Kể từ sau đại dịch Covid-19, xu hướng phát triển công nghệ và kết nối toàn cầu đã làm cho các hoạt động thương mại giữa người bán và người mua trở nên dễ dàng hơn. Dẫn đến các hoạt động thương mại điện tử trở nên mạnh mẽ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, sự phát triển này cùng với sức mua đã làm nhu cầu với các sản phẩm động vật hoang dã (ĐVHD) trái pháp luật ngày càng tăng lên. Bên cạnh đó, thị trường mua bán trực tuyến còn thiếu các quy định rõ ràng để kiểm soát, ngăn chặn đã khiến các hành vi vi phạm này trở nên phổ biến hơn trên phạm vi toàn cầu.
Để có cái nhìn toàn cảnh về vấn nạn này, bà Bùi Thúy Nga đại diện tổ chức Traffic tại Việt Nam đã chỉ ra những nghiên cứu cho thấy các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trực tiếp và công khai đã giảm xuống nhưng lại hoạt động mạnh mẽ trên thị trường thương mại điện tử. Có thể thấy qua số liệu thống kê chỉ trong vòng 1 năm từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022: 8000+ bài viết quảng cáo buôn bán động vật hoang dã; Trong đó có tới 4.700+ lượt quảng cáo trên Facebook; Xuất hiện 1000+ đơn vị kinh doanh động vật hoang dã. Thủ đoạn buôn bán trái phép ngày một tinh vi, khó có thể nhận thấy dễ dàng. Họ sử dụng nhiều hình thức giao dịch và đặc biệt là sử dụng các cụm từ ẩn dụ trên bài đăng để tránh sự sàng lọc trực tuyến của các cơ quan chức năng.
Phát biểu tại buổi hội thảo, Ông Đoàn Quốc Tâm, đại diện Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho hay: Doanh nghiệp hiện nay có nhiều sự biến đổi trong việc kinh doanh khi họ đã tiếp cận gần hơn với chuyển đổi số. Đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ sau khi bước ra từ đợt suy thoái kinh tế, nếu không tỉnh táo và được tìm hiểu rõ ràng về các sản phẩm được phép hoạt động kinh doanh sẽ dễ dàng bị lợi dụng, vì cái lợi trước mắt mà kinh doanh trái pháp luật.
Phát biểu trực tuyến tại hội thảo, bà Giavanna Grein, Cán bộ Chương trình cấp cao WWF đã giới thiệu phần mềm OWLET- Chương trình đào tạo trực tuyến về ĐVHD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao kiến thức trong việc buôn bán các sản phẩm liên quan đến động vật hoang dã. Khóa học được truyền tải dễ dàng với nhiều hình ảnh trực quan, sinh động, người tham gia có thể hỏi đáp và trao đổi trực tiếp. Đây có thể nói là 1 trong những cách hiệu quả giúp các doanh nghiệp hạn chế những rủi ro pháp lý trong hoạt động kinh doanh của mình.
Khép lại chương trình là lễ ký kết không tham gia hoạt động kinh doanh buôn bán động vật hoang dã hướng tới sự phát triển bền vững của địa phương. Tại hội thảo, đã có 9 doanh nghiệp sẵn sàng ký cam kết tăng cường các hoạt động chống buôn bán ĐVHD trái pháp luật trên không gian mạng, và thể hiện mong muốn được tư vấn và hỗ trợ nguồn lực để chống buôn bán ĐVHD trái pháp luật.
TIỂU LINH
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/thu-doan-buon-ban-dong-vat-hoang-da-tren-thi-truong-thuong-mai-dien-tu-ngay-mot-tinh-vi-a61736.html