Phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô đã tìm hiểu sự việc, ghi nhận một số lượng lớn nạn nhân ở khắp các tỉnh/thành.
Chia sẻ với phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô, chị N.T.H, phường Thảo Điền, quận 2, TP Hồ Chí Minh cho biết: Ngày 25/3/2022, chị vào trang facebook “Đồ bếp nhập khẩu EU”, thấy đăng quảng cáo bán xe đạp ngoại với giá rẻ.
“Trang này quảng cáo bán xe đạp made in EU, độ bền trên 30 năm, là dòng xe nội địa cao cấp của Đức siêu xịn và đắt nhất. Theo đối tượng viết, trên thị trường, dòng xe này có giá bán từ 15-22 triệu đồng, nhưng shop đang sale đồng giá chỉ còn 7 triệu/cái”. Do đang có nhu cầu mua xe đạp, lại thấy giá cả hợp lý, chị H đã liên hệ với đối tượng để mua hàng.
“Đối tượng gửi cho tôi hình chiếc xe đạp rồi yêu cầu tôi chuyển khoản toàn bộ tiền hàng với lý do đây là hàng sale lỗ xả kho, shop phải chịu nhiều chi phí nên không nhận thanh toán sau”- chị H cho biết.
Khi chị H tỏ ý ngần ngại, đối tượng đã gửi ảnh chụp chứng minh thư của một người tên là Lê Phúc Hạnh trùng với tên của chủ tài khoản Le Phuc Hanh tại ngân hàng Vietinbank mà đối tượng gửi cho chị nên chị đã tin tưởng chuyển khoản rồi để lại địa chỉ nhận hàng. Tuy nhiên chỉ một tiếng sau đó, một người bạn của chị nghi ngờ nhiều khả năng đây là trang bán hàng lừa đảo, chị H tìm cách liên hệ lại thì phát hiện đã bị đối tượng chặn facebook.
Trong vai một khách hàng cần mua xe đạp, phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô đã liên hệ với trang facebook trên. Sau ít phút, đối tượng hồi đáp lại, hối phóng viên chuyển khoản tiền rồi sẽ chuyển hàng đi. Để tạo niềm tin, trang này cũng gửi ảnh chụp chứng minh thư mang tên Lê Phúc Hạnh. Điều đáng nói, thông tin trên chứng minh thư này lại khác hoàn toàn (ảnh, ngày, tháng, năm sinh, quê quán…) với người trên chứng minh thư Lê Phúc Hạnh mà chị H đã nhận được. Trong khi đó, tài khoản mà đối tượng cung cấp cho phóng viên và tài khoản chị H được nhận vẫn là một. Khi phóng viên yêu cầu cho địa chỉ cửa hàng, đối tượng nhắn lại “393 Trần Phú, Cao Xanh, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh”. Qua xác định, đây là địa chỉ của siêu thị Điện máy Xanh, không phải của cửa hàng xe đạp.
Không chỉ đưa ra mức giá rẻ (nhiều sản phẩm chỉ bằng 1/2, 1/3 giá bán trên thị trường), đối tượng còn “hào phóng” kèm thêm nhiều hàng khuyến mãi có trị giá lớn theo kiểu “cho không biếu không” như mua nồi gang được tặng 1 sét bát đĩa ăn trị giá tới 1,5 triệu đồng; mua xe đạp được tặng ghế em bé, mua 1 bộ bát tặng một bộ bát khác tương đương giá tiền…
Khi phóng viên báo liên hệ mua xe đạp, đối tượng cũng chào mời nếu mua từ 2, 3 xe thì sẽ tiếp tục giảm thêm 1 triệu đồng/xe. Ban đầu, đối tượng đề nghị nhận hết tiền hàng, nhưng nếu khách ngần ngừ thì đối tượng lại đồng ý chỉ nhận đặt cọc cũng được… Như chị T.T.T, ở phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, mua xe đạp và chảo với giá 7.800.000đ, đối tượng yêu cầu đặt cọc 50% nhưng chị T chỉ đồng ý đặt cọc 2 triệu, nếu không sẽ không mua. Lập tức, đối tượng xuống nước đồng ý. Tất cả chỉ nhằm mục tiêu khách chuyển tiền (dù ít hay nhiều) vào tài khoản Le Phuc Hanh mà đối tượng cung cấp.
Bằng với chiêu thức đó, nhiều nạn nhân đã bị mất tiền oan, người thì vài trăm nghìn, người vài triệu. Chẳng hạn, chị H.T.L, ở khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông, chuyển khoản để mua hai chiếc chảo và 1 nồi gang với tổng số tiền 2,4 triệu đồng.
Chị V.T.L, ở phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn bị mất 3,8 triệu khi đặt mua bộ nồi gang Pháp 7 món; chị N.T.T.H, ở Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh cũng mất 2.000 đồng tiền đặt cọc mua hai bộ nồi và máy nướng bánh mì; chị V.T.T, ở huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ mất 3,8 triệu mua nồi; chị H.L ở Thanh Xuân, Hà Nội chuyển khoản 7 triệu mua xe đạp Đức nhưng cũng không nhận được hàng.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, không chỉ trong năm 2022 mà từ năm 2021 đã có nhiều nạn nhân bị trang facebook này lừa tiền nhưng do không biết kêu ai hoặc nghĩ số tiền không quá lớn nên nhiều người đành ngậm ngùi cho qua.
Như chị H.T.P.A, ở thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương, ngày 19/9/2021 chuyển khoản 3,8 triệu đặt mua bộ nồi Pháp nhưng đợi tới ngày 28/9/2021 vẫn chưa thấy nhận được hàng. Chị A nhắn tin hỏi thì đối tượng chỉ xem tin mà không trả lời tin nhắn. Có khách hàng, uất ức vì mất tiền oan, nhắn tin vào trang facebook để vạch mặt trò lừa đảo của đối tượng, lập tức đã bị nhắn lại bằng lời chửi tục tĩu thay cho lời chào mời mua hàng ngon ngọt lễ phép lúc đầu.
“Quảng cáo bán hàng siêu rẻ, nhận tiền trước rồi… bùng” không phải là chiêu lừa đảo mới xuất hiện gần đây. Nhiều người hẳn vẫn còn nhớ, đối tượng “đình đám” Đỗ Thị Kim Ngân (SN 1985, thường trú tại Gia Lâm, Hà Nội) hay còn gọi là "Ngân gốm", "Paula gốm” cũng đã sử dụng chiêu thức này để lừa đảo chiếm đoạt tiền của rất nhiều người nhẹ dạ trong nhiều năm trời.
Chỉ tính từ cuối tháng 6/2021 đến thời điểm bị bắt (tháng 8/2021), Ngân gốm đã chiếm đoạt 450 triệu đồng của 40 người. Thông qua trang facebook có tên “Ngân gốm”, Ngân đã sưu tầm hình ảnh các sản phẩm đồ gốm, đồ gia dụng, đồ điện tử... rồi đăng lên rao bán trong khi thực tế không hề có hoạt động mua bán các loại sản phẩm này. Khi khách hàng nhắn tin hỏi mua, Ngân yêu cầu phải chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng mang tên mình rồi chiếm đoạt tiền của khách.
Trở lại với sự việc nghi án lừa đảo tại trang “Đồ bếp nhập khẩu EU”, nhiều nạn nhân cho biết, hình ảnh sản phẩm mà trang facebook này đăng tải cũng trùng khớp với ảnh đăng ở một số trang bán đồ Đức, đồ EU khác. Thậm chí tài khoản nhận tiền của các trang facebook này cũng giống nhau. Vì vậy, họ đang đặt giả thuyết, phải chăng đây là nhóm lừa đảo chuyên nghiệp, chuyên lập ra các trang facebook bán hàng giá rẻ để lừa đảo.
Hiện nay, đại diện các nạn nhân đã tập hợp, thu thập chứng cứ lừa đảo của đối tượng, gửi đơn tới cơ quan công an thành phố Hà Nội để tố giác hành vi của đối tượng. Báo Phụ nữ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
HOÀNG LAN