Điện mặt trời ban công “lên ngôi”

Điện mặt trời ban công là một giải pháp điện năng quy mô nhỏ nhưng linh hoạt, phù hợp với các không gian phi truyền thống.

Công suất điện mặt trời trên thế giới đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, khi các chính phủ đầu tư vào quá trình chuyển đổi xanh và các công ty năng lượng đã tận dụng các chính sách năng lượng tái tạo thuận lợi.

Bên cạnh sự tăng trưởng của điện mặt trời quy mô lớn, ngày càng nhiều hộ gia đình trên khắp các quốc gia đã đầu tư vào các tấm pin năng lượng mặt trời.

Nhờ sự phát triển của công nghệ, thị trường điện mặt trời dân dụng toàn cầu ngày càng sôi động khi các công ty cung cấp nhiều loại tấm pin hơn, phù hợp với các không gian phi truyền thống.

Trong số đó có điện mặt trời ban công (balcony solar power) – một giải pháp điện năng quy mô nhỏ nhưng linh hoạt.

Điện mặt trời ban công cho phép những người sống trong những ngôi nhà nhỏ hơn, với không gian ngoài trời hạn chế, lắp đặt một số lượng nhỏ tấm pin quang năng lên ban công hay sân thượng để tạo ra điện cho hộ gia đình.

Công nghệ này đã trở nên phổ biến trên khắp châu Âu, đặc biệt là ở Pháp, Italy, Hà Lan và Đức, khi người tiêu dùng muốn giảm hóa đơn tiền điện và chuyển sang sử dụng năng lượng "xanh".

Đây là hệ thống có thể cắm trực tiếp vào ổ cắm điện, do đó không cần lắp đặt chuyên nghiệp. Người dùng chỉ cần treo những tấm pin quy mô nhỏ này trên ban công để sản xuất điện vào ban ngày.

Kích thước nhỏ của hệ thống đồng nghĩa với việc các tấm pin điện mặt trời ban công có công suất chỉ bằng khoảng 10% của các hệ thống lắp đặt trên mái nhà.

Điện mặt trời ban công “lên ngôi” - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Tại Đức, hiện có khoảng 1,5 triệu căn hộ được trang bị hệ thống điện mặt trời ban công. Dữ liệu chính thức cho thấy khoảng 220.000 thiết bị quang năng đã được lắp đặt trên khắp nước Đức trong nửa đầu năm 2024.

Chính phủ Đức khuyến khích người tiêu dùng lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời, cung cấp cho người dùng biểu giá điện mặt trời hòa lưới và quy định mức giá cố định cho mỗi đơn vị điện được đưa lên lưới điện.

Công suất lắp đặt cho các tấm pin mặt trời trên ban công ở Đức cũng được giới hạn ở mức 800 watt như một phần trong các tiêu chuẩn an toàn.

Tại Vương quốc Anh, các hệ thống có phích cắm như điện mặt trời ban công chưa được "bật đèn xanh" do các quy định về năng lượng mặt trời và lưới điện ở đó.

Theo quy định, các chuyên gia phải tham gia vào quá trình lắp đặt và các tấm pin không thể chỉ cần cắm vào nguồn điện như lò nướng bánh mì.

Tình trạng này cũng xảy ra ở Bỉ, nơi chính phủ lo ngại về tác động của việc có các hệ thống chưa được đăng ký đã hòa lưới điện.

Tuy nhiên, tại Vương quốc Anh, chính phủ gần đây cho biết sẽ khởi động một nghiên cứu an toàn "với mục tiêu mở ra các cơ hội cho điện mặt trời có phích cắm trong vài năm tới" để giúp "xứ sở sương mù" tăng gấp 3 công suất điện mặt trời vào năm 2030.

Về lý thuyết, việc sử dụng điện mặt trời ban công có thể giúp giảm chi phí năng lượng tiêu dùng và cho phép người thuê nhà tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo dồi dào này mà không phải phụ thuộc vào việc chủ nhà lắp đặt các tấm quang năng trên mái nhà.

Người thuê nhà cũng có thể mang theo hệ thống khi chuyển từ căn hộ này sang căn hộ khác. Điều này sẽ giúp những người thường không có nguồn điện giá rẻ có thể giảm hóa đơn tiền điện.

Bà Gemma Grimes, giám đốc chính sách tại Solar Energy UK – hiệp hội thương mại đại diện cho ngành năng lượng mặt trời và lưu trữ năng lượng tại Anh, đã giải thích một số lý do hạn chế công nghệ điện mặt trời có phích cắm.

"Điều này xuất phát từ một loạt các cân nhắc, bao gồm tính thẩm mỹ, an toàn về kết cấu/tòa nhà và an toàn cho người tiêu dùng. Ngoài ra còn có những cân nhắc thực tế khác, bao gồm vị trí đặt ổ cắm điện và bảo vệ cáp – chúng tôi không thường lắp đặt ổ cắm điện trên ban công ở quốc gia này", bà Grimes cho biết.

"Việc lắp đặt tất cả các thiết bị điện đều đi kèm với rủi ro, và điều quan trọng là phải hiểu rõ mọi rủi ro trước khi triển khai rộng rãi. Chúng tôi nhận thức được các ví dụ trên lục địa -- bao gồm cả ở Đức – và rất muốn học hỏi từ kinh nghiệm của họ", bà nói thêm.

Trong khi đó, tại Mỹ, chưa có tiêu chuẩn an toàn chính thức nào cho hệ thống điện mặt trời ban công, dẫn đến sự cản trở đối với việc hiểu biết và áp dụng công nghệ này.

Việc triển khai các tấm pin năng lượng mặt trời có phích cắm tại Mỹ gặp phải một số rào cản, với việc các cơ quan quản lý nhấn mạnh rằng họ không thể chỉ đơn giản sao chép mô hình của Đức vì hệ thống điện của Mỹ là khác biệt.

Ví dụ, tại Mỹ không có thiết bị ngắt mạch khi có sự cố tiếp đất, nghĩa là các thiết bị không tự động ngắt khi cần thiết để giảm thiểu nguy cơ điện giật.

Tuy nhiên, một số tiểu bang, chẳng hạn như Utah, đã bắt đầu ban hành luật để khuyến khích việc áp dụng rộng rãi hơn hệ thống năng lượng linh hoạt này – một động thái có thể được các tiểu bang khác noi theo.

Minh Đức (Theo Oil Price, The Guardian)

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Số phận đáng tiếc của “siêu du thuyền lớn nhất thế kỷ 21”Điện mặt trời ban công “lên ngôi” - Ảnh 3.
Tham khảo thêm
Công viên điện mặt trời siêu khổng lồ có thể tạo ra 2.245 MW điệnĐiện mặt trời ban công “lên ngôi” - Ảnh 4.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/dien-mat-troi-ban-cong-len-ngoi-a223430.html