Vài năm trở lại đây, cảnh quan đô thị của Hà Nội trở nên sắc màu, tươi mới, đẹp đẽ hơn với hàng ngàn bức tranh bích họa, các “bốt điện nở hoa” trên nhiều con ngõ, tuyến phố. Cũng chính từ những bức họa ấy, ý thức, ứng xử của nhân dân trong bảo vệ môi trường, xây dựng Hà Nội văn minh, thanh lịch ngày càng được nâng cao.
Chiều đến, khi cái nắng dịu dần cũng là lúc con ngõ nhỏ dài gần 400m, vắt ngang từ phố Tô Hiệu qua Lê Lai (ngõ 5, tổ dân phố số 8, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội) nhộn nhịp tiếng nô đùa, cười nói của trẻ thơ, tiếng trò chuyện râm ran của các cô, các chú. Nhìn từ xa, ngõ phố như một khu vườn thu nhỏ với những chậu cây xanh mát mắt được treo, xếp ngay ngắn… xen lẫn với những đóa hồng đại, hoa hướng dương, hoa cúc được vẽ cẩn thận trên tường. Bà Tạ Thị Liên, cư dân trong ngõ 5 hào hứng khoe: “Đoạn đường của khu chúng tôi vừa có cảnh sắc, vừa có cây, có hoa nở quanh năm, còn rất ý nghĩa với thông điệp bảo vệ môi trường. Từ ngày có tranh bích họa, ai đi qua con ngõ này cũng phải trầm trồ khen ngõ phố sạch, đẹp quá”.
“Từ ngày có tranh bích họa…” tự lúc nào đã trở thành lời mở đầu câu chuyện của nhiều bà con ở khu phố. Ông Lưu Đức Thùy - nguyên Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8, một trong những người dành nhiều tâm huyết cho các bức bích họa chia sẻ: “Công trình được triển khai trong những ngày đầu tháng 5 và hoàn thành chỉ trong 1 tuần với sự tham gia hỗ trợ của đông đảo bà con khu phố, đặc biệt là gần 50 cháu sinh viên trường đại học Kiến trúc. Từ nhận thức trong việc toàn dân chung tay bảo vệ môi trường, triển khai thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng, xây dựng Hà Nội xanh, sạch, đẹp, văn minh, thanh lịch… qua phát động của Hội Phụ nữ phường Nguyễn Trãi, chi bộ đã hưởng ứng, đưa vào Nghị quyết và triển khai trong tổ dân phố để thực hiện”.
“Tại tổ dân phố số 8, qua khảo sát nhiều mô hình, căn cứ đặc thù là công tác đổ rác còn chưa đúng giờ, chưa đúng địa điểm gây ra ô nhiễm, mất mỹ quan môi trường, thậm chí còn gây xích mích, ảnh hưởng tình cảm xóm giềng… nên chúng tôi lựa chọn vẽ tranh về chủ đề bảo vệ môi trường. Việc lựa chọn đầu ngõ là khẩu hiệu “chung tay bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp”, cuối ngõ là khẩu hiệu “tổ dân phố văn hóa” đã nói lên quyết tâm của bà con trong tổ.
Quả thật, từ ngày 10/5/2022, khi các bức tranh được hoàn thiện, sự chuyển biến trong ý thức của nhân dân khu phố rất tích cực. Các địa điểm trước đây dù đóng biển “Cấm đổ rác” nhưng rác vẫn ùn ứ thì nay đã sạch sẽ khi có bích họa thay thế, bà con đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Trẻ nhỏ từ chỗ hay nghịch ngợm, tô vẽ lên tường nay cũng rất có ý thức giữ gìn các bức bích họa, và học tập cách bảo vệ môi trường. Thậm chí, nhiều hộ gia đình còn tự nguyện mang thêm cây trưng bày trước cửa hoặc treo cạnh các bức bích họa, tự giác chăm sóc để ngõ phố thêm khang trang, đẹp đẽ. Việc gìn giữ vẻ đẹp của ngõ phố từ đó đã trở thành tâm huyết, niềm yêu thích và tự hào của người dân nơi đây” - ông Lưu Đức Thùy phấn khởi kể.
Cách đây 1 năm, nếu như đặt chân tới tuyến đường ven hồ Trúc Bạch (phường Trúc Bạch) hay ngõ 218C Đội Cấn, ngõ Vạn Bảo (phường Liễu Giai), quận Ba Đình, bất cứ ai cũng sẽ thấy khó chịu bởi cảnh ô nhiễm do rác thải tập kết bừa bãi, hôi thối. Nhưng từ tháng 7/2021 trở lại đây, các ngõ phố này đã thực sự “thay da đổi thịt”, mang diện mạo mới với hàng trăm chiếc đèn lồng, cây xanh, hoa ven đường, bích họa với chủ đề thiên nhiên, Hà Nội xưa… gắn liền thông điệp bảo vệ môi trường.
Chị Nghiêm Thúy Trang - Chủ tịch Hội LHPN phường Liễu Giai chia sẻ: “Gần 1 năm nay, các khu phố từng là điểm tồn đọng rác thải sau khi được chỉnh trang bằng những bức bích họa nay vẫn giữ được cảnh quan và sự khang trang, sạch sẽ. Tại nhiều khu vực như ngõ 218C Đội Cấn, không chỉ bà con khu dân cư mà cả các thương nhân từ nơi khác tới đây bán hàng trong chợ tạm cũng có ý thức hơn về bảo vệ môi trường. Từ hiệu quả ban đầu ấy, người dân phường Liễu Giai còn mở rộng thực hiện phân loại rác vô cơ, hữu cơ; tái chế rác thải hữu cơ thành sản phẩm nước lau nhà an toàn, hiệu quả; tái chế rác thải nhựa thành vật dụng hữu ích… và lan tỏa mô hình cho nhiều phường khác.
Không riêng tại quận Hà Đông, Ba Đình, phong trào vẽ tranh bích họa đã được lan tỏa rộng rãi trên toàn thành phố. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, Hội LHPN Hà Nội các cấp đã thực hiện được 140 công trình đoạn đường/ tuyến phố bích họa/ nở hoa kiểu mẫu với hàng ngàn bức tranh bích họa đa dạng chủ đề; qua đó góp phần cải tạo cảnh quan đô thị, không gian sống, xóa tụ điểm rác thải, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng Thủ đô văn minh, thanh lịch…
Tại huyện Sóc Sơn, không chỉ làm đẹp cảnh quan bằng tranh bích họa, mới đây, đoàn thanh niên đã phối hợp với khối công nhân viên chức, lực lượng vũ trang huyện thực hiện mô hình “bốt điện nở hoa” bằng cách cải tạo, trang trí 60 bốt điện tại các tuyến phố thuộc địa bàn trung tâm.
Phó Bí thư Huyện Đoàn Sóc Sơn Nguyễn Thị Thảo cho biết: “Công trình được triển khai đúng dịp huyện đón bằng công nhận huyện nông thôn mới, Huân chương Lao động hạng Ba và kỷ niệm 45 năm ngày thành lập nên rất có ý nghĩa. 60 bức tranh trên các bốt điện với chủ đề vẽ về thiên nhiên, văn hóa di tích lịch sử địa phương, cảnh quan đô thị khang trang, hiện đại… cũng là lời gửi gắm mong muốn một Sóc Sơn ngày càng phát triển hơn nữa, vừa giàu mạnh nhưng đảm bảo văn minh, thanh lịch”.
Không dừng lại ở việc vẽ hoa, trang trí phong cảnh, thời gian qua, đặc biệt giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, các bốt điện qua ý tưởng và bàn tay tài hoa của đoàn viên, thanh niên Thủ đô đã trở thành một kênh “tuyên truyền” phòng, chống dịch sinh động, hiệu quả. Có thể kể đến các bức vẽ về hình ảnh đội ngũ y bác sĩ tham gia chống dịch hay thông điệp, khẩu hiệu tuyên truyền được vẽ cầu kỳ trên các bốt điện như: “Cảm ơn những chiến sĩ áo trắng”, “Đeo khẩu trang khi ra đường”, “Đeo khẩu trang để bảo vệ chính bạn”, “Quyết tâm đẩy lùi virus Corona”, “Chúng tôi đi làm vì mọi người, mọi người hãy ở nhà vì chúng tôi”... trên phố Quang Trung, Nguyễn Trãi (quận Hà Đông), khu vực ngã tư Bạch Mai - Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng).
Trước đó, từ năm 2019, tại một số đơn vị như quận Cầu Giấy, Đống Đa… bốt điện cũng được biến hóa thành “kênh” thông tin tuyên truyền về Quy tắc ứng xử nơi công cộng của thành phố, đảm bảo an toàn, hiệu quả nhưng không gây mất mỹ quan đô thị. Đã có hơn 100 bốt điện trên nhiều tuyến phố của quận Cầu Giấy như Phạm Văn Đồng, Tô Hiệu, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Khánh Toàn…; gần 200 bốt điện dọc tuyến phố Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng- Tây Sơn được bóc tẩy quảng cáo rao vặt, thay thế bằng nhiều khẩu hiệu, chẳng hạn: “Bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng ta”, “Không khạc nhổ, vứt rác nơi công cộng”, “Tuân thủ pháp luật”, “Tôn trọng phong tục, tập quán địa phương”, “Xếp hàng khi sử dụng các dịch vụ công cộng”…
Rõ ràng, tranh bích họa không chỉ làm đẹp phố, đẹp phường mà còn chứa đựng trong nó biết bao ý nghĩa đối với đời sống, văn hóa sống của người dân Thủ đô. Ngoài việc trở thành “thông điệp viên”, “cổ động viên”, thì những nơi có tranh bích họa đã thực sự tác động lớn đến lối sống văn minh, nâng cao ý thức người dân và cộng đồng trong bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, xây dựng thành phố văn minh, thanh lịch.
Kỳ 2: Những trái tim nhiệt huyết vì Thủ đô và những trăn trở
YÊN HƯNG
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/tranh-bich-hoa-o-ha-noi-tam-ao-moi-con-nhieu-tran-tro-a39054.html