Ông Đặng Hải Dũng, Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc buổi tập huấn
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP 3). Năm nay, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đánh dấu một nửa chặng đường triển khai, đồng thời góp phần thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 mà Việt Nam đã đưa ra tại các Hội nghị COP 26, COP 27 và COP 28 về biến đổi khí hậu.
Theo ông Đặng Hải Dũng, Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công, Bộ Công Thương, tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm điện là những giải pháp cấp thiết, hiệu quả trong cả ngắn hạn và dài hạn, giúp giảm áp lực cung ứng năng lượng, bảo vệ môi trường và tăng cường an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung năng lượng toàn cầu tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Theo khảo sát của chương trình VNEEP 3, tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam còn rất lớn, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, vốn chiếm trên 50% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia. Nếu chỉ tính riêng hơn 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên cả nước, với mức tiêu thụ điện hơn 80 tỷ kWh/năm, chỉ cần thực hiện tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng mỗi năm, sẽ giúp tiết kiệm khoảng 1,6 tỷ kWh, tương đương hơn 3.200 tỷ đồng chi phí tiền điện hằng năm.
Ngày 18/6/2025, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, có hiệu lực từ 1/1/2026. Luật sửa đổi bổ sung nhiều quy định mới, khẳng định vai trò quan trọng của tiết kiệm năng lượng trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Trong khuôn khổ tập huấn, các phóng viên, biên tập viên đã được cập nhật các thông tin chính sách, pháp luật mới về tiết kiệm năng lượng; tổng quan kết quả triển khai chương trình VNEEP 3 thời gian qua; đồng thời trao đổi kỹ năng tác nghiệp báo chí trong lĩnh vực năng lượng vốn "khô – khó – khổ", bao gồm cách khai thác, sử dụng thuật ngữ kỹ thuật, xây dựng câu chuyện và góc nhìn mới để tiếp cận bạn đọc.
Anh Thơ
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/nang-cao-nang-luc-truyen-thong-ve-tiet-kiem-nang-luong-a223721.html