1001 cách giảm cân: Coi chừng mất mạng vì hút mỡ

Các bác sĩ cảnh báo, hút mỡ có thể gặp các biến chứng như sốc thuốc, sốc phản vệ, ngộ độc, tắc mạch phổi, suy tim... thậm chí tử vong nếu không được xử lý kịp thời.

1001-cach-giam-can-can-than-mat-mang-vi-hut-mo-dulichgiaitri-doi-song-suc-khoe-1652067872.jpg
Coi chừng mất mạng vì hút mỡ nếu gặp các biến chứng như sốc thuốc, sốc phản vệ, ngộ độc, tắc mạch phổi, suy tim... thậm chí tử vong nếu không được xử lý kịp thời

Hút mỡ là phương pháp lấy bỏ lớp mỡ thừa dưới da (da bụng, lưng, bắp tay, đùi, bắp chân) góp phần làm thon gọn và tạo dáng cho cơ thể. Bên cạnh hiệu quả có thể thấy rõ ngay sau đó, kỹ thuật này còn được thực hiện nhanh, hậu phẫu cũng nhanh hồi phục, ít thời gian nghỉ dưỡng nên được nhiều bệnh nhân và cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ ưa chuộng. Đặc biệt là các cơ sở không phép rất thích đẩy mạnh lĩnh vực này. Thế nhưng, theo các bác sĩ phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ, hút mỡ lại không dễ dàng như những lời quảng cáo "có cánh" trên mạng xã hội.

TS.BS Phạm Thị Việt Dung, Trưởng bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Đại học Y Hà Nội, hiện phụ trách khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết không có chuyện hút mỡ không đau và trong quá trình thực hiện phẫu thuật này bệnh nhân bắt buộc phải tiêm thuốc tê và gây mê nên nếu đâu đó quảng cáo "hút mỡ bụng không đau" là không đúng.

Theo bác sĩ Dung, với một ca phẫu thuật hút mỡ, khách hàng thường được chỉ định gây mê, còn gây tê chỉ áp dụng với vùng hút khối lượng mỡ nhỏ. Do đó phương pháp này chống chỉ định với các bệnh nhân có chống chỉ định của gây mê như bệnh lý toàn thân nặng, dị ứng với các thuốc trong quá trình gây tê, mê. Người có bệnh lý về hô hấp, tim mạch hoặc rối loạn chức năng gan cũng cần tránh chỉ định phẫu thuật này. Ngoài ra, rối loạn đông máu dẫn tới nguy cơ tắc mạch hay chảy máu cũng không thể chỉ định hút mỡ. Phụ nữ đang mang thai cũng được khuyến cáo không nên thực hiện các phẫu thuật thẩm mỹ nói chung và phẫu thuật hút mỡ nói riêng.

1001-cach-giam-can-can-than-mat-mang-vi-hut-mo-dulichgiaitri-doi-song-suc-khoe-1-1652067872.jpg
Hút mỡ bên cạnh những hiệu quả đem lại thì cũng là kỹ thuật tiềm tàng nhiều nguy cơ, rủi ro và biến chứng. Ảnh minh họa

 

"Quy trình với phẫu thuật hút mỡ đó là bệnh nhân phải được xét nghiệm đầy đủ xem cơ thể có đủ sức khỏe để thực hiện cuộc phẫu thuật này hay không. Dưới gây mê nội khí quản bệnh nhân sẽ được đưa một ống hút vào lớp mỡ dưới da và với tác động của nhiệt hay cơ học sẽ đánh tanh khối mỡ sau đó hạt mỡ được hút ra ngoài nhờ ống hút chân không. Với một quy trình như vậy không thể coi đây là phẫu thuật đơn giản", bác sĩ Dung chia sẻ với Người Lao Động.

Cũng theo TS.BS Dung, trước khi thực hiện hút mỡ, đầu tiên khách hàng phải tìm hiểu và có những kiến thức nhất định về kỹ thuật này. Khách hàng phải hiểu đây là phẫu thuật, cần được thực hiện ở bệnh viện, có chuyên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và kỹ thuật hút mỡ đã được cấp phép thực hiện tại các cơ sở này. Hút mỡ tuyệt đối không được thực hiện tại các phòng khám hay ở các thẩm mỹ viện, spa.

Khách hàng cần chuẩn bị về sức khỏe thật tốt. Sau đó, bác sĩ sẽ khám để xác định vùng cần hút mỡ và khám sàng lọc các bệnh lý đang mắc phải. Bên cạnh đó để chuẩn bị cho ca mổ khách hàng cần được làm các xét nghiệm cần thiết.

Đồng quan điểm, Thạc sĩ, bác sĩ Cao Ngọc Duy, Phó Trưởng Khoa Hàm Mặt Thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội, cho biết hút mỡ, đặc biệt là hút mỡ bụng không phải tiểu phẫu mà được xếp vào nhóm phẫu thuật lớn.

Thông thường, hút mỡ phải được thực hiện ở bệnh viện có phòng mổ đạt chuẩn, có bác sĩ gây mê theo dõi và hỗ trợ, kiểm soát. Khách hàng trước khi hút mỡ phải được kiểm tra sức khỏe tổng thể, xét nghiệm đầy đủ. Trong quá trình kiểm tra sức khỏe tổng thể, các xét nghiệm tổng quát có những yếu tố bất thường thì cũng phải loại trừ hoặc dừng hẳn phẫu thuật như bệnh cao huyết áp, tim mạch, máu khó đông. Tuyệt đối không được thực hiện ở cơ sở thẩm mỹ viện.

Đáng tiếc, ở Việt Nam và thế giới đã ghi nhận không ít trường hợp hút mỡ và tử vong, phần lớn các trường hợp này được thực hiện tại các cơ sở thẩm mỹ không phép.

Bác sĩ Cao Ngọc Duy cho biết, các biến chứng thường gặp nhất là sốc thuốc, sốc phản vệ, ngộ độc thuốc tê. Nguyên nhân do mỗi người có ngưỡng chịu đựng thuốc khác nhau. Tuy nhiên, nhiều cơ sở không có kinh nghiệm, không biết sử dụng thuốc đúng liều để ước lượng thuốc phù hợp dẫn đến tai nạn. Hơn 90% bệnh nhân sẽ tử vong nếu xử lý không kịp thời.

Ngoài ra, khách hàng còn đối mặt với nguy cơ biến chứng sau hút mỡ do bị huyết tắc mỡ hay mạch máu bị tắc bởi mỡ. Nguyên nhân là quy trình hút mỡ thường diễn ra trong 1 tiếng đến 1,5 tiếng nhưng lại bị kéo dài lên đến 3 hoặc 4 tiếng tại các cơ sở spa, thẩm mỹ thiếu kinh nghiệm. Khi đó, mạch máu tổn thương, các vi mạch giãn ra, các tế bào mỡ khi bị hút ngược vào lòng mạch, đi khắp cơ thể, nếu lên não gây đột quỵ, vào tim gây trụy tim, vào phổi gây phù và tử vong.

Đặc biệt, ở vùng bụng có nhiều mạch máu lớn hơn và diện tích lớn hơn so với vùng bắp tay, bắp chân nên lượng thuốc đưa vào nhiều, khả năng tổn thương cũng cao hơn. Hút mỡ không đảm bảo quy chuẩn còn dẫn đến viêm nhiễm, nhiễm trùng, nguy hiểm cho sức khỏe.

TS.BS Phạm Thị Việt Dung lưu ý thêm, biến chứng chảy máu có thể xảy ra sau mọi loại phẫu thuật và cả hút mỡ khi sử dụng đầu hút sắc, lực phá hủy mô mỡ mạnh tác động làm đứt mạch máu. Tụ máu, tụ dịch sau hút mỡ là biến chứng hay gặp nhất sau hút mỡ, lượng dịch huyết thanh và máu ứ đọng trong khoang mỡ có thể gây kích ứng viêm, khi tồn đọng lâu gây nhiễm trùng. Mức độ ít của tụ máu tụ dịch chỉ gây bầm tím sưng nề thì sẽ tự hồi phục sau một thời gian.

Nhiễm trùng vùng hút mỡ có thể xảy ra khi phẫu trường không vô khuẩn, chăm sóc sau mổ không tốt. Nếu điều trị nhiễm khuẩn không tốt có thể để lại các ổ áp-xe hoặc tiến triển thành nhiễm khuẩn huyết. Hoại tử da cũng có thể xảy ra khi hút mỡ không đúng cách gây tổn thương nhiều hệ thống mạch máu nuôi da.

Theo TS.BS Dung, các biến chứng này thường được phát hiện từ ngày thứ 2 đến một vài tuần sau phẫu thuật. Bệnh nhân cần sớm đến cơ sở y tế để điều trị, khắc phục biến chứng.

Ngoài ra, những người có ý định hút mỡ giảm béo cần biết đó là trong một lần hút mỡ, chỉ nên lấy ra ở mức 8 - 10% trọng lượng cơ thể. Mỗi lần chỉ nên làm một vùng cơ thể chứ không nên vừa hút mỡ bụng, vừa hút mỡ đùi, bắp tay… hoặc "hút một lần cho xong". “Vì khi hút một khối lượng quá lớn trên cùng một lần, nguy cơ, biến chứng không phải tăng theo cấp số cộng mà là cấp số nhân”, TS.BS Dung nói.

TS.BS Dung khuyến cáo, nếu có nhu cầu người dân nên đến các bệnh viện có khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và có khoa gây mê hồi sức. Sự phối hợp giữa bác sĩ phẫu thuật và ê-kíp gây mê hồi sức được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, được sở, bộ y tế cấp phép sẽ giúp giảm tỷ lệ biến chứng xảy ra.

TS.BS Dung cũng nhấn mạnh, sau khi hút mỡ có thể bị tăng lại kích thước vòng bụng trong thời gian ngắn. “Hút mỡ để loại bỏ mỡ thừa chứ không thể ngăn chặn việc tích mỡ tiếp sau đó. Vì vậy sau hút mỡ, để tránh tái phát mỡ bụng, giữ được vóc dáng, bạn cần mặc gen định hình bụng trong 1 đến 3 tháng, luôn duy trì chế độ ăn uống hợp lý và chế độ hoạt động, tập luyện các bài tập thể dục thích hợp… Việc này vừa để tăng cường sức khỏe, vừa để làm săn chắc cơ, da, hạn chế việc phát triển mỡ trở lại và duy trì bụng thon gọn, vóc dáng cân đối”, nữ bác sĩ cho biết.

Minh Hoa (t/h theo Người Lao Động, VietNamNet, VnExpress)

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/1001-cach-giam-can-coi-chung-mat-mang-vi-hut-mo-a27930.html