Lợi nhuận của Bamboo Capital cán mốc 1.000 tỷ đồng

Sự tăng trưởng về lợi nhuận của BCG chủ yếu nhờ hoạt động tài chính tăng, khi doanh nghiệp thực hiện nhiều thương vụ M&A trong lình vực bất động sản và năng lượng.

Theo BCTC kiểm toán 2021 của CTCP Bamboo Capital (MCK: BCG), doanh thu thuần hợp nhất của doanh nghiệp không có điều chỉnh so với báo cáo tự lập, đạt hơn 2.589 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2020.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của BCG lại tăng thêm 27 tỷ đồng, ghi nhận cán mốc 1.000 tỷ, tương ứng cao gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm trước.

Phía BCG lý giải, sự tăng trưởng về lợi nhuận sau thuế chủ yếu do doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động tài chính của BCG tăng, bởi trong năm qua doanh nghiệp này thực hiện nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản và năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp sau kiểm toán giảm cũng góp phần đẩy lợi nhuận sau thuế của BCG tăng lên hơn 1.000 tỷ đồng.

Dù lãi lớn nhưng doanh nghiệp này ghi nhận lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tiếp tục âm nặng 9.012 tỷ đồng. Con số này tăng đột biến so với mức âm hơn 2.226 tỷ đồng của năm 2020.

Tổng tài sản của BCG tính đến ngày 31/12/2021 đạt 37.689 tỷ đồng, điều chỉnh giảm nhẹ 0,3% so với số liệu chưa kiểm toán và tăng 56,1% so với cuối năm 2020. Tài sản dài hạn của doanh nghiệp ghi nhận tăng mạnh từ 12.798 tỷ đồng hồi đầu năm lên 21.450 tỷ đồng.

Về tài sản ngắn hạn, BCG tăng khoản đầu tư tài chính lên 1.001 tỷ đồng, tăng 75%. Ban lãnh đạo BCG lý giải rằng trong năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án bất động sản và năng lượng tái tạo. Vì vậy, BCG đã đầu tư vào các công cụ tài chính để đảm bảo hiệu quả tối ưu trong việc sử dụng vốn đã huy động. Số dư tiền và các khoản tương đương tiền cuối năm 2021 của BCG là 1.044 tỷ đồng.

Sau kiểm toán, nợ phải trả của BCG là 29.340 tỷ đồng tại ngày 31/12/2021. So với trước kiểm toán, nợ ngắn hạn của BCG tăng thêm 1.228 tỷ đồng, tuy nhiên nợ dài hạn lại giảm 1.232 tỷ đồng, nguyên nhân do các khoản nợ được phân loại lại tiêu chí thời gian phù hợp hơn; vì vậy, tổng nợ của BCG gần như không có sự thay đổi.

Việc nợ dài hạn tăng khá mạnh trong năm 2021 chủ yếu do BCG huy động vốn dài hạn qua kênh trái phiếu để triển khai các dự án điện gió. Trong năm 2021, BCG đã giảm tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu từ 7,2 lần tại cuối năm 2020 xuống 3,5 lần vào cuối năm 2021.

Trong một diễn biến khác, mới đây, Bamboo Capital cũng đã được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận kế hoạch chào bán 60 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 20.000 đồng/cổ phiếu, dự thu 1.200 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ của doanh nghiệp từ hơn 4.400 tỷ lên hơn 5.600 tỷ đồng để góp vốn vào BCG Land nhằm thực hiện các giao dịch liên quan đến các dự án bất động sản như M&A, đầu tư, liên doanh, liên kết...

Theo chia sẻ của lãnh đạo Bamboo Capital hồi đầu năm, doanh nghiệp này đặt ra tham vọng sẽ đẩy vốn điều lệ lên đến con số 10.000 tỷ đồng. Ngoài ra, theo kế hoạch 5 năm, Bamboo Capital kỳ vọng cổ phiếu tham gia vào rổ VN30, giai đoạn 2023-2024.

Trên thị trường, cổ phiếu BCG đang giao dịch trong phiên sáng ngày 31/3 ở vùng giá 26.550 đồng/cổ phiếu.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/loi-nhuan-cua-bamboo-capital-can-moc-1000-ty-dong-a22490.html