Cần quy định Lịch sử là môn học bắt buộc ở cấp trung học phổ thông với kiến thức phù hợp

Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội vừa có báo cáo chuyên đề gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với môn Lịch sử cấp trung học phổ thông.

can-quy-dinh-lich-su-la-mon-hoc-bat-buoc-o-cap-trung-hoc-pho-thong-voi-kien-thuc-phu-hop1-dulichgiaitri-giao-duc-1653642421.jpg
Cần quy định Lịch sử cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc với khối lượng kiến thức phù hợp (Ảnh minh họa)

3 khả năng khi Lịch sử là môn học lựa chọn ở cấp trung học phổ thông

Theo báo cáo của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều ý kiến cử tri, nhân dân và dư luận băn khoăn đối với quy định môn học Lịch sử cấp trung học phổ thông là môn học lựa chọn, không phải là môn học bắt buộc và cho rằng quy định này sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu giáo dục lòng yêu nước, truyền thống lịch sử dân tộc cho học sinh. 

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến cử tri trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Văn hóa - Giáo dục tiếp tục giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó có nội dung liên quan đến môn học Lịch sử ở cấp trung học phổ thông, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà giáo; dự phiên họp của Văn phòng Chính phủ về môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được phân chia 2 giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm (từ lớp 1 đến lớp 9); giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm (từ lớp 10 đến lớp 12) thể hiện sự công phu, khoa học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. 

Đến nay Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai đối với lớp 1 (năm học 2020 - 2021), đối với lớp 2, 6 (năm học 2021-2022) và tiếp tục triển khai đối với lớp 3, 7 và lớp 10 (năm học 2022-2023).

Về chương trình môn Lịch sử cấp trung học phổ thông, theo Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, chương trình môn học Lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản(cấp tiểu học và trung học cơ sở) và là môn lựa chọn trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp(trung học phổ thông), được thiết kế theo hướng chuyên sâu. 

 Khi môn Lịch sử cấp trung học phổ thông là môn học lựa chọn sẽ có 3 khả năng xảy ra. 

Thứ nhất, lựa chọn môn Lịch sử là một trong 5 môn học lựa chọn, học sinh sẽ học tổng thời lượng 210 tiết/3 năm học (tăng70 tiết so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006). 

Thứ hai, lựa chọn môn Lịch sử là một trong 5 môn học lựa chọn đồng thời lựa chọn chuyên đề học tập là môn Lịch sử, học sinh sẽ học tổng thời lượng 315 tiết/3 năm học (tăng 175 tiết so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006). 

Thứ ba, không lựa chọn môn Lịch sử thì không học thêm tiết nào; kiến thức phổ thông dừng lại ở kiến thức chương trình tiểu học, trung học cơ sở và tích hợp ở một số môn học khác và thời lượng học ít hơn Chương trình giáo dục phổ thông 2006 là 140 tiết.

Cũng như ở giai đoạn giáo dục cơ bản, ở cấp trung học phổ thông, nội dung giáo dục lịch sử cũng được đưa vào Nội dung giáo dục của địa phương, trong đó có những chủ đề về lịch sử địa phương chiếm thời lượng khoảng 10 tiết/năm học cho mỗi lớp. Cùng với đó, môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp trung học phổ thông là môn học bắt buộc với thời lượng 35 tiết/năm học, trong đó giáo dục cho học sinh về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Đổi mới phương pháp dạy học và cách thức thi để truyền cảm hứng cho học sinh 

can-quy-dinh-lich-su-la-mon-hoc-bat-buoc-o-cap-trung-hoc-pho-thong-voi-kien-thuc-phu-hop2-dulichgiaitri-giao-duc-1653642449.jpg
Các em học sinh ở Hà Nội tìm hiểu kiến thức lịch sử của dân tộc tại di tích Nhà tù Hỏa Lò

Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cho rằng, so với chương trình môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2006 thì chương trình môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm mới, được xây dựng theo hướng tinh giản, giảm những kiến thức mang tính hàn lâm, chú trọng đến việc hình thành năng lực và phẩm chất cho học sinh; chú trọng đổi mới về phương pháp và hình thức dạy học, kiểm tra, đánh giá; khuyến khích tự học, học tập chủ động, sáng tạo của học sinh. 

Nội dung chương trình môn Lịch sử ở cấp tiểu học được thiết kế theo phạm vi mở rộng dần về không gian địa lý và không gian xã hội; từ địa lý lịch sử của địa phương, vùng miền, đất nước Việt Nam đến địa lý, lịch sử của các nước láng giềng, khu vực và thế giới, giúp học sinh làm quen với một số nội dung cơ bản của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới. 

Ở cấp trung học cơ sở, chương trình môn Lịch sử trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. Các kiến thức này giúp cho học sinh hiểu biết cơ bản, phù hợp với tâm sinh lý, trình độ nhận thức của học sinh.

Chương trình môn lịch sử ở bậc trung học phổ thông (từ lớp 10-12) được thiết kế theo hệ thống các chủ đề, chuyên đề học tập, giúp học sinh hình thành, phát triển tư duy lịch sử, tư duy hệ thống, tư duy phản biện, kỹ năng khai thác và sử dụng các nguồn sử liệu, nhận thức, trình bày lịch sử trong logic lịch đại và đồng đại, kết nối quá khứ với hiện tại. Những kiến thức và năng lực đánh giá, giải thích, xác định bài học, tìm ra các quy luật của sự kiện lịch sử này rất cần được trang bị cho học sinh thông qua môn Lịch sử bắt buộc ở Chương trình trung học phổ thông.

Kết quả tổng hợp kiến nghị của cử tri, nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo cho thấy, đa số các ý kiến không đồng tình đối với việc đưa môn Lịch sử cấp trung học phổ thông thành môn lựa chọn. 

Theo Báo cáo, các lý do chính được đưa ra là bởi Lịch sử là môn học đặc biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử; bồi dưỡng năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội; từ đó hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại.

Bên cạnh đó, xét về tâm sinh lý lứa tuổi, học sinh trung học phổ thông (từ 15 - 17 tuổi) có sự trưởng thành về nhận thức, khả năng tiếp nhận tốt hơn về lịch sử đất nước và lịch sử cách mạng Việt Nam. Đây cũng là lứa tuổi quyết định sự hình thành thế giới quan, hệ thống quan điểm về tự nhiên, về xã hội, về các nguyên tắc và quy tắc ứng xử, định hướng giá trị của con người.

Xét về khoa học giáo dục, việc bồi dưỡng kiến thức lịch sử cho học sinh trung học phổ thông là cần thiết nhằm phát triển con người toàn diện, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của con người Việt Nam. Tuy nhiên, nếu học sinh không lựa chọn môn lịch sử ở cấp trung học phổ thông (thực tiễn cho thấy, số lượng này có thể lên tới 50% học sinh), các em sẽ không được tiếp cận với những kiến thức rất quan trọng, có ý nghĩa giáo dục đối với lứa tuổi này. 

Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới, môn Lịch sử trong Chương trình trung học phổ thông luôn là môn học bắt buộc.

Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cho rằng, môn Lịch sử cần được xác định vị trí đặc biệt quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông theo đúng tinh thần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đúng tinh thần Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội, đồng thời bảo đảm mục tiêu “chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống văn hóa, lịch sử,…”, hình thành nhân cách, lòng yêu nước và sự hiểu biết, nhận thức về truyền thống dân tộc của học sinh và cho thế hệ trẻ.

Vì vậy, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến các tầng lớp nhân dân, chuyên gia lịch sử, các đại biểu Quốc hội quy định môn học Lịch sử cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc với khối lượng kiến thức phù hợp; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và cách thức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục đối với môn học Lịch sử, truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn Lịch sử. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường công tác tuyên truyền về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung, chương trình môn Lịch sử nói riêng để tăng thêm sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội trong việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

ĐỨC HẠNH

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/can-quy-dinh-lich-su-la-mon-hoc-bat-buoc-o-cap-trung-hoc-pho-thong-voi-kien-thuc-phu-hop-a30753.html