Số liệu thống kê trong báo cáo của Ủy ban nhân dân TP Hà Nội tại kỳ họp thứ 3 Hội đồng nhân dân TP vừa qua đã đưa ra con số báo động. Đó là trong 18 tháng qua, Hà Nội có gần 900 nhân viên y tế xin nghỉ việc. Riêng trong năm 2021, toàn ngành y tế có 532 người xin nghỉ việc, 82 người xin chuyển công tác. Trong 4 tháng đầu năm nay, con số tương tự là 226 và 17 người. Còn với toàn ngành y tế, tính đến tháng 12/2021, đã có 4.864 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế cấp tỉnh nghỉ việc, thôi việc (trong đó có 1.504 bác sĩ, 1.482 điều dưỡng, 226 kỹ thuật y, 1.652 viên chức y tế khác). Tại các bệnh viện tuyến Trung ương, có 420 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc (trong đó có 168 bác sĩ, 129 điều dưỡng, 16 kỹ thuật y và 107 viên chức). Năm 2022, tình trạng viên chức y tế xin nghỉ việc, thôi việc tiếp tục gia tăng, trong đó nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Thực trạng này được cho là để lại nhiều hệ lụy. Bởi nó đang khiến ngành y tế đối diện với nhiều khó khăn khi thiếu hụt nhân lực, đồng thời đẩy người bệnh vào nguy cơ không được chữa trị, chăm sóc kịp thời, nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Nguyên nhân được chỉ ra cho tình trạng hàng ngàn nhân viên y tế rời bỏ công việc, sự nghiệp mà họ đã từng ước mơ, gắn bó, đeo đuổi là do công việc áp lực cao, chế độ đãi ngộ thấp, không thỏa đáng đối với công sức đóng góp của họ, và đáp ứng nhu cầu trang trải cuộc sống gia đình. Điều này lộ rõ trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, nhân viên y tế làm việc với cường độ gấp nhiều lần, nhưng sự hỗ trợ thu nhập để nâng cao đời sống vẫn còn ít ỏi. Trước áp lực của cuộc sống, nhiều nhân viên y tế đã chọn việc rời bỏ bệnh viện công sang bệnh viện tư, hoặc tìm công việc khác có thu nhập cao hơn. Thậm chí có những địa phương xuất hiện tình trạng nhân viên y tế cố tình… bị kỷ luật để được “nghỉ việc” nhanh hơn.
Nguyên nhân cũng đã được Bộ Y tế thừa nhận. Những bất cập trong vấn đề lương, chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống công lập vốn dĩ đã tồn tại lâu nay. Hiện tượng bệnh viện công lập “chảy máu” chất xám khi bị bệnh viện tư hút nhân tài cũng đã từng xảy ra, khi mà bệnh viện tư có chế độ đãi ngộ cao gấp 5-6 lần. Cùng với đó, những khó khăn mà hệ thống bệnh viện công lập, đặc biệt là bệnh viện được giao cơ chế tự chủ tài chính trong thời gian chống dịch Covid-19 gặp phải là nguồn thu sụt giảm khi lượng bệnh nhân đến khám giảm, khiến bệnh viện chậm trả lương càng gây khó khăn cho đời sống của nhân viên y tế.
Trước áp lực cuộc sống và sức hút của kinh tế thị trường, nhân viên y tế có quyền lựa chọn để có mức thu nhập tương xứng với công sức và chế độ đãi ngộ cao. Tuy nhiên, với người dân, nhất là người dân nghèo, eo hẹp về kinh tế thì lại không có quyền được lựa chọn như vậy. Không ít người dân lo lắng trước việc nhân viên y tế, đặc biệt là đội ngũ bác sỹ giỏi chuyển từ bệnh viện công lập sang bệnh viện tư, sẽ khiến họ thiệt thòi trong việc được đội ngũ bác sĩ giỏi chữa trị. Do chi phí điều trị ở bệnh viện tư cao gấp nhiều lần, những người dân eo hẹp về kinh tế không thể đến đây để được các bác sĩ giỏi khám và chữa trị. Còn đối với các bệnh viện, việc đào tạo đội ngũ bác sĩ giỏi phải mất rất nhiều thời gian, do đó tình trạng hàng ngàn nhân viên y tế nghỉ việc, rời bỏ bệnh viện cũng đồng nghĩa với tổn thất lớn. Bởi bài toán thiếu nhân lực để làm việc không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai.
Giải quyết vấn đề này đòi hỏi chúng ta phải thay đổi những chính sách đang được cho là bất cập tồn tại trong hệ thống y tế hiện nay. Đặc biệt là những chính sách về lương, mức phụ cấp. Khi mỗi một bác sĩ, nhân viên y tế có mức thu nhập đáp ứng cuộc sống, họ sẽ có tâm trí để cống hiến cho nghề nghiệp, không nảy sinh các hiện tượng “tiêu cực vặt” trong khám chữa bệnh - một hiện tượng gây khó cho người bệnh tồn tại lâu nay. Và dĩ nhiên, họ cũng không “cương quyết” rời bỏ bệnh viện như hiện nay.
HẠ THI
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/bao-dong-hang-ngan-nhan-vien-y-te-nghi-viec-a36501.html