Sáng 8/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan có thêm 30 phút để trả lời chất vấn của các ĐBQH.
Báo cáo thêm về một số nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, thực tiễn hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, ngành nông nghiệp đã có nhiều đột phá để phát triển và có những bước tiến vượt bậc trên các lĩnh vực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Kế thừa thành tựu quan trọng đó, trong 5 tháng đầu năm 2022, trong điều kiện còn nhiều khó khăn và thách thức, nhất là thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, ngành nông nghiệp tiếp tục đạt được những kết quả rất tích cực. Các lĩnh vực đều có tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ.
Trong đó, nổi bật nhất là xuất khẩu nông sản tăng 16,8% các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực. Tiếp tục duy trì xuất khẩu hồ tiêu đứng đầu thế giới; xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới; xuất khẩu gạo đạt gần 3 triệu tấn, tăng 10,3%; xuất khẩu rau quả đạt 1,4 tỷ USD, xuất khẩu thủy sản đạt 4,79 tỷ USD tăng 46,3% xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỷ USD tăng 6,9% đây là những kết quả rất đáng khích lệ, tiếp tục khẳng định nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng còn tồn tại nhiều hạn chế. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, nền nông nghiệp nước ta có đặc thù là sản phẩm rất đa dạng, phong phú như lúa gạo, trái cây, sản phẩm chăn nuôi thủy hải sản nhưng việc xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tại các thị trường lớn, thị trường đòi hỏi chất lượng cao. Nguyên nhân chủ yếu là chưa có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, công nghệ cao đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện của thị trường. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng thấp.
Chưa chủ động được các yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất nông nghiệp như giống cây trồng, vật nuôi nguyên liệu sản xuất, thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật tư. Năng suất lao động của ngành nông nghiệp còn rất thấp, chỉ bằng 50%-60% của các nước tiên tiến.
Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu 60%; phân bón nhập khẩu tới 42%. Tình trạng được mùa, mất giá, ùn ứ nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc xảy ra thường xuyên…
Về một số giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh trước hết là các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương cần tập trung cao và thực hiện thật tốt các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã thông qua về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã và hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đai.
Đồng thời, cho biết Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp từ khâu đầu tư, nghiên cứu chọn tạo giống đến quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn.
Thứ hai, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán để các sản phẩm nông nghiệp sớm được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn, từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch, hạn chế tình trạng ùn ứ hàng hóa.
Thứ ba, hỗ trợ tín dụng miễn giảm các loại phí thuế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất vật tư nông nghiệp, phân bón; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp.
Thứ tư, rà soát, đánh giá tổng thể nhu cầu về nguyên liệu, chế biến thức ăn, gia súc, thức ăn chăn nuôi. Từ đó quy hoạch xây dựng các vùng sản xuất phục vụ ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi.
Thứ năm, tập trung chỉ đạo, tổng kết đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai xây dựng cơ chế chính sách, phát huy nguồn lực đất đai, tạo điều kiện hỗ trợ nông dân khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp khắc phục tình trạng người dân bỏ ruộng tại một số địa phương. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tham gia giải trình làm rõ thêm một số nội dung mà các ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, chưa bao giờ ngành nông nghiệp Việt Nam có một bước phát triển mạnh mẽ như hiện nay, từ sản xuất đủ ăn đáp ứng được nhu cầu của người dân cho đến xuất khẩu đạt tỉ trọng cao. Diện mạo của nông thôn thay đổi nhanh chóng, đời sống nhân dân được cải thiện hết sức rõ rệt.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, có được kết quả này trước hết là nhờ vào sự nỗ lực, chăm chỉ, chịu thương, chịu khó sáng tạo cho người nông dân; chủ trương lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo, điều hành của Chính chủ, đặc biệt là của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đồng tình với nhận định của một số đại biểu rằng hiện nay ngành nông nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp của chúng ta đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
Để ngành nông nghiệp phát triển bền vững và người dân yên tâm sản xuất, trách nhiệm này thuộc về các bộ, ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, trước hết là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành.
Bộ NN&PTNT cần dùng các công cụ điều hành chiến lược, quy hoạch, chính sách, kế hoạch để có được sự phát triển trong thời gian tới.
Bộ trưởng cho rằng, cần căn cứ vào Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, thay đổi ngay tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng tới hiệu quả cao; không tối đa hóa sản lượng mà tối ưu hóa giá trị....
Hoàng Thị Bích
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/pho-thu-tuong-neu-5-giai-phap-trong-tam-phat-trien-nganh-nong-nghiep-a32561.html