Các nhà hát nỗ lực tìm khán giả

Mùa thu 2022, hàng loạt chương trình nhạc kịch đặc sắc được đầu tư công phu với những tâm huyết của các nghệ sĩ. Một số nhà hát nỗ lực làm mới mình nhằm thu hút khán giả yêu nghệ thuật.

'Các nhà hát nỗ lực tìm khán giả'

Các vở kịch đặc sắc “trình làng”

Vở kịch “Người yêu… hoa hậu” chính thức được Nhà hát kịch Việt Nam và công ty Vàng son một thuở giới thiệu đến khán giả vào 2 đêm 19 và 20/10 tại rạp Kim Mã (rạp hát Nhà hát Chèo Việt Nam).

cac-nha-hat-no-luc-tim-khan-gia-vo-kich-nguoi-yeu-hoa-hau-canh-bao-cac-ban-tre-ve-cam-do-cuoc-doi-dulichgiaitri-baodulich-1664096142.jpg
"Người yêu... hoa hậu" là vở diễn dành cho khán giả trẻ, khán giả có thể tìm thấy tâm tư của mình, câu chuyện của mình trong vở kịch

"Người yêu... hoa hậu" là vở diễn dành cho khán giả trẻ, khán giả có thể tìm thấy tâm tư của mình, câu chuyện của mình trong vở kịch. Trước những băn khoăn về tình trạng "bùng nổ" hoa hậu với khoảng 20 cuộc thi hoa hậu trong năm nay, đạo diễn trẻ Tùng Linh cho biết anh không dựng kịch "ăn theo" câu chuyện thời sự nóng hổi của các cuộc thi nhan sắc năm nay. Đạo diễn này cũng không có mục đích phơi bày những chuyện hậu trường đổi chác, đánh đổi "tình - tiền" để có cơ hội đổi đời, chuyện "hoa hậu - đại gia", thậm chí là những chuyện ngã giá nhan sắc được đồn đoán trong các cuộc thi sắc đẹp, anh chỉ muốn dựng vở kịch về bi kịch của một cô gái trẻ đẹp trước vòng xoáy cuộc đời.

Cùng với những ước mơ, hoài bão nồng nhiệt của tuổi trẻ, những người trẻ cũng đối diện với muôn vàn khó khăn khắc nghiệt của đời sống. Họ đối diện với rất nhiều cơ hội, đồng thời cũng đứng trước cạm bẫy giăng đầy trước mắt, nhất là đối với các cô gái xinh đẹp.

Đạo diễn Tùng Linh bày tỏ, hoàn toàn không có ý định câu view, câu like bằng cách dán nhãn 16+ đối với vở kịch này. Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam Nguyễn Xuân Bắc cho hay, vở kịch gắn mác 16 + để hướng tới những bạn đang chấp chới bắt đầu vào đời. Anh cũng khẳng định, vở kịch có những hình ảnh, những tình huống, chi tiết đưa ra đều rất đắt và đã được lựa chọn kỹ càng.

Cũng nỗ lực làm mới mình, nâng cao chất lượng nghệ thuật, lần đầu tiên, Nhà hát Tuổi trẻ công chiếu vở nhạc kịch "Rồi tôi sẽ lớn" dành cho lứa tuổi lứa tuổi dậy thì. Vở nhạc kịch “Rồi tôi sẽ lớn” khai thác tâm lý, tình cảm, ước mơ và cả những mâu thuẫn đời sống của những người trẻ ở trong gia đình, trên ghế nhà trường và cả bên ngoài xã hội.

Điều thú vị là tác phẩm này được dàn dựng không chỉ dành riêng cho đối tượng khán giả trẻ, đặc biệt là lứa tuổi mới lớn, mà còn hướng đến các bậc ông bà, cha mẹ trong gia đình có thể cùng thưởng thức tác phẩm này với các con mình. “Rồi tôi sẽ lớn” được coi là vở nhạc kịch đầu tiên về lứa tuổi dậy thì trình diễn trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ cho đến nay. 

Được sân khấu hóa từ kịch bản của nhà báo, nhà văn Hoàng Anh Tú và đạo diễn, NSƯT Lê Ánh Tuyết, vở nhạc kịch “Rồi tôi sẽ lớn” trước hết mang trong mình sứ mệnh chinh phục khán giả trẻ và lứa tuổi học sinh bằng các yếu tố mới mẻ, hiện đại, những trào lưu, xu hướng thịnh hành trong đời sống học đường hôm nay một cách chân thực và sinh động.

Bên cạnh hơi thở tươi mới của một vở nhạc kịch dành cho tuổi trẻ, “Rồi tôi sẽ lớn” cũng là tiếng nói đồng cảm với những người làm cha, làm mẹ mong muốn "kết bạn" với con cái của mình, phần nào giải mã những câu hỏi hóc búa trong việc khám phá lứa tuổi đầy "biến động" trên hành trình trưởng thành thông qua nghệ thuật. 

Nỗ lực tìm hoàng kim trên sân khấu

Dịp này, trên Fanpage của các nhà hát cũng đang tưng bừng quảng cáo truyền thông về các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Trước mỗi đợt biểu diễn, nghệ sĩ các nhà hát luôn đầy niềm hứng khởi, tất bật luyện tập, chuốt lại vai diễn với mong muốn có đêm diễn tỏa sáng.

cac-nha-hat-no-luc-tim-khan-gia-vo-nhac-kich-roi-toi-se-lon-dulichgiaitri-baodulich-1664096248.jpg
“Món ngon” đã sẵn sàng, làm thế nào để thu hút khán giả “thưởng thức” là điều các lãnh đạo nhà hát trăn trở, đau đáu.

Thế nhưng, khi “tằm rút ruột nhả tơ” mà khán giả ít ngó ngàng. Nhiều đêm diễn kịch, các nhà hát rất nhọc nhằn chuyện bán vé. Khi hỏi đến chuyện này, gần như lãnh đạo nhà hát nào cũng lắc đầu, bảo rất khó. Có một thực tế đáng buồn của sân khấu phía Bắc mà ai cũng hiểu đó là đối tượng khán giả vẫn chủ yếu mang hơi hướng “bao cấp”. Các nhà hát chủ yếu trông chờ vào việc bán vé cho các cơ quan, tổ chức cho nhân viên đi xem chứ không phải khán giả “thực” theo đúng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, chấp nhận bỏ tiền túi ra mua vé. Cố gắng huy động nguồn khán giả thân thiết, các mối quan hệ nhưng lượng vé bán ra của các đêm diễn không được bao nhiêu. Có đêm diễn bán được 200 vé, phần lớn là vài chục vé, thậm chí có đêm được vài vé.

“Món ngon” đã sẵn sàng, làm thế nào để thu hút khán giả “thưởng thức” là điều các lãnh đạo nhà hát trăn trở, đau đáu. Một số nhà hát, sân khấu kịch đã có sự chủ động phối hợp các đơn vị khác, tạo ra điểm nhấn mới mẻ, hấp dẫn khán giả. Là một người yêu nghệ thuật, muốn tôn vinh giá trị vàng son của sân khấu nghệ sĩ Ngọc Châm - Giám đốc “Vàng son một thuở” có lợi thế với lượng khán giả từ các show diễn từ trước, đã góp sức giúp Nhà hát kịch Việt Nam đưa “Người yêu Hoa hậu” tới gần với khán giả. Ngoài 2 suất diễn vào ngày 19 và 20/ 10 tới, Nhà hát Kịch Việt Nam và đơn vị hợp tác khai thác vở diễn mong muốn có thêm nhiều đêm diễn nữa, cũng như đưa vở đi diễn ở các tỉnh.

Chia sẻ về sự kết hợp này, NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam vui mừng: “Chúng tôi luôn tìm kiếm những cơ hội để đưa các vở diễn đến với công chúng. Tôi tin rằng, sự kết hợp này sẽ đem đến những thành công và mở ra những cơ hội mới cho sân khấu kịch, đặc biệt là các vở diễn của Nhà hát kịch Việt Nam. Sau đại dịch COVID - 19, nền kịch nghệ Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với vai trò là một nhà hát thuộc Bộ VH-TT&DL, chúng tôi cố gắng tìm kiếm cơ hội để mang các vở diễn ra công chúng, nuôi dưỡng đam mê sân khấu kịch của khán giả”. NSƯT Xuân Bắc cho hay thời gian tới, Nhà hát sẽ hợp tác cùng nhiều đơn vị khác để bán vé các vở diễn chất lượng.

NSƯT Sĩ Tiến - Giám đốc nhà hát Tuổi Trẻ nhiệt huyết: “Chúng tôi cùng có một mơ ước, một mục đích chung là đưa nhà hát Tuổi Trẻ thành điểm đến được khán giả yêu thương. Sân khấu với tôi rất kỳ diệu. Là nghệ thuật tích hợp của rất nhiều môn nghệ thuật. Chỉ trong 2 tiếng biểu diễn, nhưng sân khấu là sự tổng hòa thăng hoa của kịch bản, đạo diễn dàn dựng, diễn xuất sinh động, âm thanh, ánh sáng... Xem sân khấu, là xem những gì chân thực nhất, là được khóc cười cùng diễn viên. Tuổi trẻ của tôi ở đây. Tôi đã từng chứng kiến khán giả nô nức đến nhà hát Tuổi Trẻ xem sân khấu. Có vở diễn đến 70-80 suất liên tục trong nhiều tháng. Nhà hát chúng tôi đi đến đâu, khán giả náo nức xem đến đó. Tôi muốn được sống lại quãng thời gian huy hoàng đó của sân khấu. Tôi muốn tìm lại không khí ấy của sân khấu bằng các vở kịch hay với sự vỗ tay nồng nhiệt, ấm áp của khán giả”.

Tinh thần miệt mài, nhiệt huyết thu hút khán giả của các lãnh đạo nhà hát, các nghệ sĩ đã tạo nên luồng gió mới, chinh phục khán giả bằng tài năng và bản lĩnh nghề nghiệp tác động tích cực vào khoảng trống của sân khấu những năm gần đây.

Thùy Dương

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/cac-nha-hat-no-luc-tim-khan-gia-a49705.html