bích họa Phùng Hưng
Thời Pháp thuộc, phố Phùng Hưng là đại lộ (Boulevard) Henri d’Orléans - tên con trai cả của Hoàng tử Robert, Công tước xứ Chartres và có nhiều thiết kế tại khu vực này. Sau 1945, đại lộ Henri d’Orléans được đổi tên thành phố Phùng Hưng. Phố chạy song song với đường xe lửa trên tường thành cũ, giữa ga Long Biên ở đầu cầu với ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội). Theo dòng lịch sử, giá trị kiến trúc, nghệ thuật của con phố với 131 vòm cầu đá trăm tuổi (xây dựng từ năm 1900-1902) này đã rất đỗi quen thuộc, gắn bó với nhiều thế hệ người dân và trở thành di sản vô giá của Hà Nội.
Đặc biệt từ năm 2017, con đường Phùng Hưng như được khoác lên mình chiếc áo mới, với 19 bức họa được vẽ trên những ô vòm cầu đường sắt. Mỗi bức họa là một câu chuyện về Hà Nội trước năm 2000. Đó là khu phố cổ Hà Nội, mô hình máy nước công cộng, xô nước, người phụ nữ gánh hoa, ngôi nhà cũ rêu phong, cảnh ông đồ ngồi cho chữ, tàu điện leng keng, cửa hàng bách hóa tổng hợp xưa trên phố Tràng Tiền, phố Hàng Mã dịp Trung thu xưa, hình ảnh một học sinh kéo cặp sách vào sân trường...
Rất nhiều tác phẩm trong số đó được lấy nguyên mẫu từ đời sống thực tế ngay tại phố Phùng Hưng trước kia. Để rồi qua từng bức họa, người dân Hà Nội được ngược dòng thời gian, sống lại với ký ức những ngày bao cấp đầy khó khăn, thiếu thốn… nhưng có những điểm thú vị rất riêng.
Như bức vẽ về ngôi nhà cũ với chiếc cửa gỗ thật, sơn xanh với hình ảnh bó rau muống nhặt dở ở bậu cửa và những đứa trẻ con thời bao cấp lấp ló sau tấm rèm… được họa sĩ Trần Hậu Yên Thế dựng lại dựa trên tư liệu từng có về ngôi nhà số 73 Phùng Hưng (hiện tại đã qua nhiều lần sửa chữa).
Hay mô hình máy nước công cộng (do họa sĩ Nguyễn Thế Sơn sắp đặt) cũng lấy nguyên mẫu là chiếc máy nước được lắp đặt trên phố Phùng Hưng thời kỳ Hà Nội có 4 quận nội thành và mấy chục vạn dân. Chỗ đặt máy nước công cộng là một khoảng đất được láng xi măng cẩn thận, có chỗ thoát nước. Khi ấy, người dân Hà Nội mỗi lần đi lấy nước đều dùng thùng tôn, đôi móc xích và chiếc đòn gánh. Một số nhà ở gần còn mang quần áo ra giặt hay cho lũ trẻ con ra tắm ở ngay máy nước. Sau này, đã có không ít chuyện tình và đôi lứa nên duyên… cũng từ chiếc máy nước công cộng.
Đến phố bích họa Phùng Hưng dạo ngắm, chụp ảnh, nhiều bạn trẻ rất thích tạo dáng bên mô hình chiếc xe máy thật có tên gọi “Kim vàng giọt lệ” (do họa sĩ Dương Mạnh Quyết thiết kế), mà không biết rằng, Phùng Hưng trước đây là chợ xe máy đầu tiên của Hà Nội. Và chiếc xe máy Nhật Cub 81 (chiếc “Kim vàng giọt lệ”) ấy từng là giấc mơ của mọi người dân, thời mới xóa bỏ bao cấp.
Đó còn là hình ảnh “tàu điện leng keng” đã đi vào ký ức, trở thành nỗi nhớ và tình yêu của biết bao thế hệ người Hà Nội. Những đứa trẻ thời ấy thường có thói quen chơi trò… nhảy tàu (còn được gọi một cách nghệ thuật là “bổ tàu”), lượn phố. Chúng nhảy bất kỳ lúc nào, cả lên lẫn xuống, bất chấp tốc độ; và phải luyện tập nhiều từ cách lấy đà, đặt chân, lựa theo tốc độ mà thả người, rơi theo mặt đường… thì mới không bị ngã rách quần, sứt gối. Đến nay, chiếc tàu điện cũ kỹ với tiếng leng keng sớm khuya... cũng đã đi vào bao tác phẩm thơ, ca như chứng nhân lịch sử của một thời Hà Nội khó khăn và vất vả.
Quả thật, 19 bức bích họa trên phố Phùng Hưng với những hình ảnh Hà Nội từ xưa tới nay thật sự là không gian nghệ thuật độc đáo, thu hút. Con phố… giống như chiếc cầu nối dài thời gian, cộng hưởng cùng sắc màu của nhịp sống hiện đại đã đánh thức trong lòng người bao hoài niệm và tình yêu về một Hà Nội mộc mạc, thân thương nhưng không kém phần sôi động; một Hà Nội ngàn năm văn hiến trước bao đổi thay to lớn vẫn luôn gìn giữ được truyền thống và tinh hoa văn hóa, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Chẳng thế mà con phố Phùng Hưng ngày nay luôn nhộn nhịp, đông đúc, nhất là vào mỗi dịp cuối tuần, ngày nghỉ lễ. Du khách trong và ngoài nước, từ già tới trẻ khi đến đây đều cố gắng chụp thật nhiều bức ảnh đẹp, như một cách tìm hiểu và lưu giữ những câu chuyện lịch sử, nét đẹp văn hóa Hà Nội.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/ky-uc-ha-noi-qua-lang-kinh-bich-hoa-phung-hung-a3367.html