Ký ức về những lần gặp Bác Hồ của nữ nhạc sĩ người Tây Nguyên

Nhắc đến Bác Hồ, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Linh Nga Niê K’Đăm lại xúc động nghĩ đến những lần may mắn được gặp người lãnh tụ đặc biệt.

ky-uc-ve-nhung-lan-gap-bac-ho-cua-nu-nhac-si-nguoi-tay-nguyen-dulichgiaitri-bao-du-lich-1662661957.jpg
 

Ấn tượng lần gặp đầu tiên

Vốn là người con của buôn làng Tây Nguyên nhưng năm 1948, bà Linh Nga Niê K’Đăm (hiện trú tại Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) lại cất tiếng khóc chào đời trên đất Bắc. Cũng nhờ vậy, cả tuổi thơ của bà gắn liền với những kỷ niệm được gặp Bác Hồ, vị lãnh tụ vĩ đại nhưng rất đỗi bình dị và yêu thương trẻ con.

Nói đến đây, bà Linh Nga cho hay, ba của bà là bác sĩ Y Ngông Niê K’Đăm tham gia kháng chiến từ rất sớm. Ông là Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa IX nên có nhiều cơ hội sống, làm việc gần Bác Hồ.

“Vào năm 1951, An toàn khu ở Tuyên Quang là nơi làm việc của cơ quan Trung ương. Thời điểm đó, tại khu vực này có một nhà trẻ mang tên Tân Tiến, được xây dựng dưới chân đồi, để nuôi dạy con cán bộ. Lúc bấy giờ, cả ba và mẹ đều đi kháng chiến ngoài chiến trường nên mới chỉ 3 tuổi tôi đã phải đi nhà trẻ ở An toàn khu để ba mẹ yên tâm công tác”, bà Linh Nga kể

ky-uc-ve-nhung-lan-gap-bac-ho-cua-nu-nhac-si-nguoi-tay-nguyen-1-dulichgiaitri-bao-du-lich-1662661958.jpg
Bà Linh Nga phát biểu tại một hội thảo khoa học giải pháp bảo tồn văn hóa Tây Nguyên.

Những ngày đi nhà trẻ, bà Linh Nga thường xuyên thấy các chú bộ đội, đặc biệt là một ông cụ trạc tuổi ông ngoại bà thỉnh thoảng xuống chơi với các cháu trong nhà trẻ. Ông cụ không chỉ cầm tay các cháu đi vòng quanh mỗi khi đến giờ tập hát, tập múa mà còn phụ các cô giáo cho các cháu ăn, thậm chí chơi với trẻ vào những buổi chiều mát. Không ít lần, các cháu trong nhà trẻ lại được cụ cho kẹo ăn.

Bà Linh Nga tiếp lời: “Sau khi nghe cô giáo nói, tôi mới biết ông cụ đó không ai khác mà chính là Bác Hồ, người hy sinh cả cuộc đời cho quê hương, đất nước. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của một đứa trẻ lúc đó, tôi cảm nhận được Bác giống như là ông Tiên, ông Bụt có tình yêu thương đặc biệt và bao la đối với trẻ con”.

Cho đến năm 1955, bà Linh Nga theo ba trở về Hà Nội và tiếp tục có thêm những kỷ niệm về những lần gặp Bác Hồ. Một trong những kỷ niệm khiến bà ấn tượng mãi là lần Bác đến buổi họp mặt vào một đêm Giao thừa...

ky-uc-ve-nhung-lan-gap-bac-ho-cua-nu-nhac-si-nguoi-tay-nguyen-2-dulichgiaitri-bao-du-lich-1662661957.jpg
Bà Linh Nga trong một lần dự Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Tại buổi gặp mặt, bà Linh Nga cũng được Bác Hồ đến tận nơi bắt tay, ân cần hỏi thăm. Điều này đã khiến bà vô cùng ngạc nhiên. “Tôi không bao giờ nghĩ một đứa trẻ mới chỉ 5 tuổi nhưng lại vinh dự được gặp và bắt tay Bác Hồ như vậy. Cái bắt tay diễn ra trong tích tắc nhưng tôi vẫn kịp cảm nhận được đôi bàn tay của Bác rất ấm áp. Cũng tại buổi gặp mặt, sau khi nghe ba tôi giới thiệu về vợ, con, Bác đã hỏi tôi: “Thế con gái Ê đê à, có biết nói tiếng Ê đê không?”. Nghe vậy, ba tôi trả lời “Cháu chưa học””, bà Linh Nga nhớ lại.

Câu hỏi của Bác Hồ trong lần gặp mặt năm ấy như một lời nhắc nhở những người con như bà Linh Nga phải nhớ đến cội nguồn Tây Nguyên. Chính vì vậy, ngay sau đó, bà Linh Nga được gia đình cho đi học tiếng Ê đê và sớm thành thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.

Đến năm 8 tuổi, bà Linh Nga một lần nữa được gặp Bác Hồ. Đó là một lần Bác đi thăm các nước xã hội chủ nghĩa về. Ngay khi xuống máy bay, Bác đã chào tất cả mọi người. Khi tôi chạy ra tặng bó hoa sen, Bác vui vẻ đón nhận, rồi nói: “Cám ơn cháu”. Nghe vậy, tôi rất ngạc nhiên bởi chưa thấy bao giờ có người lớn lại cảm ơn trẻ con như thế”, bà Linh Nga chia sẻ.

Vị lãnh tụ đặc biệt và thân thiện

Khi học cấp 2, bà Linh Nga chuyển sang học tại Trường Cán bộ dân tộc miền Nam (tại huyện Gia Lâm, Tp.Hà Nội) do ông Y Ngông Niê K’Đăm làm Hiệu trưởng. Ở nơi đây, bà Linh Nga cũng lưu giữ cho mình nhiều kỷ niệm về Bác Hồ.

Nhớ có lần Bác Hồ có ý kiến với cán bộ phụ trách trường để cho mỗi dân tộc thiểu số Tây Nguyên được ăn Tết theo phong tục tập quán của mình cho khỏi nhớ nhà trong thời gian tập kết ra Bắc. Đó cũng là lần đầu tiên bà Linh Nga được chứng kiến, được nghe âm thanh cồng chiêng, các điệu múa xoan... ngân vang của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.

Không lâu sau đó, khi Trường Cán bộ dân tộc miền Nam được chuyển về Mễ Trì (Tp.Hà Nội), Bác Hồ vẫn không quên đến thăm trường, trò chuyện cùng học sinh.

Bà Linh Nga kể: “Lần nào Bác cũng đến bất ngờ, không kể ngày Tết, lễ. Đặc biệt, mỗi khi đến thăm, trong khi học sinh đang tập trung lên hội trường, ổn định chỗ ngồi thì Bác lại âm thầm đi một vòng thăm khu ký túc xá, lật từng chiếc chiếu lên xem rồi hỏi các cô bảo mẫu: “Các cháu có đái dầm không?” và dặn các cô giặt chiếu cho các cháu. Khi xuống nhà bếp, Bác Hồ lại cặm cụi kiểm tra lò bánh mì, lật cái thớt lên xem đã sạch chưa, kiểm tra xem có lồng bàn đậy thức ăn không và dặn các cô không được để các cháu ăn bánh mì mốc”.

Sau khi đã kiểm tra về điều kiện ăn ở của học sinh, Bác đi lên hội trường và nhẹ nhàng hỏi: “Các cháu ăn có no không? Các cháu có chơi thể thao không, có học giỏi không?”. Và rồi, Bác ân cần dặn học sinh ăn cho no, tập thể thao cho khỏe, mau lớn, học cho giỏi để sau này là cán bộ tốt về miền Nam phục vụ.

Ngạc nhiên trước sự quan tâm vô cùng đặc biệt của Bác, bà Linh Nga chia sẻ: “Bác không chỉ lo cho việc học của học sinh mà còn quan tâm cả đời sống của các cháu, đặc biệt là những đứa trẻ xa nhà. Sau mỗi lần gặp, tôi đều cảm nhận được Bác không chỉ thân thiện mà còn tình thương yêu trẻ bao la. Với tôi, Bác là người lãnh tụ đặc biệt, luôn quan tâm đến mọi người từ cái rất nhỏ”.

ky-uc-ve-nhung-lan-gap-bac-ho-cua-nu-nhac-si-nguoi-tay-nguyen-4-dulichgiaitri-bao-du-lich-1662661957.jpg
Cuộc gặp mặt của bà Linh Nga (người đầu tiên bên phải) với con của các vị lão thành cách mạng người dân tộc Ê Đê.

Năm 1979, bà Linh Nga Niê K’Đăm trở về Tây Nguyên công tác và trở thành gương mặt để lại nhiều dấu ấn trên các lĩnh vực. Theo đó, trong văn xuôi, bà là một cây bút của văn học Tây Nguyên thời kỳ hiện đại với những truyện ngắn đậm chất sử thi. Nẻo đường văn chương của bà Linh Nga càng đậm sắc màu Ê đê với phong cách viết lãng mạn và hoang dã.

Trong nghiên cứu, bà đã thực hiện nhiều công trình khoa học về nghệ thuật diễn xướng, nghề thủ công, trường ca và sử thi… ở vùng đất Tây Nguyên. Riêng với âm nhạc, bà Linh Nga Niê K’Đăm là tác giả của nhiều ca khúc đi vào lòng người như: Niềm tin trong tôi, Tình ca cao nguyên, Trăng chiều Ban Mê, Mưa cao nguyên…

Bà Linh Nga Niê K’Đăm từng là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa V, VI, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam K.II- K.VII, hội Văn nghệ các DTTS K.I – K.III, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk... Đến nay, dù tuổi cao, bà Linh Nga vẫn tham gia tổ chức rất nhiều hoạt động hỗ trợ đời sống cho người dân và bảo tồn văn hóa dân tộc trên vùng đất Tây Nguyên.

Khánh Ngọc

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/ky-uc-ve-nhung-lan-gap-bac-ho-cua-nu-nhac-si-nguoi-tay-nguyen-a46908.html