LTS: Chốt phiên giao dịch 9/5, cổ phiếu THD của CTCP Thaiholdings hiện giao dịch ở mức giá 98.500 đồng/CP, là cổ phiếu có giá trị vốn hoá cao nhất sàn HNX, với 34.475 tỷ đồng, vượt xa những vị trí xếp sau như NVB (21.214 tỷ đồng), IDC (14.310 tỷ đồng), BAB (14.234 tỷ đồng)...
Kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán, THD từng đạt mức giá đỉnh lịch sử, chạm ngưỡng 277.000 đồng/CP trong phiên 31/12/2021, với vốn hoá suýt soát 100.000 tỷ đồng, là một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất trên sàn chứng khoán tính theo tiêu chí này.
Thaiholdings có gì đáng giá? Doanh nhân gốc Ninh Bình Nguyễn Đức Thuỵ tính toán gì khi lần lượt đưa Thaiholdings, rồi sắp tới là Thaigroup lên sàn chứng khoán? Chi tiết sẽ được Người Đưa Tin đề cập trong loạt bài viết với tựa đề: Chân dung Thaiholdings.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán, CTCP Thaiholdings (HNX: THD) trong năm 2021 đạt doanh thu 8.479,6 tỷ đồng, tăng gấp 4,6 lần so với năm 2020, lãi sau thuế tăng 17% lên 1.156,5 tỷ đồng.
Do trong năm, Thaiholdings tăng mạnh vốn từ 539 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) giảm mạnh từ 15.268 đồng năm 2021 về 2.831 đồng năm 2022.
Bóc tách cơ cấu kinh doanh, mặc dù doanh thu tăng mạnh nhờ hợp nhất Thaigroup, song do đặc thù thương mại, mua bán hàng hoá, biên lợi nhuận gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ của Thaiholdings khá mỏng, chỉ ở mức 490 tỷ đồng (5,8%), còn thấp hơn năm 2020 (9,1%); và không đủ bù đắp các loại chi phí, gồm chi phí lãi vay (365 tỷ đồng), chi phí quản lý doanh nghiệp (291 tỷ đồng).
Để duy trì lợi nhuận dương trên báo cáo tài chính năm 2021, Thaiholdings tiếp tục sử dụng các nghiệp vụ chuyển nhượng tài sản. Cụ thể, Thaiholdings đã hoàn tất bán dự án nhà máy xi măng Minh Tâm (Bình Phước) cho CTCP Xi măng Xuân Thành Bình Phước với giá trị chuyển nhượng 680 tỷ đồng, thu về lợi nhuận 571,4 tỷ đồng. Trong năm 2020, Thaiholdings cũng đã bán dự án Nhà máy xi măng Thạnh Mỹ với giá 1.194,4 tỷ đồng và thu về lợi nhuận 1.124,4 tỷ đồng.
Ngày 4/8/2021, Thaiholdings đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sạn tại dự án Apatit Lào Cai với giá 185 tỷ đồng cho Công ty TNHH Anh Nhẫn Lào Cai. Tuy nhiên, tới ngày 31/12/2021, thương vụ vẫn chưa hoàn tất.
Khác với các năm trước, năm 2021, Thaiholdings, thông qua công ty con Thaigroup đã tích cực sử dụng nghiệp vụ M&A để có thêm lợi nhuận.
Cụ thể, ngày 2/2/2021, Thaigroup mua lại 97,81% vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thành Long với giá gốc 276,4 tỷ đồng. Ngày 25/10/2021, Thaigroup chuyển nhượng phần vốn này và ghi nhận khoản lãi 27 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, Thaigroup đã mua phần vốn trong Công ty Thành Long (có trụ sở tại Tp.Ninh Bình) từ bà Đinh Thị Hoa (trú tại Kim Sơn, Ninh Bình) rồi bán lại cho ông Trịnh Văn Miên (trú tại Gia Lập, Ninh Bình). Điều thú vị là sau 3 lần chuyển giao, Công ty Thành Long vẫn không thay đổi Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật duy nhất, là ông Phi Tiến Long (trú tại Tp.Ninh Bình).
Trong năm, Thaigroup cũng đã mua 38,8 triệu cổ phần, tương đương 19,5% cổ phần CTCP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi, sau đó chuyển nhượng với giá bán 508 tỷ đồng, lãi 120,2 tỷ đồng, tương đương định giá cho mỗi cổ phần Cường Thịnh Thi là 13.000 đồng. Giai đoạn 2016-2019, dữ liệu của Người Đưa Tin thể hiện dù doanh thu duy trì trên ngưỡng nghìn tỷ, song lợi nhuận thuần của công ty mẹ Cường Thịnh Thi chỉ vỏn vẹn từ 1,9 - 7,9 tỷ đồng, có phần thiếu tương xứng với quy mô vốn điều lệ gần 2.000 tỷ đồng tính tới cuối năm 2019.
Ở thương vụ đáng chú ý hơn cả, ngày 22/4/2021, Thaigroup mua 4 triệu cổ phần, tương đương 80% vốn điều lệ của CTCP Bình Minh Group với tổng giá mua 40 tỷ đồng. Ngày 18/11/2021, Thaigroup đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần và ghi nhận lãi 806,7 tỷ đồng, tương đương tỉ lệ lãi lên tới hơn 2.000% hay nói cách khác là "1 vốn 20 lời" chỉ trong ít tháng - tỉ lệ lợi nhuận có thể gây sốc cho nhiều nhà phân tích tài chính.
Nhóm Thaigroup mua lại CTCP Bình Minh Group đầu năm 2018 từ nhóm Delta Group của doanh nhân Trần Nhật Thành. Mặc dù đã đổi chủ từ cuối năm ngoái, song Tổng giám đốc của Bình Minh Group từ đầu năm 2018 tới nay vẫn là ông Trịnh Văn Thiệm - hiện là Phó TGĐ Thaiholdings.
Những thương vụ mua bán doanh nghiệp, dự án mang tới khoản lợi nhuận lớn cho Thaiholdings trong năm qua, tổng cộng lên tới 1.525,3 tỷ đồng, là nhân tố quan trọng nhất giúp tập đoàn này ghi nhận lợi nhuận thực dương trong năm qua.
Tuy nhiên, phần nhiều trong số các giao dịch trên mang tính nội bộ, mua bán trong cùng nhóm. Đặc biệt, 80% CTCP Bình Minh Group được Thaiholdings nhận chuyển nhượng từ các cổ đông cùng nhóm, rồi chuyển nhượng lại cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh, ghi nhận khoản lợi nhuận gấp 20 lần chỉ trong ít tháng, khó có thể xem như một thương vụ bình thường.
Không chỉ có Bình Minh Group, mối quan hệ của Tân Hoàng Minh Group và nhóm Thaiholdings còn khá chặt chẽ với nhiều thương vụ khác.
Tại Hà Tĩnh, 2 tập đoàn này đang hợp tác triển khai dự án D'. Metropole Hà Tĩnh. Tháng 9/2019, một thành viên của Thaiholdings là CTCP Du lịch Kim Liên - chủ đầu tư khu phức hợp Kim Liên công bố đã ký kết hợp đồng với Tân Hoàng Minh để triển khai siêu dự án này.
Tương tự Thaiholdings, một thành viên của Tân Hoàng Minh là CTCP Tổng Bách Hóa (UpCOM: TBH) trong năm ngoái đã sử dụng nghiệp vụ M&A để ghi nhận trong báo cáo tài chính khoản lợi nhuận khổng lồ, thu về khoản lãi 750 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng.
Cụ thể, vào ngày 15/7/2021, doanh nghiệp này đã chi ra 712,2 tỷ đồng mua cổ phần trong CTCP Đầu tư Bất động sản Ngọc Viễn Đông và CTCP Cung điện Mùa Đông - đều là các pháp nhân cùng nhóm Tân Hoàng Minh. Ngay sau đó, TBH nhận được 257,5 tỷ đồng cổ tức của Cung Điện Mùa Đông, và tới ngày 28/10/2021 thoái hết 2 khoản đầu tư trên, thu về 1.207 tỷ đồng. TBH theo đó thu về khoản lãi ròng 495 tỷ đồng, cộng cả 257,5 tỷ đồng cổ tức nhận được, thì tổng lợi ích thu về lên tới 752,5 tỷ đồng, còn lớn hơn cả giá vốn, chỉ sau 3 tháng "lướt sóng".
Tính minh bạch trong các thương vụ mang tính nội bộ của Thaiholdings có chăng là vấn đề cần được minh định rõ không chỉ với cổ đông, công luận mà còn với các cơ quan quản lý Nhà nước. Lưu ý rằng, các nghiệp vụ bán tài sản/ M&A trong các năm qua của Thaiholdings đều được thực hiện qua công ty con Thaigroup.
Khoản lãi nghìn tỷ sẽ giúp báo cáo tài chính của cả tập đoàn mẹ lẫn Thaigroup trở nên "đẹp" hơn, đặc biệt trong bối cảnh Thaiholdings có kế hoạch IPO và tăng vốn điều lệ cho Thaigroup ngay trong Quý II năm nay. Năm 2022, Thaigroup đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế lên tới 1.252 tỷ đồng, vượt xa công ty mẹ Thaiholdings (348,5 tỷ đồng).
Báo cáo tài chính năm 2021 của Thaiholdings được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán - Tư vấn Đất Việt, hoàn tất vào ngày 8/3/2022. 3 tuần sau, ngày 30/3/2022, Công ty Đất Việt đã bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đình chỉ tư cách được kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng.
Công ty TNHH Kiểm toán - Tư vấn Đất Việt là đơn vị thực hiện công tác lập báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 cho một số doanh nghiệp trên sàn chứng khoán như CTCP Tập đoàn FLC, CTCP Xây dựng FLC Faros, CTCP Louis Holdings, CTCP Chứng khoán APG, CTCP Chứng khoán Tiên Phong, CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền, CTCP Bất động sản Sài Gòn Vina, CTCP Ntaco...
Hoa Liên
Đón đọc >>> [Chân dung Thaiholdings] Bài 2: Băn khoăn chất lượng tài sản Thaiholdings
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/chan-dung-thaiholdings-bai-1-dang-sau-thuong-vu-1-von-20-loi-cua-thaiholdings-a28090.html