Một nghệ sĩ nhiếp ảnh rất am hiểu Tây Nguyên vừa nhắn tin cho tôi: "Anh viết giùm cái tập tục của dân làng Kép - Ia Mơ Nông với. Phong tục làng này còn rất nghiêm, phụ nữ không được lên nhà rông, nhà rông văn hóa nhà nước xây thì làng không dùng mà làng chỉ dùng nhà rông của làng tự làm (nó mới có Yang - có hồn làng). Nhà rông hiện tại là làng tự làm nên nó được bà con sử dụng và mới còn đó. Sợ cái công trình nhà rông 12 tỷ này làm xong lại để hoang vì làng không dùng thì mới mệt, rất phí".
Là anh này mới nghe tin nhà nước đang "giúp" làng này, cái làng còn tương đối giữ được hồn cốt làng Jrai, và cộng đồng dân làng, dưới sự "lãnh đạo" của một cô gái Tây Nguyên, từng tốt nghiệp đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội thời nhạc sĩ An Thuyên, đang hướng tới làm một làng du lịch "sạch" để vừa nuôi nhau vừa giữ gìn văn hóa Tây Nguyên, giờ "được" làm một cái nhà rông tới hơn chục tỷ, to uỳnh, bê tông cốt thép, dân làng cứ tròn mắt xem thợ xây chuyên nghiệp đào móng làm nhà rông làng mình, điều mà chưa bao giờ họ thấy khi làm nhà rông.
Tôi bảo thực ra thì tốt nhất là giao cho làng làm, mình có tiền cấp cho làng làm là tốt nhất. Nhớ thời lâu rồi, tôi có dự một hội thảo khoa học về nhà rông văn hóa do tỉnh ủy tỉnh Kon Tum tổ chức, đích thân bí thư tỉnh ủy Kon Tum khi ấy, bác sĩ Sô Lây Tăng, người Giẻ, chủ trì hội thảo. Ông kết luận và tôi rút làm cái tít một bài báo: "Không chi thiết kế phí cho nhà rông". Và sau cái hội thảo ấy một thời gian thì "phong trào" làm nhà rông văn hóa cho các xã chấm dứt, vì nó hết sức phi thực tế, tốn kém và chả có tác dụng gì vì hầu như chả ai dùng.
Nói tới nhà rông truyền thống của thời hiện tại, không thể không nhắc tới xã Hà Tây của huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai (cũ) với việc có 4 trên 9 làng trong xã có nhà rông truyền thống thống rất đẹp, rất đúng, trong đó, nhà rông làng Kon Sơ Lăl được coi là lớn nhất Tây Nguyên hiện nay. Và kỳ lạ, người chỉ huy làm ngôi nhà rông này là ông Sôn, một người đàn ông mù chữ.
Nhà rông, về công năng và ý nghĩa, nôm na thì nó na ná như cái đình của người Việt ở đồng bằng, nhất là đồng bằng Bắc Bộ. Nó là nơi dân làng tụ họp mỗi khi làng có việc. Là nơi cúng Yang, cúng trời đất. Là trung tâm của cộng đồng. Là nơi các vị thần trú ngụ, cả ở mái (nóc) nhà rông và cây nêu dưới sân. Là chỗ thanh niên trai tráng chưa vợ lên ngủ hàng đêm, để giữ làng, để sinh hoạt cộng đồng, nơi già làng xử phạt theo luật tục...
Có người viện lý do nhà rông lợp tranh và bằng gỗ dễ... cháy, nhanh hư, bê tông và lợp tôn cho nó bền? Tôi nhớ những nhà ở nông thôn đồng bằng lợp rạ cũng được dăm năm mới thay, còn nếu tranh thì cả chục năm. Mà nhà rông thì dốc, thoát nước nhanh, thời gian sử dụng của bà con cũng phải mươi lăm năm mới phải lợp lại.
Nhưng cái vụ cụ thể của làng Kép, Ia Mơ Nông này thì tôi chưa nắm được thông tin, nên có hứa với bạn ấy là sẽ... đi thực tế rồi viết. Nhưng có một nguyên tắc của người Tây Nguyên mà tôi biết, ấy là nhà rông chỉ thực sự của làng khi nó tuân thủ những luật lệ khắt khe của cộng đồng làng ấy, trong đó yếu tố tâm linh là rất quan trọng. Các nhà rông văn hóa "chết yểu" là thế, chứ không hẳn chỉ là yếu tố... thiết kế phí.
Vừa hay, tôi đọc thông tin bộ trưởng bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói: "Áp KPI đánh giá cán bộ, công chức phải phù hợp thực tiễn".
Trong đó, bà Trà thông tin thời gian tới sẽ tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định sử dụng KPI đánh giá cán bộ, công chức.
Tuy nhiên, quan trọng nhất phải được xây dựng từ thực tiễn, phù hợp với đặc thù từng địa phương.
Bà dẫn chứng "chiếc áo" của Hà Nội phải khác và các địa bàn vùng sâu, vùng xa phải khác. Nếu không sẽ rất khó đáp ứng yêu cầu trong vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.
Những ý trên tôi lược từ một vài báo, và tôi vận vào địa bàn mình đang sống, thấy bà Trà hết sức có lý.
Ấy là một người bạn chuyển cho mấy tài liệu về việc giao chỉ tiêu của một tỉnh Tây Nguyên, trong đó nêu cụ thể số sinh, số tử. Rằng trong năm phải có từng ấy số sinh từng ấy số tử, rồi bao nhiêu phần trăm bà con dùng Ebank để nhận tiền qua thẻ, không nhận tiền mặt...
Lại nhớ những câu chuyện vui một thời, từ hồi chúng ta hạn chế sinh đẻ. Rằng một chị dân tộc thiểu số trong độ tuổi sinh đẻ đã được đi dự lớp tập huấn, được cấp bao cao su nhưng vẫn... mang bầu. Chị đến... bắt đền cán bộ: tôi dùng mà sao vẫn có bầu? Hỏi mãi thì mới biết, chị theo cán bộ hướng dẫn trực quan cách dùng bao cao su, cán bộ dùng quả chuối làm đạo cụ, thì chị cũng áp dụng như thế và kết quả là "như thế".
Còn nữa, chuyện thật, bà con dân tộc thiểu số được cho vay tiền xóa đói giảm nghèo, tất nhiên cũng là tập huấn, là cầm tay chỉ việc rất kỹ, nhưng tới khi thu hồi nợ, bà con lôi ra nguyên tệp tiền, gói bằng giấy báo, giấu ở đáy gùi, đổ lúa lên để vừa chống ẩm vừa bảo vệ sợ mất, và nói tỉnh bơ: "Mình sợ mất nên giữ rất kỹ. Giờ nhà nước đòi thì mình trả lại nhé, không thiếu một xu nhé".
Tất nhiên là bây giờ, bà con không còn như xưa nữa, nhưng không phải tất cả đã cùng có sự hiểu biết như nhau. Một bác sĩ sản bảo, trời ơi chả nhẽ bọn em lại phải đi cầm... tay chỉ việc cho họ đẻ đủ chỉ tiêu à? Bao nhiêu năm hạn chế, họ lười đẻ, giờ bắt họ... siêng, tưởng dễ mà khó. Hạn chế ta còn dùng các biện pháp hành chính, như kỷ luật, như không tăng lương, như thuyên chuyển công tác... nếu là cán bộ, dân cũng bị những chế tài rất chặt để nước ta đã thực hiện đúng nghị quyết và tình hình thời kỳ ấy. Nhưng đẻ, nó lại khác. Nó không phụ thuộc ý chí của con người, không phụ thuộc sự áp đặt. Bạn này còn kể cho tôi nghe vài chuyện tiếu lâm về áp đặt KPI... đẻ.
Tức là, chính sách dân số bây giờ là phù hợp, là đúng, nhưng cách giao KPI thì có lẽ không thể cào bằng, không thể áp dụng chung cho mọi vùng.
Rồi ngay giao chỉ tiêu giảm số vụ và số người tai nạn giao thông cũng rất khó mà thực hiện, vì nó cụ thể quá. Tôi thấy có một cái danh sách giao chỉ tiêu cho từng xã phường về giảm tai nạn giao thông 6 tháng cuối năm, có các mục rất cụ thể, như số vụ, số người chết, số người bị thương rất chi li...
Cái này có thể là nghị quyết, xong rồi đề ra phương án thực hiện, và số lượng thì chỉ có thể là một cái mốc phần trăm, chứ ấn định rõ số sinh số tử, nhất là ở vùng người dân tộc thiểu số thì quả là rất khó.
Chắc là thấy vấn đề nên bộ trưởng bộ Nội vụ Phạm Thị Trà phải có động thái như trên, và hy vọng, KPI vẫn là những chỉ tiêu để đánh giá cán bộ, nhưng nó cũng phải phù hợp với thực tế, và với từng hoàn cảnh, từng địa phương cụ thể.
Và, nói thật, giờ cái gì cũng quy về KPI, nhưng chả phải ai cũng tường tận KPI là gì đâu?
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/lai-chuyen-kpi-a225196.html