Khó khăn bủa vây, ngày càng nhiều tài xế công nghệ bỏ việc

Thu nhập không ổn định, chi phí nhiên liệu tăng cao khiến nhiều tài xế công nghệ mất động lực ra đường, không ít người đã tính đến chuyện bỏ việc, tìm nghề khác.

ngay-cang-nhieu-tai-xe-cong-nghe-bo-viec-vi-kho-khan-bua-vay-dulichgiaitri-bia-1654674341.jpg
 

Tài xế công nghệ thiếu động lực

Trào lưu "nằm yên, kệ đời" đang được giới trẻ Trung Quốc hào hứng ủng hộ. Ngày càng nhiều người trẻ muốn rời bỏ thị trường lao động, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Một phần nguyên nhân là văn hóa làm việc khắc nghiệt, vắt kiệt sức khỏe tinh thần và thể xác của người lao động.

Theo Caixin, đằng sau sự tăng trưởng ấn tượng của các công ty như Meituan, Ele.me (thuộc sở hữu của Alibaba), nền tảng thương mại điện tử Taobao, JD.com, hãng gọi xe Didi Chuxing Technology là hàng triệu tài xế và nhân viên giao hàng, đồ ăn. Họ phải làm việc suốt nhiều giờ, bị chấm điểm gắt gao trong bối cảnh thị trường khốc liệt.

Hơn 95% nhân viên giao hàng tại Trung Quốc phải làm việc hơn 8 tiếng/ngày, 28% người làm đến 12 tiếng/ngày, theo báo cáo của Beijing Yilian Legal Aid and Research Centre of Labor. Hơn 44% tài xế giao hơn 800 đơn đặt hàng/tháng.

Ngoài thu nhập không ổn định, các nhân viên giao hàng tại Trung Quốc phải đối mặt với nhiều rủi ro như tai nạn giao thông, thời tiết xấu, khó đến các địa điểm giao hàng, lịch trình dày đặc.

"Trong những giờ cao điểm, chúng tôi lái xe bằng một tay, tay còn lại bấm điện thoại nhận các đơn hàng đến", người từng làm nhân viên giao đồ ăn, giờ đã nghỉ việc kể lại.  "Các cuộc gọi cứ thế nối đuôi nhau. Điều đó khiến tôi cảm thấy mình đang bán mạng để giao hàng", người này nói.

Didi, hãng gọi xe hàng đầu Trung Quốc, đã bị cáo buộc tính phí hoa hồng quá cao và vắt kiệt sức lao động của tài xế bởi làm việc ngoài giờ.

Hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 và các yêu cầu giãn cách xã hội đã thúc đẩy xu hướng chia sẻ xe và mua hàng trực tuyến. Tuy nhiên, nghịch lý là khi nhu cầu ngày càng gia tăng, những tài xế từ Jakarta đến Thượng Hải đều thừa nhận rằng họ phải làm việc nhiều hơn để kiếm số tiền tương tự, thậm chí ít hơn.

ngay-cang-nhieu-tai-xe-cong-nghe-bo-viec-vi-kho-khan-bua-vay-dulichgiaitri-1-1654674274.jpg
Ngoài thu nhập không ổn định, các nhân viên giao hàng tại Trung Quốc phải đối mặt với nhiều rủi ro trong quá trình làm việc. Ảnh: Reuters.

Hơn 2 năm qua, dư luận thế giới phải chứng kiến không ít bi kịch của các tài xế công nghệ vì văn hóa làm việc khắc nghiệt.

Cái chết hồi tháng 12/2020 của một tài xế họ Han ở Bắc Kinh đã tạo làn sóng phản ứng dữ dội sau khi công ty Ele.me đề nghị bồi thường chỉ 2.000 NDT (308 USD). Hãng giao hàng Ele.me được chống lưng bởi gã khổng lồ Alibaba của tỷ phú Jack Ma.

Tháng 1/2021, một đoạn video được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội trong đó một tài xế Ele.me đã tự thiêu và được người qua đường ở tỉnh Giang Tô cứu kịp thời. Người này tên Liu Jin, khoảng 40 tuổi, là lao động nhập cư từ vùng nông thôn tỉnh Vân Nam.

Hàn Quốc cũng ghi nhận các trường hợp tài xế giao hàng, đồ ăn tử vong vì làm việc quá sức trong thời kỳ dịch bệnh.

“Cú đấm bồi” khi chi phí nhiên liệu tăng cao

Trong vòng hơn 2 năm qua, các tài xế công nghệ trên toàn cầu liên tục than vãn vì không được hưởng những quyền lợi như an sinh xã hội, bảo hiểm y tế, lương ngoài giờ, trong khi phí hoa hồng ngày càng tăng cao.

Giờ đây, họ còn phải đối mặt với một vấn đề khác. Đó là chi phí nhiên liệu tăng cao bởi tác động từ xung đột Nga - Ukraine và những lệnh trừng phạt nhắm vào Moscow.

Theo cuộc khảo sát của The Rideshare Guy, gần 50% tài xế công nghệ Mỹ, bao gồm tài xế của những hãng gọi xe như Uber, Lyft và nhân viên giao hàng của các ứng dụng giao đồ ăn Grubhub, DoorDash, Uber Eats đã bỏ việc hoặc làm việc ít đi vì giá xăng tăng cao.

Giá xăng tại Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục, đóng góp phần lớn vào đà tăng lạm phát nói chung. Giá dầu thế giới cũng tăng cao sau khi Nga triển khai chiến dịch đặc biệt ở Ukraine.

Để hỗ trợ tài xế, Uber và Lyft đã áp dụng mức phụ phí nhiên liệu tạm thời. Tuy nhiên, một số tài xế cho rằng điều này là không đủ để bù đắp chi phí nhiên liệu tăng kỷ lục.

Tại Trung Quốc, theo CNN, việc chính quyền Bắc Kinh chấn chỉnh ngành công nghiệp công nghệ của đất nước đã khiến lĩnh vực này đối mặt với làn sóng mất việc làm nghiêm trọng.

Ngành công nghiệp này từng đóng góp lớn vào thị trường việc làm của đất nước tỷ dân. Nhưng giờ, một số công ty lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, chẳng hạn Alibaba, Tencent và Pinduoduo, đã báo cáo mức tăng trưởng doanh thu thấp kỷ lục. Giá cổ phiếu của những doanh nghiệp này cũng lao dốc 50% kể từ khi Trung Quốc bắt đầu trấn áp ngành này.

Dựa theo các cuộc khảo sát việc làm, số việc làm đã giảm đáng kể trên toàn bộ nền kinh tế 1,4 tỷ dân, nhưng ngành công nghiệp công nghệ chứng kiến mức giảm lớn nhất.

Việt Nam không phải ngoại lệ

Giá xăng liên tục lập đỉnh khiến nhiều người làm nghề xe ôm công nghệ, shipper lắc đầu ngao ngán, không ít người tính đến chuyện bỏ việc và tìm nghề khác để có nguồn thu nhập ổn định. Và thực trạng này cũng diễn ra tại Việt Nam.

Chia sẻ với Zing, một số tài xế công nghệ cho biết, việc thời tiết Hà Nội thường xuyên chuyển biến xấu kèm giá xăng tăng cao khiến họ mất động lực ra đường, từ đó suy giảm năng suất. Bên cạnh đó, yếu tố tiêu cực của thị trường còn thay đổi thói quen hoạt động của cánh tài xế.

Theo kỳ điều chỉnh từ ngày 1/6, giá xăng E5 Ron 92 đã tăng thêm 600 đồng/lít lên 30.230 đồng/lít, xăng Ron 95 tăng 920 đồng/lít lên 31.570 đồng/lít. Đây là đợt tăng thứ 5 liên tiếp và đợt tăng thứ 11 của loại nhiên liệu này trong 6 tháng đầu năm 2022, đẩy giá xăng lên mức cao lịch sử.

Trước tình hình này, để tối ưu lợi nhuận, các tài xế thường tập trung ở những khu vực đông dân cư, trung tâm thương mại nhằm nhận được nhiều cuốc hơn. Một số tài xế thì bắt đầu chuyển sang chạy dịch vụ khác như giao hàng, giao đồ ăn do nhận thấy nhu cầu của khách hàng tăng cao khi bước vào hè. Một phần, việc chạy ship đồ ăn giúp tài xế không phải di chuyển ra quá xa địa bàn.

“Thời tiết nóng nực họ ít gọi xe, nếu gọi thì chủ yếu ưu tiên ôtô. Ví dụ như nhân viên văn phòng, họ ngại ra đường buổi trưa nên các đơn hàng ship đồ ăn sẽ nhiều hơn, nhu cầu ăn uống vặt cũng cao hơn”, anh Phi Sơn (31 tuổi, tài xế của một ứng dụng công nghệ có 2 năm kinh nghiệm) chia sẻ.

Trong khi đó, trao đổi với Tiền Phong, anh Trần Minh, tài xế Grab ở Tp.HCM cho biết, anh chạy xe ôm công nghệ được hơn 5 năm nay nhưng giờ đành phải chuyển sang nghề khác vì giá xăng tăng cao khiến thu nhập giảm sút.

“Tôi mới chở khách từ đường Trần Xuân Soạn (quận 7, Tp.HCM) đến Bùi Thị Xuân (quận 1, Tp.HCM) với quãng đường là hơn 5km cho cả đi và về, sau khi trừ tiền chiết khấu, tôi chỉ nhận vỏn vẹn khoảng 15.000 đồng, đó là chưa kể tiền xăng. Với thu nhập giảm như hiện nay thì mỗi tháng tôi chỉ đủ trả tiền phòng và tiền ăn uống chứ dư thì chẳng được bao nhiêu. Sắp tới, tôi dự định sẽ bỏ hẳn nghề này để chuyển sang bán hàng online cùng với người quen”, anh Minh nói.

Cùng cảnh ngộ, anh Nam (tài xế Gojek) buồn rầu nói: “Bình thường, tôi chạy mỗi ngày khoảng 20-25 đơn, trừ hết chi phí khác thì số tiền tôi nhận được khoảng 400.000-450.000 đồng, nhưng hiện tại, giá xăng đã vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít. Thu nhập trung bình của tôi giảm hẳn một nửa. Để có nguồn thu nhập như trước, tôi buộc phải đẩy thời gian làm việc lên 15 tiếng, thay vì 12 tiếng như trước đây”.

Cũng theo anh Nam, để tiết kiệm tiền xăng trong thời điểm này nhiều tài xế xe công nghệ hiện nay hạn chế chạy lòng vòng để kiếm đơn hàng hoặc tắt tính năng tự động nhận cuốc xe trên ứng dụng để tránh những cuốc xa chở khách.

“Việc giá xăng tăng vượt 30.000 đồng/lít như hiện nay trong khi mức chiết khấu từ hãng lại không thay đổi nên thu nhập thực tế của tôi đã giảm nhiều. Thời gian tới, nếu giá xăng vẫn tiếp tục tăng thì càng khó khăn cho cánh anh em tài xế chúng tôi, tôi buộc phải chuyển sang công việc khác để có nguồn thu nhập ổn định”, anh Nam cho hay.

Các hãng xe công nghệ cũng thừa nhận lượng tài xế hiện nay đã giảm đáng kể so với lúc trước. Theo đại diện Gojek, nhằm hỗ trợ tài xế an tâm hơn khi hoạt động, Gojek thường xuyên triển khai các chương trình phúc lợi hấp dẫn. Hỗ trợ chi phí xăng dầu cho các đối tác tài xế có hiệu suất hoạt động tốt là một trong những gói phúc lợi thuộc chương trình GoCaptain của Gojek... Còn theo đại diện của hãng xe công nghệ Grab, công ty này đang triển khai một số chương trình thưởng để hỗ trợ đối tác tài xế đang hoạt động ở các tỉnh, thành phố.

Trong khi đó, trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển bền vững Tp.HCM nhận định, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất. Do đó, khi xăng tăng giá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Dũng cho rằng, công cụ để kiểm soát giá xăng, dầu mà nhà nước có thể tính đến là giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và một số thuế, phí khác ở mức hợp lý.

Minh Hoa (t/h)

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/kho-khan-bua-vay-ngay-cang-nhieu-tai-xe-cong-nghe-bo-viec-a32555.html