Theo "Tư lệnh" ngành y tế, trong một năm qua, chúng ta đã tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 có thể nói là rất thành công, tuy nhiên, gần đây tốc độ tiêm chủng đang chậm lại. Đặc biệt, mũi tiêm thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đang quá chậm.
Các mũi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cũng đang chậm, cả nước mới tiêm được hơn khoảng 1 triệu mũi trong vòng nửa tháng vừa qua.
"Chúng tôi đã liên tục hỏi, trao đổi với các địa phương về vấn đề tiêm chủng và cung ứng vaccine. Tuy nhiên, các địa phương đều cho biết không thiếu vaccine. Vậy khó khăn, vướng mắc khi tốc độ tiêm chủng chậm là do đâu?", Bộ trưởng đặt câu hỏi và đưa ra trăn trở này tới các địa phương trong Hội nghị trực tuyến quán triệt việc "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ của Tổ công tác triển khai Đề án 06, tổ chức ngày 26/4.
Để hoàn thành tiêm mũi 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý II này, Bộ trưởng đề nghị các địa phương đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine theo kết luận của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19.
Các địa phương chuẩn bị tiêm mũi 4 cho một số nhóm đối tượng, đồng thời chuẩn bị tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể.
Tại phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tốc độ tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 cho người lớn còn chậm; việc cung ứng, triển khai tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi chưa đạt mục tiêu đề ra tại phiên họp 13 của Ban Chỉ đạo.
Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh, vaccine vẫn là vũ khí chiến lược, là "lá chắn" quan trọng nhất trong phòng, chống dịch. Thủ tướng yêu cầu ngành y tế và các địa phương đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vaccine cho các đối tượng chỉ định; hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho trẻ em từ 12-17 tuổi trong tháng 4; đẩy nhanh việc cung ứng vaccine, quyết tâm cao nhất để hoàn thành việc tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi trong quý II.
Tiếp tục nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4 cho các đối tượng chỉ định, nhất là các đối tượng rủi ro cao, vì hiệu quả miễn dịch của vaccine suy giảm theo thời gian. Bộ Y tế phải bảo đảm đủ vaccine, các địa phương tổ chức tiêm chủng an toàn, khoa học, hiệu quả; vận động, tuyên truyền người dân và thực hiện các biện pháp khác để thực hiện mục tiêu đề ra.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay, Bộ Y tế đã có hướng dẫn đối với tất cả các cơ sở khám chữa bệnh về việc sử dụng thẻ căn cước công dân thay thế dần thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) khi người dân đi khám, chữa bệnh.
Theo Bộ trưởng, thẻ BHYT hiện nay đã đồng bộ với thẻ căn cước công dân. Cơ quan Bảo hiểm xã hội và Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn chung đối với các địa phương.
Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh triển khai việc này, dần hướng tới tương lai, mỗi người dân chỉ có thẻ căn cước công dân và mã số định danh. Ngành y tế sẽ không đặt ra bất kỳ mã số hay thẻ gì khác.
Hiền Minh
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/vaccine-phong-covid-19-khong-thieu-vay-toc-do-tiem-chung-cham-lai-la-do-dau-a26258.html