Khi tiêm vắc-xin Covid-19 trẻ gặp triệu chứng nào thì cần đến bệnh viện?

Trẻ nhỏ thường khá nhạy cảm nên khi tiêm phòng vắc-xin Covid-19 nhiều phụ huynh lo lắng về phản ứng sau tiêm. Vậy cha mẹ cần chăm sóc trẻ như thế nào?

Trẻ em tiêm loại vắc-xin Covid-19 nào?

Theo phê duyệt của Bộ Y tế, có hai loại vắc-xin phòng Covid-19 dùng để tiêm cho nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12 là vắc-xin Pfizer và vắc-xin Moderna. Trong đó, Pfizer sử dụng cho trẻ từ 5 tuổi, Moderna sử dụng cho trẻ từ 6 tuổi.

Trên thực tế cho thấy, lợi ích mà vắc-xin phòng Covid-19 mang lại cho trẻ lớn hơn rất nhiều so với những rủi ro mà nó mang lại. Tỷ lệ trẻ gặp các phản ứng nguy hiểm sau tiêm cũng rất hiếm. Vậy nên, các bác sĩ khuyên rằng phụ huynh nên cho con em mình tiêm vắc-xin đầy đủ để đảm bảo trẻ được bảo vệ an toàn trong dịch bệnh và hạn chế tình trạng chuyển nặng khi không may nhiễm Covid-19.

Quá trình tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ là vô cùng cần thiết và mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe của trẻ. Nhưng bên cạnh đó cũng không thể tránh được những phản ứng sau khi tiêm. Vậy nên phụ huynh cần lưu ý theo dõi trẻ 24/24 trong những ngày đầu sau tiêm.

Sức khỏe - Khi tiêm vắc-xin Covid-19 trẻ gặp triệu chứng nào thì cần đến bệnh viện?

Triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ảnh minh họa.

Những phản ứng có thể gặp sau tiêm vắc-xin Covid-19 ở trẻ cần lưu ý

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các phản ứng sau tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cũng giống như các phản ứng ghi nhận ở đối tượng từ 12 tuổi trở lên.

PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết thêm, thông qua báo cáo trên thế giới, hầu hết nhóm tuổi 5 đến dưới 12 tuổi sau tiêm vắc-xin Covid-19 đều chỉ gặp các phản ứng thông thường đối với từng loại vắc-xin khác nhau.

Các phản ứng thường gặp sau khi trẻ tiêm vắc-xin Pfizer

Phản ứng rất thường gặp: Đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, buồn nôn, tấy đỏ tại vị trí tiêm, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, kiệt sức, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn đối với liều thứ 2), sưng tại chỗ tiêm (> 80%), kiệt sức (> 50%), đau đầu (> 30%), tấy đỏ và sưng tại vị trí tiêm (> 20%), đau cơ và ớn lạnh (> 10%).

Phản ứng ít gặp: Nổi hạch, các phản ứng quá mẫn (phát ban, ngứa, mề đay, phù mạch), giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ, ngủ li bì, tăng tiết mồ hôi, đổ mồ hôi đêm, đau chi, suy nhược, khó chịu, ngứa tại vị trí tiêm.

Phản ứng rất hiếm gặp: Viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim (ít hơn 1/10.000).

Các phản ứng thường gặp sau khi trẻ tiêm vắc-xin Moderna

Phản ứng rất thường gặp: Sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm, phản ứng muộn tại vị trí tiêm, một số trường hợp sưng hạch bạch huyết khác (ví dụ: ở cổ, ở trên xương đòn), đau đầu, buồn nôn/nôn, đau cơ, đau khớp,đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng tại vị trí tiêm, ban đỏ tại vị trí tiêm.

Cụ thể các phản ứng bất lợi được báo cáo nhiều nhất ở trẻ em từ 6 - dưới 12 tuổi sau liệu trình tiêm cơ bản là đau tại vị trí tiêm (98,4%), mệt mỏi (73,1%), đau đầu (62,1%), đau cơ (35,3%), ớn lạnh (34,6%), buồn nôn/nôn mửa (29,3%), sưng/đau ở nách (27.0%), sốt (25,7%), ban đỏ tại vị trí tiêm (24,0%), sưng tại vị trí tiêm và đau khớp.

Phản ứng hiếm gặp: Viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.

Các chuyên gia y tế cũng đặc biệt lưu ý, sau tiêm, trẻ phải được theo dõi tại điểm tiêm 30 phút, tiếp tục theo dõi 28 ngày sau tiêm, đặc biệt là trong vòng 7 ngày sau tiêm, trong đó 3 ngày đầu sau tiêm luôn có người hỗ trợ và chăm sóc 24/24, tránh để trẻ vận động mạnh.

Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?

Sức khỏe - Khi tiêm vắc-xin Covid-19 trẻ gặp triệu chứng nào thì cần đến bệnh viện? (Hình 2).

Trong thực thế có một vài phản ứng hiếm gặp sau tiêm mà phụ huynh cần phát hiện sớm để đưa trẻ tới cơ sở y tế để được hỗ trợ kịp thời, tránh tình trạng trở nặng, nguy kịch. Ảnh minh họa.

Cũng như khi tiến hành tiêm phòng các vắc-xin khác, việc tiêm vắc-xin Covid-19 cũng có một số phản ứng được ghi nhận như:

Tại chỗ: Sưng đau nơi tiêm, ngứa

Ban ngoài da, phù nề một số cơ quan (môi, mắt...), nổi vân tím

Khó thở, khò khè

Đau ngực, đánh trống ngực, ngất...

Đau đầu, li bì

Đau bụng, nôn, tiêu chảy

Nặng là các dấu hiệu phản ứng nặng như: suy hô hấp, ngất, co giật, các dấu hiệu suy tuần hoàn (vã mồ hôi, nổi vân tím, tay chân ẩm lạnh, tụt huyết áp...).

TS.BS Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, khi có các dấu hiệu bất thường ở trẻ sau tiêm vắc-xin Covid 19 mà phụ huynh nhận ra được thì nên cho trẻ đến kiểm tra ngay tại cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Đảm bảo đầy đủ dưỡng chất cho trẻ

Theo BS. Nam, thông thường, sau khi tiêm được theo dõi ổn định tại cơ sở tiêm chủng trẻ có thể sinh hoạt, học tập như những ngày thường. Tuy nhiên các phụ huynh cũng nên hạn chế cho trẻ hoạt động thể lực nhiều trong vòng 3 ngày sau tiêm và theo dõi sát các dấu hiệu bất thường của trẻ khi sinh hoạt.

Sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 vấn đề đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ cũng cần được lưu tâm. Các bậc phụ huynh nên cho trẻ ăn uống đầy đủ các nhóm chất đạm, protein, nghỉ ngơi, uống nhiều nước, trái cây... tránh hoạt động mạnh quá mức, không tập luyện nặng....

Trúc Chi (t/h theo Sức khỏe & Đời sống, Pháp luật TPHCM)

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/khi-tiem-vac-xin-covid-19-tre-gap-trieu-chung-nao-thi-can-den-benh-vien-a25504.html