Đổi mới tư duy, hành động, có cách tiếp cận mới trong phát huy dân chủ ở cơ sở

(Chinhphu.vn) - Sáng 21/7, tại Tây Ninh, Đoàn kiểm tra, khảo sát của Ban chỉ đạo Trung ương do Phó Thủ tướng Mai Văn Chính, Phó Trưởng Ban chỉ đạo, làm trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ tỉnh ủy Tây Ninh về việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về "xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở"; tình hình và kết quả thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy đơn vị hành chính 02 cấp trên địa bàn tỉnh.

Đổi mới tư duy, hành động, có cách tiếp cận mới trong phát huy dân chủ ở cơ sở- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Mai Văn Chính làm việc với Ban Thường vụ tỉnh ủy Tây Ninh về việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW - Ảnh: VGP/Lê Anh

Cùng dự có đồng chí Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân Vận Trung ương, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương. Về phía tỉnh Tây Ninh có đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.

Phát huy quy chế dân chủ tại cơ sở

Báo cáo với đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh cho biết, thời gian qua, công tác thông tin tuyên truyền, nắm tình hình cơ sở, tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (viết tắt là QCDC) ở cơ sở được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội quan tâm thực hiện hiệu quả. 

Công tác tuyên truyền vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ được chú trọng; các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, xã hội từ thiện; góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh Tây Ninh Thành Từ Dũ cho biết, sau hợp nhất, Đảng bộ tỉnh Tây Ninh có 100 tổ chức Đảng trực thuộc; 41 dân tộc thiểu số; 11 tôn giáo được Nhà nước công nhận đang hoạt động.

Đổi mới tư duy, hành động, có cách tiếp cận mới trong phát huy dân chủ ở cơ sở- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Mai Văn Chính ghi nhận kết quả đạt được của Tỉnh ủy Tây Ninh trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW - Ảnh: VGP/Lê Anh

Qua 27 năm triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW và các văn bản của Trung ương về thực hiện QCDC, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, đặc biệt là người đứng đầu đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hiểu sâu hơn về vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện QCDC ở cơ sở.

Qua triển khai thực hiện, nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực; dân chủ đại diện được phát huy, dân chủ trực tiếp được mở rộng với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" trên nhiều lĩnh vực cụ thể.

Các xã, phường, thị trấn tại tỉnh Tây Ninh đẩy mạnh cải cách hành chính theo cơ chế "Một cửa, một cửa liên thông", mô hình "Một cửa điện tử" tạo được chuyển biến tích cực trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho công dân, tổ chức; triển khai dịch vụ bưu chính công ích trong giải quyết thủ tục hành chính giúp cá nhân, tổ chức tiết kiệm thời gian, chi phí, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Đối với việc thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động: Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức đối thoại định kỳ 3 tháng/lần theo quy định. Các doanh nghiệp nhà nước thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, tổ chức hội nghị người lao động đạt 100%.

Đổi mới tư duy, hành động, có cách tiếp cận mới trong phát huy dân chủ ở cơ sở- Ảnh 3.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân Vận Trung ương Phạm Tất Thắng phát biểu - Ảnh: VGP/Lê Anh

Chính quyền 2 cấp cơ bản vận hành thông suốt, hiệu quả

Đối với việc thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 96 đơn vị hành chính cấp xã (82 xã và 14 phường) được tổ chức hoạt động theo đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; hoạt động của các đơn vị cơ bản ổn định, đáp ứng được nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân.

Qua nắm tình hình hoạt động tại các xã, phường trên địa bàn tỉnh, còn một số khó khăn nhất định như: Điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật (máy móc, thiết bị, mạng máy tính,…) một số nơi chưa được đảm bảo.

Báo cáo với đoàn công tác về kết quả thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Tấn Hòa cho biết, công tác cải cách hành chính được tập trung đẩy mạnh, triển khai thực hiện có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của nhân dân và doanh nghiệp; các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) hàng năm đều nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng quản lý, điều hành tốt. 

Hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công ở cấp tỉnh và địa phương có nhiều đổi mới, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ. Mức độ hài lòng của nhân dân được nâng lên, cải thiện mối quan hệ của cơ quan hành chính với nhân dân, nhất là ở cơ sở.

Đổi mới tư duy, hành động, có cách tiếp cận mới trong phát huy dân chủ ở cơ sở- Ảnh 4.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Tấn Hòa báo cáo - Ảnh: VGP/Lê Anh

Về thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, sau 20 ngày thực hiện, chính quyền địa phương 2 cấp bước đầu cơ bản ổn định, đi vào thông suốt, hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế thực hiện, các địa phương vẫn còn gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính có tính chất liên thông từ cấp xã đến các sở, ngành. Vẫn còn thiếu cán bộ chuyên môn tại cấp xã. Việc cấp mã số kinh doanh hiện nay gặp nhiều khó khăn do UBND cấp xã phải trực tiếp đăng ký với Bộ Tài chính.

Lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh kiến nghị Bộ Nội vụ sớm có văn bản hướng dẫn ban hành văn bản quy định mục mã định danh tài liệu, hồ sơ và ký hiệu văn bản của cơ quan, tổ chức mới sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy.

Qua buổi làm việc, đoàn công tác đánh giá cao việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tình hình và kết quả thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy đơn vị hành chính 2 cấp trên địa bàn tỉnh.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân Vận Trung ương Phạm Tất Thắng cho rằng, việc thực hiện QCDC hiện nay chuyển sang bối cảnh mới khi từ ngày 1/7, chúng ta bắt đầu triển khai chính quyền địa phương 2 cấp, trong đó, tổ chức lại MTTQ với các tổ chức chính trị xã hội. Đây là những tổ chức có vai trò quan trọng trong việc phát huy QCDC tại các địa phương.

Theo đồng chí Phạm Tất Thắng, trong bối cảnh mới, những nội dung nào còn giá trị, mô hình nào ở cơ sở hiệu quả thì cần phát huy. Đồng thời, tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc với các tổ chức chính trị-xã hội tại các địa phương nhằm gần dân, sát dân hơn.

Đổi mới tư duy, hành động, có cách tiếp cận mới trong phát huy dân chủ ở cơ sở- Ảnh 5.

Phó Thủ tướng Mai Văn Chính: Khi chuyển sang mô hình mới, chính quyền địa phương 2 cấp, các cấp nhất là xã, phường không được để xảy ra ách tắc, không thông suốt trong việc liên quan đến người dân, thủ tục hành chính, đầu tư - Ảnh: VGP/Lê Anh

Đổi mới tư duy, hành động-kiến tạo và phục vụ nhân dân

Thay mặt đoàn công tác, phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính ghi nhận kết quả đạt được của Tỉnh ủy Tây Ninh trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 30 đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó đã triển khai quán triệt nghiêm túc cho các tổ chức đảng, cấp ủy; cụ thể hóa việc phát huy QCDC trong việc phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống nhân dân.

Việc thực hiện QCDC tại tỉnh Tây Ninh được thực hiện đồng bộ, thông qua MTTQ, tổ chức chính trị xã hội. Trong đó, dân chủ trực tiếp ngày càng được mở rộng; các cấp ủy, chính quyền, MTTQ xác định được dân chủ cơ sở là nhiệm vụ thường xuyên. Xác định được nội dung nào phải phổ biến, xin ý kiến nhân dân.

Phó Thủ tướng Mai Văn Chính cũng lưu ý, các xã, phường tiếp tục phát huy tính dân chủ theo phương châm: Dân biết, dân làm dân kiểm tra, dân giám sát. Điều này gắn với việc phân cấp, địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trước khi làm thì phải phát huy tính dân chủ trong nhân dân, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, tổ dân phố…

Bên cạnh những mặt tích cực đạt được, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính cũng lưu ý, việc thực hiện QCDC tại tỉnh Tây Ninh có lúc có nơi cũng còn hình thức, cần rút kinh nghiệm. Việc thực hiện QCDC cần phải được sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; cấp xã, phường cần đổi mới tư duy, hành động, có cách tiếp cận mới, hành động mới trong phát huy dân chủ nhất là trong bối cảnh chúng ta thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp. Xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn. Chuyển từ thụ động sang chủ động kiến tạo phục vụ nhân dân.

"Khi chuyển sang mô hình mới, chính quyền địa phương 2 cấp, các cấp nhất là xã, phường không được để xảy ra ách tắc, không thông suốt trong việc liên quan đến người dân, thủ tục hành chính, đầu tư…Mọi cơ chế chính sách liên quan đến các vấn đề kinh tế-xã hội, tài chính, đầu tư công, quy định rõ ràng công khai minh bạch, dân chủ.

Lê Anh


Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/doi-moi-tu-duy-hanh-dong-co-cach-tiep-can-moi-trong-phat-huy-dan-chu-o-co-so-a224218.html