Gia tăng đột biến số ca mắc thủy đậu tại Hà Nội

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Thành phố đã ghi nhận hơn 550 ca thủy đậu, trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ ghi nhận 4 ca (tăng gần 140 lần).

 

gia-tang-dot-bien-so-ca-mac-thuy-dau-tai-ha-noi-dulichgiaitri-doi-song-1680075218.jpg
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thanh nhàn đang thăm khám cho một bệnh nhi.  Ảnh: Tạ Nguyên

Bệnh lây lan mạnh ở cả trẻ nhỏ và người lớn

Theo các chuyên gia, bệnh thủy đậu thường diễn ra vào mùa đông xuân (khoảng tháng 10-11). Nhưng hiện nay, bệnh lại xuất hiện “trái mùa” ở cả người lớn, trẻ nhỏ tại 18/30 quận, huyện của Hà Nội. Trong đó, một số quận, huyện có số mắc cao như: Chương Mỹ (237 ca), Mê Linh (69 ca), Ba Vì (60 ca), Nam Từ Liêm (56 ca), Mỹ Đức (42 ca). 

Thông thường, bệnh thủy đậu hay gặp ở trẻ nhỏ, nhất là đối tượng chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh. Tuy nhiên năm nay xuất hiện không ít bệnh nhân nhập viện là người trưởng thành. Đơn cử tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, trong 2 tuần gần đây, khoa Bệnh nghề nghiệp của bệnh viện đã tiếp nhận 9 bệnh nhân là người lớn mắc thủy đậu. 8/9 trường hợp cùng chung sống tại một địa chỉ, 1 trường hợp còn lại hiện đang sinh sống trên địa bàn phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đáng nói, theo BS Nguyễn Ngọc Trung - khoa Bệnh nghề nghiệp (Bệnh viện Thanh Nhàn), trong số các bệnh nhân trên, một số người từng mắc bệnh thủy đậu từ khi còn nhỏ, một số mới lần đầu. 

Không riêng Thanh Nhàn, một số bệnh viện khác trên địa bàn Hà Nội như: Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn… cũng ghi nhận các trường hợp mắc thủy đậu phải nhập viện. Con số này có sự gia tăng so với cùng kỳ năm 2022. 

Theo Cục Y tế Dự phòng, thủy đậu là bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter (gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh zona ở người lớn). Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7-10 ngày.

Dù là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng thủy đậu rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết. Phụ nữ mang thai nếu mắc thủy đậu, người mẹ dễ có nguy cơ gặp biến chứng viêm phổi, viêm não. Đối với thai nhi, bị thủy đậu khi còn trong bụng mẹ có thể ảnh hưởng đến tính mạng của em bé. Ngoài ra, virus thủy đậu cũng có thể gây dị tật cho thai nhi như sứt môi hở hàm ếch, u quái… nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

Theo chu kỳ, sau 3-5 năm thủy đậu sẽ quay trở lại thành những vụ dịch. Vì vậy, người chưa có miễn dịch chủ động hoặc thụ động với thủy đậu rất dễ mắc, khi tiếp xúc với nguồn lây nhiễm và dễ lây thành dịch. Tuy nhiên, hiện nay bệnh thủy đậu đã có vắc-xin phòng ngừa, có thể giảm nguy cơ mắc và lây lan trong cộng đồng. 

BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh khuyên: Trẻ em từ 12 tháng tuổi nên tiêm vắc-xin thủy đậu và tiêm đủ liều. Phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm phòng vắc-xin thủy đậu, để tránh khi mang thai nhiễm bệnh có thể truyền cho con. 

Vắc-xin thủy đậu nên tiêm lúc nào?

Cho đến nay, cách phòng bệnh thủy đậu tốt nhất được các chuyên gia khuyến cáo vẫn là tiêm ngừa bằng vắc-xin. Tuy nhiên không phải ai cũng biết thời điểm nào tiêm vắc-xin là hợp lý nhất.

Trả lời cho băn khoăn này, ThS.BS Phạm Thị Huệ - Phòng tiêm chủng (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) phân tích: Tiêm vắc-xin thủy đậu cho trẻ em có khả năng phòng bệnh lên tới 97%. 

Với trẻ từ 12 tháng tuổi: Tiêm mũi đầu tiên lúc 12 tháng, mũi thứ hai tiêm vào lúc được 4-6 tuổi. Trẻ từ 13 tuổi trở lên và người lớn thì tiêm hai mũi; mũi thứ hai cách mũi thứ nhất từ 4-8 tuần. Riêng phụ nữ nên hoàn tất lịch tiêm trước khi có thai tối thiểu 3 tháng.

Vì vắc-xin thủy đậu sau khi đưa vào cơ thể cần từ 1-2 tuần để phát huy tác dụng nên phụ huynh hãy đưa trẻ đi tiêm phòng thủy đậu trước mùa dịch tối thiểu 1 tháng (tại Việt Nam, mùa bệnh thủy đậu thường xuất hiện vào tháng 2-6 hàng năm).
“Hiện tại chưa xác định được vắc-xin thủy đậu có tác dụng trong bao lâu sau khi tiêm, nhưng theo một số nghiên cứu đối với người đã tiêm phòng, vắc-xin thủy đậu có tác dụng trong khoảng từ 10-20 năm. Sau khoảng thời gian này, chúng ta có thể tiêm nhắc lại để phòng ngừa thủy đậu hiệu quả hơn” - PS Phạm Thị Huệ phân tích.

BS Huệ cũng lưu ý không tiêm vắc-xin thủy đậu cho trẻ bị dị ứng với vắc-xin hoặc bất kỳ thành phần nào của vắc-xin, người bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh, ung thư, nhiễm HIV, bất thường về máu, đang hóa trị liệu... Muốn vậy, khi đưa trẻ đi tiêm vắc-xin thủy đậu, phụ huynh nên nói rõ cho cán bộ tiêm chủng về tiền sử dị ứng và các bệnh của con mình.

Hoãn tiêm vắc-xin thủy đậu cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, trẻ đang bị sốt cao, mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, viêm da có mủ, mắc bệnh mãn tính đang tiến triển (lao phổi, viêm thận...) hoặc trẻ mới khỏi bệnh nặng, đang trong thời kỳ hồi phục sức khỏe.

Không sử dụng vắc-xin thủy đậu cho các đối tượng đang bị suy dinh dưỡng, bệnh tim mạch cấp, rối loạn chức năng gan thận, có tiền sử co giật, có thai hoặc 2 tháng trước khi dự định có thai, đã tiêm phòng các vắc-xin sống khác (vắc-xin sởi, bại liệt, rubella, quai bị...) trong vòng 1 tháng gần đây. 

HẰNG THẢO

 

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/gia-tang-dot-bien-so-ca-mac-thuy-dau-tai-ha-noi-a83379.html