Trước thực trạng thông tin tràn lan trên mạng xã hội, đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của những người liên quan và vượt quá quyền tự do ngôn luận trong khuôn khổ pháp luật quy định.
Vậy, trách nhiệm cũng như chế tài xử phạt khi một số “anh hùng bàn phím” đang coi mạng xã hội là “bãi rác” đã đủ sức răn đe, làm sao để người dùng mạng không có những phát ngôn lệch chuẩn, vượt quá giới hạn?
Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với Luật sư La Văn Thái (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) về vấn đề trên.
NĐT: Hiện nay, việc lạm dụng quyền tự do ngôn luận vượt quá quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt như thế nào, ta đã có những văn bản, quy định cụ thể nào, thưa luật sư?
LS. La Văn Thái: Có thể thấy, hiện nay các công cụ, chế tài vấn đề an ninh mạng, quyền tự do ngôn luận, luật dân sự, hình sự đã quy định rất rõ ràng về các trường hợp phát tán thông tin không đúng sự thật lên mạng xã hội, cũng như xúc phạm danh dự, uy tín hay nhân phẩm người khác.
Theo Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Mặt khác, tại Điều 8 Luật An ninh mạng quy định những hành vi bị nghiêm cấm như: Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; Thông tin sai sự thật; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội.
Ngoài ra, người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, quy định như sau: “Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân...”.
Không chỉ có xử phạt hành chính, nếu người thực hiện hành vi nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại Bộ luật hình sự thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự Tội làm nhục người khác quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự hoặc Tội vu khống quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự.
NĐT: Rõ ràng, luật pháp đã quy định, nhưng tại sao những thông tin “rác” vẫn tràn lan, thậm chí có những cá nhân còn livestream cả tiếng đồng hồ để nói hoặc bôi nhọ người khác bằng những lời tục tĩu, thiếu văn hóa, thưa ông?
LS. La Văn Thái: Tất cả những quy định đã quá minh bạch và rõ ràng, thế nhưng hiện tượng “rác” trên mạng xã hội vẫn đang tràn lan là do tính xử phạt chưa nghiêm minh, chưa đủ sức răn đe.
Ngoài ra, tôi cho rằng, người bị xâm hại trên mạng xã hội hiểu biết còn hạn chế nên chưa biết cách để bảo vệ quyền lợi cá nhân nên càng bị “tấn công” bằng những lời lẽ cũng như hình ảnh xấu.
Do đó, những “anh hùng bàn phím” khi thấy đối phương im lặng thì ngày càng lấn đến, chính bản thân họ cũng không lường trước được hậu họa sau này.
NĐT: Thực tế cho thấy, nhiều người đang lợi dụng mạng xã hội để thành công cụ câu like, câu view, thậm chí là công kích, trả đũa nhau gây ảnh hưởng tới xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ - thế hệ gắn liền với sự phát triển của internet, MXH. Vậy, luật có quy định phát ngôn ảnh hưởng đến những nhóm đối tượng trên sẽ bị xử lý như thế nào không, thưa luật sư?
LS. La Văn Thái: Pháp luật đã quy định rất rõ ràng và cụ thể trách nhiệm rõ mỗi người được tự do ngôn luận, không giới hạn trên mạng xã hội. Tuy nhiên, trước một vấn đề cần phát biểu, đưa ra bàn luận hay lấy ý kiến không được phép xâm phạm đến quyền lợi, danh dự, uy tín nhân phẩm của người khác.
Những vấn đề phát biểu, nói ra hay đưa những hình ảnh không được phép xâm phạm đến quyền lợi, danh dự, uy tín nhân phẩm của người khác,không được gây ra thiệt hại gây xúc phạm họ.
Ví dụ, một người nổi tiếng được đông đảo người dùng mạng xã hội theo dõi khi đưa ra một thông tin không đúng sự thật về người khác, làm đảo lộn dư luận, ảnh hưởng đến người khác thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
NĐT: Theo ông, chúng ta cần làm gì để ngăn chặn “rác” trên mạng xã hội, trách nhiệm thuộc về người dùng hay mạng hay cơ quan quản lý?
LS. La Văn Thái: Tôi nghĩ đây là một vấn đề vô cùng quan trọng. Trong một xã hội văn minh, việc sử dụng công nghệ thông tin sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống thực của mỗi người. Nên từng cá nhân phải có trách nhiệm đến lời nói, hành động của mình.
Bản thân người dùng mạng phải biết nhận diện, có nhận thức, tự mình ý thức rằng đôi khi ta like điều sai trái là đang cổ súy, là gây hại và “đầu độc” cho lớp trẻ.
Một cá nhân, một tập thể khi nhận biết được điều này sẽ tạo ra hiệu ứng tốt và dễ dàng loại bỏ những “con sâu” đang ngày đục khoét văn hóa mạng.
Như vậy sẽ giảm tiêu cực trên mạng xã hội, chỉ còn lan tỏa những điều tốt đẹp. Chúng ta nên nhớ, mạng xã hội chỉ là ảo nhưng chế tài xử phạt thì có “thật”, đừng để những thứ ảo khiến chúng ta vượt qua giá trị đạo đức, pháp luật.
NĐT: Xin cảm ơn luật sư với những trao đổi trên!
Hoàng Bích - Minh Uyên
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/rac-tren-mang-xa-hoi-bai-2-mang-ao-nhung-xu-phat-la-that-a23893.html