Bác sĩ của bạn: Cảnh báo nguy cơ mất nước, suy kiệt vì nắng nóng

Mùa hè nắng nóng là nỗi lo ngại với nhiều gia đình có con nhỏ và người cao tuổi. Nhiệt độ và độ ẩm không khí tăng cao bất thường khiến cơ thể bị mất nước, suy kiệt vì nóng hay bị say nắng.

 

mat-nuoc-do-nang-nong-dulichgiaitri-suc-khoe-1659016175.jpg
Gia tăng bệnh nhân nhập viện vì nắng nóng tại BV Lão khoa Trung ương Ảnh: PV

Tại bệnh viện Lão khoa Trung ương, số bệnh nhân nhập viện trong những ngày nắng nóng cao điểm tăng lên hơn 30% so với thông thường, hầu hết là người trên 75 tuổi. Đa phần bệnh nhân tới khám trong tình trạng mệt mỏi, sút cân và mất ngủ, suy nhược cơ thể. Qua thăm khám bác sĩ phát hiện người bệnh có triệu chứng như: Nhịp tim nhanh, huyết áp dao động có người thấp, có người cao. Thông thường, người già có rất nhiều bệnh nền xơ vữa động mạnh, hen phế quản, viêm phổi hay tiểu đường…

Khoa học đã chứng minh, cơ thể người 70% là nước. Do đó, nắng nóng làm tăng nhiệt độ cơ thể, bệnh nhân sẽ dễ bị mất nước do thở dốc, ra nhiều mồ hôi, nhưng bệnh nhân lại không ý thức được là phải uống bổ sung nhiều nước, dẫn đến tình trạng tim đập nhanh, huyết áp tăng lên, thiếu oxy… Đó là lý do khiến người cao tuổi thấy ngột ngạt, khó thở, ăn kém, nóng không ngủ được nên người bệnh sụt cân nhanh. Bên cạnh đó, với một số bệnh mạn tính như tiểu đường, bệnh nhân uống thuốc nhưng lại ăn kém dẫn đến tụt đường huyết. Nhiều bệnh khác phải điều chỉnh rối loạn cơ thể bằng thuốc, nhưng người bệnh quên uống thuốc nên phải nhập viện. 
Đơn cử trường hợp mắc bệnh Parkinson, nếu uống thuốc đều thì người bệnh vẫn đi lại được, chỉ run nhẹ thôi. Nhưng khi nắng nóng quá, người bệnh không ăn được và bỏ thuốc khiến người cứng đơ, dẫn đến viêm phổi và phải nhập viện. Nhiều người cao tuổi bị quên, lẫn, hay nằm một chỗ, ít vận động khiến các bệnh mạn tính gia tăng.

Bởi vậy, để phòng biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra do thời tiết nắng nóng, người cao tuổi phải lưu ý khi nằm lâu trong điều hòa không để nhiệt độ quá thấp, nên để từ 27-290C và để quạt nhẹ để thông gió. Mức nhiệt độ 22-240C có thể khiến người cao tuổi bị viêm phổi. Người cao tuổi cũng không nên nằm lâu trong điều hòa, chỉ nên sử dụng vào thời điểm nắng nóng nhất từ 10-16h. Ngoài khoảng thời gian này, người cao tuổi nên tắt điều hòa, để hé cửa phòng, bật quạt nhẹ và nên vận động để tránh nguy cơ gia tăng các bệnh về xương khớp, bệnh suy tĩnh mạch… Trước khi ra khỏi phòng điều hòa, chúng ta nên mở cửa để có sự giao thoa giữa không khí trong phòng đang lạnh với không khí bên ngoài. Điều này tốt cho cả người lớn và đặc biệt tốt cho trẻ nhỏ.

Người dân, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ nên hạn chế ra ngoài trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Trong trường hợp bắt buộc phải ra ngoài nên mặc quần áo mỏng, mát, áo chống nắng, đeo kính chống nắng, khẩu trang, mũ rộng vành và luôn luôn uống nước đầy đủ. Chế độ ăn cũng cần lưu ý hạn chế đồ chiên rán, giảm muối, ăn tăng nhiều hoa quả.

BS ĐỖ MAI HUYỀN PHÓ TRƯỞNG KHOA KHÁM BỆNH, BV LÃO KHOA TRUNG ƯƠNG 

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/bac-si-cua-ban-canh-bao-nguy-co-mat-nuoc-suy-kiet-vi-nang-nong-a40094.html