Lê Quý Dương đã lập 6 kỷ lục Việt Nam cho các chương trình sự kiện mà họ tham gia xây dựng và trở thành một thương hiệu lớn trong thị trường văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam. Anh từng vinh dự được GS.TS. Trần Văn Khê, đại diện Hội đồng Âm nhạc, Văn chương và Nghệ thuật của UNESCO trao tặng Bằng Danh dự vì những đóng góp xuất sắc trong việc gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam.
Mới đây, đạo diễn Lê Quý Dương đảm nhận vai trò Tổng đạo diễn lễ khai mạc và lễ hội đường phố tại Festival Ninh Bình – Tràng An kết nối di sản năm 2022. Anh đã có những chia sẻ riêng về công việc đặc biệt của mình với Người Đưa Tin.
Người Đưa Tin (NĐT): Chào đạo diễn Lê Quý Dương, lý do nào khiến anh nhận lời làm Tổng đạo diễn lễ khai mạc và lễ hội đường phố tại Festival Ninh Bình – Tràng An kết nối di sản năm 2022?
Đạo diễn Lê Quý Dương: Vùng đất Ninh Bình "ám ảnh" tôi từ năm 2018, khi tôi nhận lời mời về khảo sát, nghiên cứu, viết kịch bản và tổng đạo diễn lễ Kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt. Ninh Bình phù hợp tổ chức một Festival di sản văn hóa vì nơi đây có một hệ thống di sản vô cùng phong phú. Ngoài ra, tỉnh này có tiềm năng du lịch rất lớn, là nơi có tới 3 danh hiệu UNESCO với quần thể di sản thế giới Tràng An. Tôi nhận lời làm Tổng đạo diễn lễ khai mạc và lễ hội đường phố tại đây với mong muốn sẽ có những chương trình hấp dẫn nhất với khán giả.
Với sự tham gia của 13 tỉnh thành trên địa bàn cả nước về tham dự, Festival lần này sẽ có 13 tiết mục đặc biệt. Trong quá trình xây dựng kết cấu nội dung và sáng tác hệ thống kịch bản cho các chương trình của Festival, tôi đã chủ động chọn phương pháp tôn trọng và giữ nguyên bản các tiết mục của từng tỉnh thành về tham dự.
NĐT: Nhiều đạo diễn cho biết, việc quảng bá di sản rất khó, anh sẽ chọn hình thức nào để đưa văn hoá di sản tới gần khán giả nhất?
Đạo diễn Lê Quý Dương: Các di tích lịch sử, di sản văn hóa chính là nguồn tài sản quý giá, đây cũng chính là tiềm năng, thế mạnh, là cơ sở, nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch, văn hóa. Việc chúng ta có thái độ như nào với di sản trong công tác bảo tồn và phát huy di sản đã được những người làm chương trình như chúng tôi đưa ra bàn luận rất nhiều.
Theo đó, thế giới có 3 cách để ứng xử với di sản. Cách thứ nhất là bảo tồn di sản nguyên gốc ở chính nơi di sản đó được sinh ra. Cách thứ 2 là ứng dụng di sản trong đời sống, đặt di sản đó trong một không gian mới. Ví như, với nghệ thuật múa rối nước, Nhà hát múa rối Thăng Long đã xây dựng nhà thuỷ đình bên trong chính trong nhà hát để giới thiệu tới khách du lịch. Cách thứ 3 là kết hợp các loại hình di sản để sáng tạo trên nền tảng mới.
Đối với Festival Ninh Bình – Tràng An kết nối di sản, chúng tôi chọn phương pháp thứ 2, lấy toàn bộ di sản của các vùng miền đặt trong không gian rộng lớn hơn. Đấy là phương án xuyên suốt để chúng tôi lựa chọn với mong muốn giá trị di sản của từng tỉnh thành sẽ được tôn trọng nguyên gốc và khi cần thiết được hỗ trợ dàn dựng để thăng hoa hơn giữa một sân khấu rộng lớn.
NĐT: Anh thiết kế sân khấu như thế nào trong khi có những 13 tiết mục của các tỉnh thành?
Đạo diễn Lê Quý Dương: Tại Festival này, 13 tỉnh thành với những loại hình di sản khác nhau sẽ trình diễn trên một sân khấu nhưng tôi không thể tạo riêng từng sân khấu toàn cảnh riêng cho từng tỉnh thành và cũng không đủ kinh phí để làm điều ấy.
Bởi vậy, thiết kế sân khâu của Festival là chung tính, hiện đại và mang tính tổng thể, và mọi người khi xem sẽ thấy có từng nét riêng của Ninh Bình, Huế, Hà Nội, Nam Định... Tổng thể sân khấu là rất lớn và có mô hình 3D của riêng của từng tiết mục, chắc chắn sẽ rất đặc sắc và mang dấu ấn riêng. Tôi cũng tham vấn các chuyên gia về di sản như Phan Thanh Hải để đưa ra những tư vấn cho Festival này.
Nhóm nghệ sĩ dàn dựng chính của Festival gồm biên đạo múa NSND Hồng Phong; Nhạc sĩ, NSƯT Hồ Trọng Tuấn cùng thống nhất quan điểm và nguyên tắc dàn dựng Festival này là phải giữ tính nguyên bản độc đáo đặc sắc của từng tỉnh, thành phố. Đừng lo ngại tổ chức Festival di sản là nhàm chán, xưa cũ. Làm di sản rất thú vị, số lượng di sản rất đặc sắc và rất lớn nên nó tạo cho chúng tôi nguồn cảm hứng rất lớn.
NĐT: Festival Ninh Bình sẽ khác Festival Huế mà anh từng làm như nào, thưa anh?
Đạo diễn Lê Quý Dương: Bản chất Festival Huế vàFestival Ninh Bình là khác nhau, từ chủ đề đến cách thể hiện. Ở Huế có 3 lớp di sản tiêu biểu: Cung đình, Tâm linh, Dân gian với các làng nghề và cộng với việc kết nối các chương trình quốc tế mang tính mở. Festival Huế làm chỉ tập trung về di sản Huế thôi. Có thể dành 2/3 cuộc đời tôi cũng chưa chắc làm hết các di sản về Huế.
Còn tại Festival Ninh Bình là câu chuyện là kết nối di sản. Kết nối ở đây là từ di sản Tràng An, mời gọi và kết nối những di sản các vùng miền về đây. Rất dung dị, không đao to búa lớn, đây là cuộc chơi của Ninh Bình nên để làm cái gì nó nặng nề thì không nên.
Định hướng của Festival này rất rõ ràng, không phải đây là Festival của riêng Ninh Binh để tôn vinh di sản Ninh Bình mà Ninh Bình chỉ là đơn vị đăng cai để kết nối các miền di sản các tỉnh thành, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng nhau.
NĐT: Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/dd-le-quy-duong-dung-lo-ngai-to-chuc-festival-di-san-la-nham-chan-a58300.html