Phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô thực hiện loạt bài ghi nhận từ tâm dịch để phác họa phần nào về tinh thần nỗ lực của các cán bộ nơi tuyến đầu đang sát cánh cùng người dân đẩy lùi Covid-19.
Chỉ trở về nhà khi không còn công dân cách ly
Vào khu cách ly của Bộ Tư lệnh Thủ đô tại trường Đại học FPT, xã Hòa Thạch, huyện Thạch Thất đúng ngày nắng nóng đỉnh điểm. Từ 7h sáng, mặt trời đã chói chang. 7h30 không khí hầm hập, những khối bê tông hấp thụ nhiệt đã ấm nóng, hễ dựa lưng vào là đã thấy như được chườm nóng.
Sau khi được mặc bộ quần áo xanh, chỉ mươi, mười lăm phút, tôi đã dần cảm nhận những dòng mồ hôi chảy tự do và toàn thân hầm hập như xông hơi. Vậy mà từ 5h30, đều đặn hằng ngày ba cô gái tuổi 18, 20 đã mặc bộ bảo hộ này để quét dọn, làm vệ sinh, thu gom rác ở các phòng công dân, thậm chí phải bới rác để phân loại lại khi công dân để lẫn lộn, chưa phân loại.
Tiếp theo, các em lại leo 5 tầng thang bộ đi đưa cơm cho từng phòng. Trong trang phục màu xanh kín mít từ đầu đến chân, chỉ hở đôi mắt (đeo kính trắng), không ai nhận ra đó là các cô gái trẻ tình nguyện vào đây phục vụ công dân F1. Chừng 9-10h, các công dân nhận cơm xong các em mới trở ra ngoài tòa nhà, cởi chiếc bộ xanh ra mới thấy mồ hôi ướt đẫm.
Em Ngô Thị Ngân, 21 tuổi, tốt nghiệp trường Cao đẳng Múa, năm 2020, em đã có trải nghiệm phục vụ ở khu cách ly 14 ngày. Năm nay, Ngân tiếp tục đi và có hai em Cao Vũ Uyên và Phạm Thị Việt Hà (18 tuổi) đồng hành. Ba cô gái trẻ là dân quân đến từ xã Bình Yên, huyện Thạch Thất đều rất nhanh nhẹn với ba cặp mắt sáng, luôn vui vẻ tươi cười. Khi kể về lý do đi tình nguyện. “Chúng em có sức khỏe nên muốn góp sức nhỏ bé cùng đất nước đẩy lùi dịch bệnh Covid-19” - Ngân nói.
Sau mỗi ngày làm việc, Uyên và Hà lại bỏ sách ra ôn, chuẩn bị cho kỳ thi hết cấp 3 và vào đại học, cao đẳng. Việt Hà chia sẻ: “Chúng em chỉ vất vả nhất là ngày đón công dân vào. Vì hỗ trợ lên danh sách phòng ở, suất ăn, ghi các suất ăn cần chế độ riêng như ăn chay, ăn cháo, uống sữa của người già, trẻ nhỏ… làm các công việc đón tiếp, xếp phòng, hướng dẫn bỏ rác phân loại rác. Khi công dân ở ổn định rồi thì ngày 3 lần mặc bộ xanh lên phục vụ công dân sáng, trưa, chiều, còn tối lại có thời gian học”.
Khi được hỏi ở đây các em có sợ bị lây nhiễm không, công việc vất vả có muốn về nhà không? Ba cô gái đều cười tươi đáp rằng “không sợ”, có nhiều khi mệt song nghỉ ngơi lại khỏe, và khẳng định quyết tâm: “Bao giờ khu cách ly không còn công dân nữa thì chúng em mới về”.
Thiếu tá Nguyễn Duy Đức, Trợ lý tuyên huấn, Ban Chính trị, Ban Chỉ huy quân sự huyện Thạch Thất cho biết: Với tinh thần “Không ngại khó, không ngại khổ” hơn 20 dân quân tình nguyện là những thanh niên trẻ đầy nhiệt huyết đến từ các xã đã vào khu cách ly sát cánh cùng chiến sĩ bộ đội, cán bộ y tế để phục vụ công dân F1 thực hiện cách ly.
“Cưỡi trên lưng hổ rồi phải nắm cái bờm mà đi”
Dù không biết mặt, biết tên, song nhiều các công dân cũng hiểu và tỏ lòng biết ơn. Anh Đỗ Thế Toàn (39 tuổi, quê ở thôn Hiệp Lộc 3, xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ) cùng 3 con đều là F1 đang thực hiện cách ly tại đây nói: “Ở đây, bốn bố con tôi ở cùng trong một phòng khép kín, được các cán bộ phục vụ rất chu đáo nên cảm thấy thỏa mái và yên tâm hơn rất nhiều. Những ngày nắng gay gắt, ngồi không làm gì ở trong phòng bật quạt còn mệt, mà các cán bộ mặc bộ đồ bảo hộ màu xanh rất bí, nóng còn đi lại làm nhiều việc, tôi rất thương họ”.
Bố con anh Toàn là 4 trong số 700 công dân F1 đã thực hiện cách ly 21 ngày ở trường Quân sự - thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô (ở Sơn Tây), do ngày 31/5 có 35 F1 thành F0 nên anh cùng mọi người được đưa về khu cách ly này. Vợ anh ở cùng phòng với F0 nên vẫn ở lại trưởng Quân sự thực hiện cách ly tiếp 21 ngày. Ở khu cách ly, vừa đếm từng ngày, anh Toàn vừa lo toan cứu vãn những đơn hàng làm nội thất gỗ bị đình trệ, thậm chí bị mất hợp đồng.
“Chuyến đi này thật đặc biệt bởi quá nhiều cung bậc cảm xúc. Chúng tôi được ở yên, chỉ ăn ngủ, trong khi bao người phục vụ từ dọn rác đến mang cơm, cặp nhiệt độ, lấy mẫu xét nghiệm và giải quyết bao vấn đề cho hàng nghìn người. Tôi biết ơn và nghiêm chỉnh chấp hành để đảm bảo an toàn cho mình và cộng đồng”.- anh Toàn nói.
Mong về như ngồi trên đống lửa, đó là chị Đỗ Thị Giang (24 tuổi) đang mang bầu tuần thứ 38, Giang nói: “Chuyến đi cách ly còn vô cùng đáng nhớ bởi ngày sinh nở của em đã cận kề”. Giang đã thực hiện cách ly 21 ngày ở trường Quân sự rồi lại tiếp tục về đây. Giang chia sẻ: “Em được tạo điều kiện tốt, ở phòng riêng cùng chồng, được cặp nhiệt độ, đo huyết áp, thăm hỏi, song ngày hạ sinh sắp tới, em chỉ mong sớm được trở về để sinh con an toàn”.
Mẹ bầu Giang cũng là một trong những nỗi lo của bác sĩ Trịnh Thị Thu Hương, Tổ trưởng tổ y tế của khu cách ly, là cán bộ Trung tâm y tế huyện Thạch Thất. Chị Hương cho biết, ngay khi tiếp nhận gần 700 công dân từ trường Quân sự về, chúng tôi đã nắm được từng trường hợp đặc biệt, trong đó có em Giang đang kỳ thai sản sắp đến ngày sinh. Ngoài việc đo nhiệt độ ngày 2 lần như công dân khác, chúng tôi luôn thăm hỏi tình hình sức khỏe, đo huyết áp. Ở đây luôn có xe cấp cứu 115 sẵn sàng phục vụ.
Hằng ngày chị Hương tiếp nhận rất nhiều cuộc điện thoại của công dân với muôn vàn lý do, 1-2 giờ sáng chuông điện thoại reo, chị sẵn sàng nghe và giải quyết. Từ người già bị tăng huyết áp đến các bệnh cần tư vấn hỗ trợ. Cá biệt có trường hợp công dân bị tâm thần, không tuân thủ cách ly mà đi khắp các phòng, không đeo khẩu trang… đã được đưa đi bệnh viện. Có ngày cao điểm chị nhận tới… 200 cuộc điện thoại, nhiều người chỉ hỏi về việc bao giờ họ được về nhà.
Chị Hương đã 4 đợt vào phục vụ ở các khu cách ly, mỗi đợt từ 14 đến 31 ngày, đặc biệt là đón Tết nguyên đán Tân Sửu 2021 ấm áp cùng các chiến sĩ bộ đội và công dân. Trong số những cán bộ y tế phục vụ ở khu cách ly, có người bị quật ngã bởi thời tiết và cường độ làm việc. Mới đây có một bác sỹ bị ngất được đưa trở về. Chị Hương nói: “Đi chống dịch là môi trường rèn sức khỏe, làm việc xuyên ngày đêm, rèn ý chí kiên cường vì mục tiêu an toàn cho công dân”.
“Cưỡi trên lưng hổ rồi, phải nắm cái bờm mà đi thôi”. Đó là lời nói của ông Cấn Đình Trung, Chỉ huy trưởng, Ban Chỉ huy quân sự huyện Thạch Thất khi chia sẻ về việc thực hiện nhiệm vụ ở khu cách ly. Ông Trung cho biết, hiện tại khu cách ly trường Đại học FPT có 870 công dân F1, mọi người đều có ý thức chấp hành tốt. Hằng ngày, công dân được thông báo, nhắc nhở về các quy định như tuyệt đối không được ra đi lại ra ngoài khu phòng ở. Với kinh nghiệm gần 2 năm quản lý khu cách ly, ông Trung cho rằng, quản lý công dân thực cách ly nghiêm sẽ giúp cho dịch được hạn chế.
Ông Trung cho rằng: “Tôi cũng như bao đồng chí, đã chọn nghiệp lính, đã xông pha vào chống dịch thì chỉ có mục tiêu giữ an toàn cho công dân, giữ bình yên cho đất nước”. Ông Trung cũng như bao cán bộ, chiến sĩ, y, bác sĩ, tình nguyện viên đang phục vụ trong các khu cách ly trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh thành phố trên cả nước đang ra sức cống hiến trên tinh thần chống dịch như “chống giặc” để mỗi gia đình và cả nước sớm lại vui khúc khải hoàn.
Còn tiếp…
VÂN NGA
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/nhung-chien-cong-tham-lang-day-lui-covid-19-bai-1-noi-chien-hao-cung-f1-chong-covid-19-a8513.html