Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật
Năm 2025 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Luật gia Việt Nam khóa XIV (2024 - 2029) và Nghị quyết Đại hội Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ IX (2024 – 2029), ngay từ đầu năm, Hội Luật gia Thành phố, Hội Luật gia quận, huyện và thành phố Thủ Đức tập trung triển khai, tổ chức thực hiện các chỉ tiêu Đại hội Hội Luật gia các cấp.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Ban Thường vụ Hội Luật gia Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hội viên các cấp Hội, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tham gia góp ý xây dựng văn bản, chính sách pháp luật về thực hiện Kết luận số 137 ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Quyết định số 759 ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Trên cơ sở Kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp thành phố, Ban Lãnh đạo Hội Luật gia Thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo Hội Luật gia các cấp xây dựng Chương trình công tác Hội về công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp gắn với hoạt động tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đến hội viên, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn Thành phố.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Hội Luật gia các cấp tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, góp ý, phản biện dự thảo văn bản pháp luật của Trung ương và địa phương, tham gia góp ý 25 dự thảo Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ và thẩm định, rà soát 508 văn bản của chính quyền địa phương và đơn vị; đã tổ chức, phối hợp tổ chức 93 hội nghị góp ý với 1457 lượt đóng góp ý kiến cho các dự thảo.
Lãnh đạo Thành hội tham dự các hội thảo, tọa đàm như: "Chia sẻ kinh nghiệm và khả năng hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế tại khu vực phía Nam"; "Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự về các nội dung liên quan đến bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh"; "Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 và những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới".
Phiên toà giả định do Hội Luật gia quận 1 tổ chức.
Ngoài ra, Hội Luật gia các cấp tích cực tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn giải quyết khiếu nại và tham gia hòa giải, các cấp Hội đã tổ chức tập huấn pháp luật 38 cuộc cho 1.519 lượt người; trực tiếp thực hiện 16.248 cuộc tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau với 77.636 lượt người tham gia; phối hợp thực hiện 5.419 cuộc với 239.642 lượt người tham gia; cung cấp 433.020 tờ rơi, tờ gấp, sổ tay tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Về các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật: Ngoài phương thức tuyên truyền miệng, các cấp Hội đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền pháp luật với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Sử dụng ứng dụng công nghệ của mạng xã hội (như Facebook, Zalo, Viber, Bảng tin giấy, Trang thông tin điện tử...); Tổ chức Phiên tòa giả định; Sân khấu hóa nội dung tuyên truyền; Hội thi tìm hiểu quy định pháp luật; Đố vui pháp luật...
Phiên toà giả định do Hội Luật gia quận 1 tổ chức.
Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật còn được thực hiện thông qua các Chương trình, kế hoạch phối hợp liên tịch đươc ký kết giữa Hội Luật gia Thành phố và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể khác.
Nhận thức được vai trò quan trọng của công tác tư vấn pháp luật, Hội Luật gia Thành phố và các cấp Hội đã nỗ lực rất lớn cho công tác này, trong 6 tháng đầu năm 2025, đã thực hiện tư vấn pháp luật 8.363 trường hợp và trợ giúp pháp lý cho 4.836 trường hợp là các đối tượng thuộc diện chính sách, người nghèo, người già neo đơn, trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, người dân tộc và những người yếu thế trong xã hội.
Ngoài tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý tại trụ sở Hội, trụ sở các Trung tâm Tư vấn pháp luật, các cấp Hội còn thực hiện tư vấn pháp luật với những hình thức như: Tư vấn qua "Chương trình bạn nghe đài "VOH" trả lời hỏi, đáp cho bạn nghe đài hàng tuần trên sóng phát thanh VOH; tư vấn qua đường dây nóng.
Tư vấn pháp luật tại các buổi hiệp thương đối với các hộ trong diện giải tỏa để cải tạo môi trường Bờ Bắc kênh đôi; Tư vấn pháp luật miễn phí tại Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh-Đường Sách thành phố Thủ Đức; Tư vấn pháp luật miễn phí tại Khu Công nghiệp.
Tích cực tham gia công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính
Trong 6 tháng đầu năm 2025, lãnh đạo Hội Luật gia thành phố là Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân Thành phố đã tham gia Hội đồng xét xử sơ thẩm khoảng 60 phiên tòa hình sự, hành chính, dân sự, kinh tế. Qua đó, đã góp phần thiết thực vào công tác cải cách Tư pháp trong giai đoạn hiện nay.
Hội Luật gia quận 10 tổ chức tư vấn lưu động miễn phí.
Đặc biệt, các phiên tòa giả định đã được thực hiện như: Phiên "Trốn tránh nghĩa vụ quân sự" do Chi hội Luật gia phường Cô Giang và phường Đa Kao thực hiện; Phiên: "Hành vi sử dụng, tàng trữ trái phép chất ma túy" do Chi hội Luật gia phường Bến Nghé thực hiện đã góp phần thiết thực vào việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong cán bộ ở cơ sở, các hội viên và quần chúng nhân dân.
"Mô hình này cần được duy trì và nhân rộng trong Hội Luật gia các cấp, vì có ý nghĩa thiết thực cho công tác cải cách Tư pháp trong giai đoạn hiện nay", ông Lê Công Chính, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia Quận I, Tp.Hồ Chí Minh cho biết.
Ngoài ra, hội Luật gia thành phố đã tập trung triển khai thực hiện các văn bản như: Công văn số 7669 của Văn phòng Trung ương Đảng về Đề án "Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá của người dân đối với hoạt động tư pháp" và Kế hoạch số 298; Công văn số 364 ngày 5/9/2024 của Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam; Văn bản số 3605 ngày 9/10/2024 của Ban Nội chính Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Kết quả, các cấp Hội đã tham gia 44 cuộc giám sát do Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan các cấp thành phố và quận-huyện tổ chức; Hội Luật gia quận-huyện, thành phố Thủ Đức tham gia phản biện xã hội về các Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định, Kế hoạch, Chương trình, Đề án tại địa phương.
Từ nay đến cuối năm 2025, Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như:
Tiếp tục phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 14 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 163 của Thành ủy, Kế hoạch 932 của Ủy ban nhân dân Thành phố về triển khai thực hiện Chỉ thị số 14 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia trong tình hình mới.
Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"...
Đặc biệt, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 3996 ngày 8/8/2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố Quy định "Hội Luật gia tham gia giám sát việc thi hành pháp luật, hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật, giải quyết khiếu nại, giải quyết tranh chấp pháp lý ngoài cơ chế nhà nước".
Theo bà Ung Thị Xuân Hương, Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh: "Là một tổ chức chính trị, xã hội - nghề nghiệp do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, Hội Luật gia thành phố sẽ cố gắng phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc đề xuất, đóng góp ý kiến đối với công tác xây dựng pháp luật theo tinh thần Nghị quyết 66 ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Theo kế hoạch hoạt động, từ nay đến cuối năm 2025, Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh sẽ chú trọng hơn nữa hoạt động tham gia giám sát việc thực thi pháp luật của các cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong xã hội nhằm bảo đảm pháp luật được thực thi công bằng, nghiêm minh theo tinh thần thượng tôn pháp luật".
Với những nỗ lực nói trên, hy vọng hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh sẽ có những bước đột phá hơn nữa đối với việc thực hiện công tác cải cách tư pháp trong thời gian tới.
Phạm Thanh Tuyền
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/hoi-luat-gia-tpho-chi-minh-tich-cuc-thuc-hien-cong-tac-cai-cach-tu-phap-a223792.html