Những hiến kế của các tham tán thương mại của Việt Nam ở nước ngoài được đưa ra tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với hệ thống thương vụ Việt Nam tại 176 thị trường nước ngoài chiều tối 19/8.
Ông Phạm Thanh Hải - Bí thư thứ nhất Thương vụ Nam Phi, cho hay do Nam Phi là nước nông nghiệp và cũng là nước xuất khẩu tương đối rẻ với chất lượng tốt.
Vì vậy, để mặt hàng trái cây của Việt Nam có thể thâm nhập vào thị trường Nam Phi, các doanh nghiệp Việt Nam nên chế biến các loại trái cây tươi của Việt Nam thành sản phẩm bao hàm giá trị gia tăng như nước quả, thực phẩm đóng hộp.
Như vậy sẽ dễ thâm nhập vào thị trường Nam Phi và bán được với giá cao hơn, không phải cạnh tranh với hoa quả tươi của Nam Phi và chất lượng của hoa quả vận chuyển sang thị trường này cũng được đảm bảo.
Ông Nguyễn Phú Hoà - Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết, hiện vấn đề vận chuyển hàng hoá từ Việt Nam đến Úc vẫn chưa được thuận lợi, cơ quan Thương vụ mong Chính phủ có hướng mở thêm những tuyến hàng không ưu tiên chở nông sản tươi của doanh nghiệp Việt Nam đến Úc nhanh chóng và vẫn còn tươi, chất lượng để bán được ở thị trường Úc.
“Việc bớt khâu trung gian đối với mặt hàng nông sản tươi sẽ giúp tăng cạnh tranh ở thị trường này”, ông Hoà nói.
Ông Hoà cũng đề nghị có những chính sách để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, xây dựng các kho bãi lớn tại Úc để hàng Việt Nam tiếp cận được thị trường này và khẳng định chất lượng, uy tín của hàng Việt Nam tại Úc.
Cùng với đó, tăng cường ngân sách xúc tiến thương mại và chính sách chăm sóc các nhà nhập khẩu để giữ chân thị trường và thúc đẩy phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam tại Úc.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý - Tham tán Thương mại tại Thuỵ Điển, nhận định đây là thị trường nhỏ nhưng lại là các nước có GDP trên đầu người nằm trong top 10 thế giới, lại luôn đi đầu trong các xu hướng mới.
“Bắt được các xu hướng của thị trường này, chúng ta có thể đi tắt, đón đầu và bứt phá thành công nên đây cũng là khu vực rất quan trọng”, bà nói.
Ngoài ra đối với thị trường Bắc Âu, Tham tán Hoàng Thúy cho rằng, cần xây dựng chiến lược tăng cường quảng bá để tăng sự hiện diện của hàng Việt Nam tại thị trường.
"Chỉ cần người tiêu dùng biết đến hàng Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu nhiều hàng Việt Nam thì cho dù không nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam mà thông qua các đầu mối tại các nước EU khác cũng giúp tăng kim ngạch xuất khẩu nói chung của Việt Nam", bà Thuý thông tin.
Mặt khác, Việt Nam cần tập trung nghiên cứu phát triển thị trường ngách, thị trường cho các sản phẩm đổi mới. Ví dụ Bắc Âu họ rất quan tâm đến sản phẩm dành cho người có giới tính thứ ba, các sản phẩm mới hướng tới tiêu dùng xanh, bảo vệ môi trường như phát triển các thực phẩm mới có thể thay thế thịt, như mít non đóng hộp đang được ưa chuộng ở Bắc Âu và ở Việt Nam có rất nhiều; các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày thay thế nhựa có thể dùng tre, cói…
Ông Trần Ngọc Quân - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ cho rằng, hiện cách tiếp cận của một số doanh nghiệp Việt Nam đối với thị trường EU còn chưa chuyên nghiệp, với một số đơn hàng nhỏ lẻ, thiếu liên kết, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế tại thị trường.
Để tiếp cận tốt hơn thị trường này, trong thời gian tới, Việt Nam cần đổi mới cách tiếp cận theo hướng linh hoạt, hai bên cùng có lợi, đáp ứng những yêu cầu cụ thể từ EU.
“Trong bối cảnh đó, Thương vụ kiến nghị, Việt Nam cần xây dựng lộ trình tiếp cận cụ thể thị trường này. Chính phủ nên lựa chọn một số ngành hàng tiêu biểu và kiểm soát tốt chất lượng đầu ra. Chọn ra một số ngành hàng mũi nhọn vào thị trường EU. Điều này chúng ta có thể học cách kiểm soát các mặt hàng của Thái Lan khi xuất khẩu vào EU rất tốt”, ông Quân kiến nghị.
Còn bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada cho biết, thị trường này đang bắt đầu triển khai hệ thống showroom giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại các nhà hàng Việt ở Canada.
"Nếu mỗi tỉnh, bang, thành phố có một vài showroom như vậy, sự nhận diện sản phẩm sẽ lớn hơn trong hiểu biết của người tiêu dùng. Đồng thời, các nhà nhập khẩu sở tại cũng có thêm kênh tiếp cận mẫu hàng và kiểm tra chất lượng sản phẩm dễ dàng”, bà Quỳnh nói.
Thương vụ Việt Nam tại Canada cũng đang nghiên cứu cơ chế cấp chứng chỉ VietAuthentic (ẩm thực Việt nguyên bản) để lôi cuốn sự quan tâm hỗ trợ của các nhà hàng và đầu bếp Việt Nam tại Canada vào việc quảng bá các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm chế biến Việt Nam.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/tham-tan-thuong-mai-hien-ke-de-giup-nong-san-viet-xuat-ngoai-a43942.html