Mạng xã hội "made in Vietnam"
Dưới sự bùng nổ của công nghệ số, có thể nhận thấy nhu cầu sử dụng, kết nối internet của người dùng ngày càng tăng cao. Bên cạnh các mạng xã hội thu hút nhiều người dùng như facebook, YouTube, Instagram… thì việc phát triển mạng xã hội mang thương hiệu “made in Vietnam” cũng được giới mê công nghệ trong nước tìm tòi, sáng tạo.
Có thể kể đến hai mạng xã hội ra mắt với những tuyên bố đầy tham vọng trong năm 2019 đó là Gapo và Lotus…
Hai mạng xã hội này đều tỏ rõ sự tự tin về việc sẽ tạo ra sự khác biệt so với các mạng xã hội Việt Nam tiền nhiệm.
Tháng 9/2019, được VCCorp đầu tư 1.200 tỷ đồng vào, mạng xã hội Lotus thực sự tạo nên cơn sốt khi được đầu tư khá bài bản, hợp tác với hàng trăm đơn vị sản xuất nội dung, hàng loạt KOL (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội), ngôi sao, các tờ báo, đài truyền hình.
Nhìn qua nền tảng Lotus, mạng xã hội này đã có sự đầu tư lớn hơn hẳn những người “đàn anh”, thậm chí được kỳ vọng sẽ đánh bại được Facebook hay Google tại Việt Nam.
Thế nhưng, theo ghi nhận trên kho ứng dụng CH Play, mạng xã hội Lotus hiện đạt hơn 1 triệu lượt tải. Bên cạnh đó, khi truy cập vào trang chủ của mạng xã hội Lotus, có thế thấy các bài viết trên Lotus gần như không có sự tương tác, những thông tin nóng hổi được cập nhật trên đó cũng không có lượt like, bình luận nào…
Còn Gapo được giới thiệu là một nền tảng mạng xã hội của Việt Nam với nhiều tính năng, là nơi mà người dùng có thể gặp gỡ, giao lưu, giải trí với nhau trong một môi trường an toàn, văn minh nhưng cũng không kém phần độc đáo sáng tạo.
Gapo cũng đã tiên phong khuấy động lại tham vọng tạo dựng một mạng xã hội riêng cho người Việt, trong đó khoản đầu tư “500 tỷ đồng” từ quỹ G-Capital của công ty mẹ G-Group được coi là “chiêu” tiếp thị thu hút niềm tin của người dùng về khả năng đầu tư dài hạn. Gapo đặt mục tiêu đạt 50 triệu người dùng trong vòng 3 năm kể từ ngày ra mắt (tháng 7/2019).
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vào tháng 4/2022 khi truy cập vào kho ứng dụng CH Play thì mạng xã hội này mới thu hút hơn 1 triệu lượt tải và tổng số người dùng hơn 6 triệu (Thống kê của Gapo). Như vậy, còn thiếu tới 44 triệu người dùng nữa mới đạt mục tiêu ban đầu đề ra cho kế hoạch 3 năm đầu tiên.
Khi truy cập vào ứng dụng Gapo, Thuỳ Linh – người dùng mạng phàn nàn: “Bắt buộc người dùng phải cập nhật mới cho sử dụng tiếp, tôi chưa từng thấy ứng dụng mạng xã hội nào ép người dùng cập nhật như vậy cả”.
Vì đâu nên nỗi?
Để hiểu rõ hơn vì sao mạng xã hội Việt lại khó thu hút được người dùng và bài toán nào cho việc xử lý, tiếp nhận các thông tin trên mạng xã hội, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Group of Companies) cho biết, đó là câu chuyện của sự cạnh tranh.
Theo ông Vinh, chúng ta phải cạnh tranh với hai người “khổng lồ” có những lợi thế vô cùng lớn. Đó là họ có bề dày đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam, trong một thời gian khá lâu. Như Facebook là gần ngót nghét 10 năm.
Thêm nữa, số lượng người dùng trên toàn cầu rất lớn, không chỉ có mặt tại Việt Nam. Tính đến tháng 6/2020, Việt Nam có 69.280.000 người dùng sử dụng mạng xã hội Facebook, chiếm 70,1% toàn bộ dân số.
Tới tháng 6/2021, con số này đã lên tới 75.940.000 người dùng. Trong đó, độ tuổi phổ biến nhất vẫn là từ 25 - 34 (khoảng 32% tổng số users) và sự chênh lệch về giới tính là không đáng kể (49,9% người dùng nam & 50,1% người dùng là nữ giới).
Mặt khác, người dùng có thói quen sử dụng các mạng xã hội quốc tế đã từ lâu, có một cộng đồng rất vững chắc, thói quen của họ đã hình thành suốt 10 năm nay. Những thay đổi về tiện ích, tính năng mới, “người khổng lồ” cũng đầu tư khá quyết liệt vì có năng lực đầu tư rất lớn.
“Cho nên, khả năng thay đổi, bổ sung thêm những tính năng mới, hoàn thiện các sản phẩm họ đi nhanh hơn chúng ta rất nhiều. Tôi cho rằng, các mạng xã hội ở Việt Nam, cho dù thuộc các ông lớn đi chăng nữa thì khả năng và tiềm lực đầu tư vẫn không thể bằng được”, ông Vinh phân tích.
Theo vị chuyên gia truyền thông này, mức độ phổ quát của Facebook quá lớn, nên nếu các mạng xã hội ở Việt Nam đi vào con đường kết nối đại chúng như Facebook hay Twitter thì rất khó cạnh tranh.
Tất nhiên, trong quá trình phát triển mạng xã hội, đâu đó vẫn có những mạng xã hội đặc thù, tức là tập trung vào những tính năng hoặc cộng đồng nhất định thì vẫn có thể thành công, mặc dù không thể thành công lớn như Facebook hay Twitter.
Tuy nhiên, ông Vinh cho rằng ở Việt Nam, các mạng xã hội không đi theo hướng đặc thù hoặc thị trường nhánh, lại “tấn công” vào một thị trường không thoát thì rất khó cạnh tranh.
Ông Vinh nêu ví dụ, nếu so với Facebook thì mạng xã hội ở Trung Quốc cũng phát triển không kém. Thế nhưng, trong nước gần như khóa cửa đối với các mạng xã hội quốc tế và mạng xã hội phương Tây.
Đó là một hình thức bảo hộ giúp cho mạng xã hội trong nước phát triển, ngăn chặn sự cạnh tranh của các mạng xã hội quốc tế.
Nhìn bức tranh này tại Việt Nam, ông Vinh cho rằng, nếu hạn chế, khóa cửa với mạng xã hội thế giới thì Việt Nam không làm được. Lý do bởi thói quen của chúng ta đã hình thành từ lâu và thị trường khá nhỏ bé để mạng xã hội có thể chỉ dựa vào cộng đồng của riêng mình.
“Mình không thể bỏ tiền ra đầu tư và chỉ thu lại lợi nhuận trong một cộng đồng 100 triệu người”, ông Vinh nói thêm.
Để khuyến khích người dùng sử dụng mạng xã hội mang thương hiệu “made in Vietnam”, theo ông Vinh những biện pháp hành chính sẽ không phù hợp nếu như bắt chước Trung Quốc dùng các biện pháp “bế quan” hay ngăn chặn mạng xã hội bên ngoài.
Theo đó, điều quan trọng nhất là chúng ta phải khuyến khích các mạng xã hội ở Việt Nam đi vào thị trường ngách (đi vào thị trường nhánh), phục vụ những mục đích cụ thể và thiết thực của người Việt Nam, không phải là kết nối chung chung đại chúng mà phải phục vụ một nhu cầu đặc biệt của con người.
Không những thế, cũng cần phải có sự hợp tác giữa các mạng xã hội quốc tế và mạng xã hội Việt trong việc quản lý nội dung. Đây không phải là câu chuyện cạnh tranh mà là muốn lành mạnh hóa các nội dung trên mạng xã hội quốc tế, đó là những chính sách cần thiết.
Để tránh những thông tin “rác” hoặc những thông tin xấu độc trên mạng xã hội như là Facebook, Tiktok và nhiều nền tảng mạng xã hội khác, ông Vinh cho rằng phải thúc đẩy truyền thông những thông tin đúng, giáo dục vẫn là một biện pháp tích cực và chủ động.
Vị chuyên gia truyền thông này cũng cho rằng, những hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm lan truyền trên mạng cần có những biện pháp, chế tài xử lý một cách mạnh mẽ, quyết liệt hơn.
Xem thêm>>> [“Rác” trên mạng xã hội] Bài 1: "Rác" thông tin đầu độc người dùng
["Rác" trên mạng xã hội] Bài 2: Mạng ảo, nhưng xử phạt là thật
["Rác" trên mạng xã hội] Bài 3: "Thả nổi" trẻ em trên không gian mạng
["Rác" trên mạng xã hội] Bài 4: Người nổi tiếng - Làm sao để không biến mình thành nạn nhân?
Tạm kết
“Rác” trên mạng xã hội vẫn còn là vấn đề mở và khó kiểm soát. Song, cần sự chung tay ngăn chặn của không chỉ đến từ mặt chính sách quản lý, ý thức người dùng, sức ảnh hưởng của người nổi tiếng và cả những cố gắng của các doanh nghiệp.
Từ đó, để tạo được môi trường mạng trong sạch cho người dùng, nhận thức đúng của tất cả các bên liên quan về vấn nạn này có thể coi là xuất phát điểm. Người Đưa Tin hy vọng, tuyến bài “Rác" trên Mạng xã hội của chúng tôi đã cung cấp được đến độc giả những thông tin cơ bản có ích và đa chiều nhất.
Bộ TT&TT kiên quyết ngăn chặn, xử lý các thông tin xấu độc trên mạng xã hội
Thông tin từ Bộ TT&TT, thời gian qua Bộ đã giao các đơn vị chức năng thuộc Bộ tăng cường theo dõi giám sát, phát hiện, cảnh báo sớm các thông tin xấu, độc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân trên mạng, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội…
Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet (ISP) tăng cường công tác ngăn chặn, xử lý. Kết quả cụ thể: Số lượng các trang web/blog vi phạm trong danh sách xử lý thường xuyên của các nhà mạng là khoảng gần 3.000 trang web.
Trong năm 2021, Bộ TT&TT đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý, ngăn chặn khoảng 2.000 trang web, hình ảnh, bài viết có chứa các thông tin xấu, độc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục trên mạng xã hội, gây tác động xấu tới dư luận xã hội, đặc biệt là giới trẻ.
Ngoài ra, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là xử lý các đối tượng có hành vi sai phạm, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội.
Trong trường hợp xác định được nhân thân của đối tượng cung cấp thông tin vi phạm các quy định hiện hành thì tuỳ theo mức độ, Bộ TT&TT sẽ áp dụng hình thức xử lý kịp thời thông qua việc xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp kỹ thuật, áp dụng theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ.
Mặt khác, trong trường hợp không xác định được nhân thân của tổ chức, cá nhân vi phạm thì Bộ TT&TT gửi yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như Google, Youtube, Facebook, ... thực hiện các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy định tại Thông tư số 38…
Hoàng Bích - Minh Uyên
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/rac-tren-mang-xa-hoi-huong-di-nao-de-mang-xa-hoi-viet-vuot-qua-ga-khong-lo-facebook-a24721.html