúng mùa mất giá, thiếu đơn hàng xuất khẩu, thương lái ép giá, chuỗi cung ứng thiếu kết nối.

Nâng tầm nông sản Đồng Nai - Kỳ 3: Tư duy mới cho chiến lược nông sản dài hạn- Ảnh 1.

Vườn bưởi tại làng bưởi Tân Triều (Đồng Nai) đang chờ thương lái hỏi mua giữa lúc thị trường trầm lắng.

Bà Nguyễn Thị Cúc, nông dân phường Long Khánh (Đồng Nai) thẳng thắn: "Xoài nhà tôi xuất khẩu được rồi, nhưng toàn nhờ thương lái gom hàng. Họ kêu giá nào thì bán giá đó, chẳng biết đi đâu về đâu. Muốn làm bài bản, nông dân cần được dẫn đường, chứ tự mò mẫm thì chỉ loay hoay mãi thôi".

Ông Nguyễn Đức Dũng, thương lái chuyên thu mua sầu riêng tại Đồng Nai chia sẻ thêm: "Hiện nay, phần lớn trái cây của Đồng Nai vẫn đi qua đường tiểu ngạch hoặc xuất thô sang Trung Quốc. Tôi đi mua gom cho các mối bên kia, họ chỉ quan tâm mẫu mã, không cần truy xuất nguồn gốc hay đóng gói chuẩn gì cả. Nhưng khi có biến động là ngưng ngay, nông dân và thương lái lãnh đủ. Xuất khẩu kiểu này thì dễ bị ép giá, không ổn định được lâu dài".

Nâng tầm nông sản Đồng Nai - Kỳ 3: Tư duy mới cho chiến lược nông sản dài hạn- Ảnh 2.

Xoài Úc chín nhưng nằm lặng lẽ trên cây vì không có thương lái đến thu mua.

Với sự sáp nhập của tỉnh Đồng Nai và Bình Phước (cũ), tỉnh Đồng Nai mới được ví như "vựa nông sản" của miền Đông Nam bộ, đang đứng trước bước ngoặt mới.

Sau những mùa vụ trồi sụt vì giá cả, những cơn khủng hoảng thừa trái cây và chuỗi ngày "giải cứu" lặp lại, năm 2025 đánh dấu nỗ lực tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững và gắn kết chuỗi giá trị.

Đồng Nai cần xác định hướng đi chiến lược, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, lấy hợp tác xã làm "trục xoay" và doanh nghiệp làm "đầu kéo".

Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Công ty chế biến trái cây Minh Phát (xã Xuân Lộc), nhấn mạnh: "Muốn đi xa thì không thể ai đi một mình. Phải liên kết từ khâu giống, sản xuất, thu hoạch, bảo quản tới tiêu thụ. Cần những hợp đồng ràng buộc lợi ích và trách nhiệm giữa nhà nông – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học – nhà nước".

Nâng tầm nông sản Đồng Nai - Kỳ 3: Tư duy mới cho chiến lược nông sản dài hạn- Ảnh 3.

Nông dân tham gia buổi tập huấn về kỹ thuật canh tác và phòng trừ sâu bệnh trên cây ăn trái.

Minh chứng cho mô hình này là Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Phú Sơn hiện sở hữu khoảng 480 hécta sầu riêng, trong đó 350 hécta đã được cấp mã số vùng trồng là đơn vị có diện tích vùng trồng được cấp mã lớn nhất tỉnh.

HTX đang tiếp tục đăng ký mở rộng mã số vùng trồng tại nhiều địa phương khác, đồng thời đặt mục tiêu xây dựng cơ sở đóng gói sầu riêng ngay tại vùng nguyên liệu nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu.

Không thiếu tiềm năng, chỉ thiếu hướng đi

Đồng Nai mới có dân số trên 4,4 triệu người, đứng thứ ba cả nước (sau Hà Nội và Tp.HC<), với diện tích rộng hơn 12.730km², xếp thứ 9 cả nước. Quy mô kinh tế dự kiến đạt 676.733 tỷ đồng (khoảng 26 tỷ USD), đưa Đồng Nai mới lên vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng các tỉnh thành sau sáp nhập (sau Tp.HCM, Hà Nội và Hải Phòng).

Nâng tầm nông sản Đồng Nai - Kỳ 3: Tư duy mới cho chiến lược nông sản dài hạn- Ảnh 4.

Tham quan gian hàng trưng bày nông sản địa phương trong khuôn khổ hội nghị xúc tiến thương mại, nhằm giới thiệu sản phẩm đặc trưng và tìm kiếm đầu ra bền vững cho nông sản Đồng Nai.

Để nông sản Đồng Nai có thể "đi đường dài", cần một chiến lược bài bản, gắn với thực tiễn và năng lực địa phương. Trong đó, giới chuyên gia và nhà quản lý cho rằng 3 trụ cột cần được xác định rõ ngay từ đầu gồm: sản xuất sạch – chế biến sâu – xuất khẩu bền vững.

Việc áp dụng các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, HACCP… không còn là điều mới mẻ, nhưng vẫn là "điểm nghẽn" ở nhiều vùng trồng tại Đồng Nai (cũ). Hiện nhiều hộ nông dân vẫn sản xuất theo thói quen cũ, thiếu nhật ký canh tác, lạm dụng phân bón, thuốc BVTV, dẫn tới việc không đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu chính ngạch.

Thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh cho thấy, toàn tỉnh có hàng chục ngàn ha cây ăn trái, nhưng chỉ nột phần diện tích nhỏ có thể đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Nếu không nhanh chóng cải thiện khâu tổ chức sản xuất, "nông sản chất lượng cao" sẽ vẫn chỉ là khẩu hiệu.

Thạc sỹ Lê Đình Nam, Trường ĐHQG TP.HCM, chuyên gia kinh tế nông nghiệp chia sẻ, trong 3 trụ cột, chế biến sâu được coi là mảnh ghép quan trọng nhất nhưng cũng yếu nhất hiện nay ở Đồng Nai. Tình trạng sản xuất nông sản theo mùa vụ, phụ thuộc vào bán tươi khiến giá cả bấp bênh, khó dự đoán.

Trong khi thị trường nhập khẩu có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm chế biến như xoài sấy dẻo, mít sấy giòn, nước ép trái cây, chuối ép dẻo hay sầu riêng cấp đông, thì Đồng Nai chỉ có vài doanh nghiệp chế biến quy mô nhỏ, sản phẩm đơn điệu và khó cạnh tranh với các địa phương mạnh như Tiền Giang, Đồng Tháp, Lâm Đồng.

Nâng tầm nông sản Đồng Nai - Kỳ 3: Tư duy mới cho chiến lược nông sản dài hạn- Ảnh 5.

Tham gia OCOP không chỉ là nâng thương hiệu, mà còn để thương mại hóa sản phẩm, tạo nguồn cung ổn định, giảm giá thành sản xuất.

Ngoài ra, một hướng đi đáng chú ý là phát triển sản phẩm OCOP được kỳ vọng là "chìa khóa" nâng tầm sản phẩm nông nghiệp địa phương. Năm 2025 được xác định là thời điểm quan trọng để Đồng Nai hoàn thành các mục tiêu của giai đoạn 2021–2025. Ngay từ đầu năm, tỉnh đã đặt mục tiêu có thêm 45 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.

Nhiều nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã đã chuyển mình tích cực, không chỉ sản xuất mà còn chú trọng mẫu mã, bao bì, kể câu chuyện sản phẩm, quảng bá và mở rộng thị trường. Nhờ đó, sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng đa dạng, chất lượng cao, nguồn gốc rõ ràng.

Ông Phạm Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV XNK Việt Trung (phường Phước Bình, tỉnh Đồng Nai) cho rằng, các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng đa dạng, chất lượng có nguồn gốc rõ ràng. Nhờ vào sự đầu tư về mẫu mã, bao bì và ứng dụng công nghệ, sản phẩm OCOP đã có tiềm năng xuất khẩu lớn, được người tiêu dùng ở các thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tham gia OCOP không chỉ là nâng thương hiệu, mà còn để thương mại hóa sản phẩm, tạo nguồn cung ổn định, giảm giá thành sản xuất.

Tại Hội nghị đối thoại với nông dân năm 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - bà Nguyễn Thị Hoàng đề nghị các sở, ngành đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn và liên kết bền vững. 

Bà nhấn mạnh cần phát triển hiệu quả chuỗi giá trị ngành hàng, mở rộng mô hình nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường tiêu thụ và tăng cường kiểm soát vật tư nông nghiệp và triển khai tốt chính sách hỗ trợ sản xuất.

Nâng tầm nông sản Đồng Nai - Kỳ 3: Tư duy mới cho chiến lược nông sản dài hạn- Ảnh 6.

Vườn dâu An Phước cũng trở thành điểm đến yêu thích của du khách mỗi mùa thu hoạch.

Ông Đoàn Văn Thắng (50 tuổi, nông dân trồng xoài ở xã Trị An, Đồng Nai): "Tôi làm nông mấy chục năm, cây trái vùng mình không thiếu gì, đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi, bà con siêng năng. Mỗi năm xoài, chôm chôm, sầu riêng đầy vườn, nhưng giá cả lên xuống thất thường, năm được mùa thì rớt giá, năm giá cao lại mất mùa.

Thực ra nông sản mình không thiếu tiềm năng đâu, chỉ là chưa đi đúng hướng thôi. Nông dân như tôi chỉ biết trồng, bán tươi cho thương lái, mà thương lái thì nay đến, mai lặn mất tăm. Nếu có nhà máy chế biến gần, có đầu ra ổn định thì bà con đỡ khổ".

Thực tế cho thấy, Đồng Nai không thiếu điều kiện để phát triển nông nghiệp. Vấn đề là cần có một chiến lược đúng, để "giải phóng" nông sản.

Việc sáp nhập Bình Phước và Đồng Nai tạo thành tỉnh Đồng Nai mới sẽ tạo điều kiện khai thác hiệu quả hơn tiềm năng nông – lâm nghiệp, khoáng sản và vùng nguyên liệu chế biến dồi dào tại Bình Phước. 

Tỉnh Đồng Nai mới tiếp tục là "thủ phủ" cây công nghiệp và ăn trái của cả nước với tổng diện tích cây lâu năm đạt hơn 609 ngàn hécta. Trong đó, diện tích cây công nghiệp lâu năm đạt gần 511,5 ngàn hécta. Một số cây công nghiệp chủ lực có diện tích thuộc tốp đầu cả nước như: cao su, điều, hồ tiêu,...

Khi hạ tầng, logistics và chuỗi cung ứng được kết nối đồng bộ, nông sản Đồng Nai kỳ vọng sẽ bứt phá, nâng tầm giá trị thương hiệu và từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng xuất khẩu quốc gia.

Nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, tỉnh Đồng Nai đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng 2 cụm công nghiệp chế biến sâu nông sản với tổng diện tích 107 hécta tại huyện Định Quán và huyện Cẩm Mỹ. 2 cụm công nghiệp được tỉnh ưu tiên chọn làm thí điểm đầu tư, phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản theo hướng chế biến sâu, đảm bảo đầu ra ổn định và bền vững cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Đoàn Vũ

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
“Thay áo mới” cho biển Cửa Lò: Đánh thức du lịch mua sắm bằng gian hàng OCOPNâng tầm nông sản Đồng Nai - Kỳ 3: Tư duy mới cho chiến lược nông sản dài hạn- Ảnh 9.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/nang-tam-nong-san-dong-nai-ky-3-tu-duy-moi-cho-chien-luoc-nong-san-dai-han-a223131.html