Dữ liệu là then chốt của chuyển đổi số
Chia sẻ tại Hội thảo "Năng lực công nghệ của nhà quản lý trong thời đại số" tổ chức sáng 2/4, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software cho biết, ứng dụng số và chuyển đổi số có thể có nhiều cách hiểu khác nhau. Trong rất nhiều năm vừa qua, mọi người chỉ quen với tin học hoá, và hiện tại từ này được thể hiện một cách “sang trọng” hơn là chuyển đổi số.
Chúng ta thường cho rằng, nguồn lực của doanh nghiệp là tiền bạc, con người, hệ thống nhà xưởng, máy móc… Tuy nhiên, trong thời đại số, quan trọng nhất lại là dữ liệu, doanh nghiệp cần trả lời câu hỏi: Làm sao biến dữ liệu trở thành nguồn lực của doanh nghiệp, từ đó có thể đo, đếm được?
Ông chia sẻ thêm, trong chuyển đổi số, 20% dữ liệu của doanh nghiệp là có cấu trúc, có file, có trường như hệ thống kế toán, nhân sự, nhưng 80% còn lại lại là những dữ liệu không có cấu trúc từ bên ngoài. Từ đó, quá trình chuyển đổi số sẽ giúp cho những dữ liệu không có cấu trúc này trở thành những nguồn dữ liệu có ích cho doanh nghiệp.
“Tôi gọi đó là tổng hợp nỗi đau của doanh nghiệp. Khi nêu ra được khoảng 50 điểm, chuyển đổi số cần giải quyết được ít nhất 20 điểm từ các bộ phận trong khoảng thời gian ngắn, đó là hiệu quả”, ông nhấn mạnh.
Mặt khác, có rất nhiều doanh nghiệp đang dần số hoá hệ thống của mình, nhưng đây chỉ là bước đầu tiên. Mặt khác, có nhiều doanh nghiệp thay quy trình làm tay bằng quy trình trên nền tảng số, nhưng đây cũng không phải chuyển đổi số.
Theo ông, chuyển đổi số phải là sự thay đổi của mọi thao tác lặp đi lặp lại giờ đây được xử lý bởi AI và robot, quy trình truyền thống như thủ tục hành chính, trước đây mất hàng tuần mới có thể giải quyết, thì giờ chỉ mất hai giờ, giúp doanh nghiệp tối ưu hoá cả nhân sự lẫn thời gian.
Lý do 70% doanh nghiệp thất bại trong chuyển đổi số
Đại diện FPT giải thích thêm, digital transformation (chuyển đổi số) gồm có hai chữ thì phần quan trọng hơn cả là từ transformation (sự chuyển đổi). Trong đó cần chú ý đến bộ 3 chuyển đổi: chuyển đổi hệ thống, chuyển đổi con người và chuyển đổi quy trình.
Trong đó, về chuyển đổi hệ thống, thời điểm dịch bệnh vừa qua đã chứng minh cho chúng ta thấy sự cần thiết của chuyển đổi số trong dữ liệu. Khi tất cả không được đến văn phòng, mới chợt nhận ra mọi dữ liệu cần được hệ thống hoá bằng điện toán đám mây. Bởi cách lưu trữ thông tin hiện giờ đã quá lỗi thời, mọi thông tin về hệ thống quản trị đều được đặt tại một nơi cố định là công ty và các máy chủ.
Theo khảo sát “Thực trạng chuyển đổi số trong doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19” do VCCI thực hiện năm 2020, trong lĩnh vực quản trị nội bộ, điện toán đám mây là công cụ kỹ thuật được nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nhất, với 60,6%, tăng 19,5% so với thời điểm trước đại dịch COVID-19.
Mặt khác, chuyển đổi con người - yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số. Theo đó, FPT đã thực hiện một nghiên cứu thì có đến gần 70% các dự án chuyển đổi số đều thất bại, bởi khi làm chuyển đổi số, doanh nghiệp thường giao cho giám đốc CNTT hoặc người phụ trách về mảng này trong công ty, từ đó dẫn đến thất bại.
Kinh nghiệm chuyển đổi số thành công thì đã có nhiều, nhưng để đến được đích đó lại cần có quy luật chung, đó là người đứng đầu như Chủ tịch, Tổng Giám đốc phải có nhận thức về mô hình CĐS của doanh nghiệp, thì mọi thứ có thể đi đúng hướng. Bởi nếu chỉ làm về hệ thống mặt công cụ sẽ không đạt được tối ưu nếu con người vẫn giữ cách làm việc cũ.
Điểm quan trọng khác, chuyển đổi quy trình trong toàn bộ doanh nghiệp. Tất cả những quá trình này đều đòi hỏi sự song hành của tất cả từ bộ phận bán hàng, marketing, tài chính, nhân sự, không bao giờ chỉ thực hiện ở một mặt mà có được thành công.
Với tất cả những yếu tố ngang hàng đó, một mình giám đốc CNTT không thể đủ sức thay đổi được điều gì bởi không có tính quyết định và đưa ra quyết sách cho những bộ phận khác. Do đó, phải ở vị trí Chủ tịch, Tổng giám đốc mới có thể làm được việc này.
Tuy nhiên, khi thực hiện lại không phải dưới dạng nhân viên đi thực hiện nhiệm vụ cho người quản lý mà phải được đồng bộ từ trên xuống dưới. Theo đó, nhân viên trước khi triển khai cần được sự chỉ đạo của quản lý cấp cao và trao đổi cùng các bộ phận khác để cùng nêu ra vấn đề.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/vi-sao-70-doanh-nghiep-tai-viet-nam-chuyen-doi-so-that-bai-a22764.html