Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa vừa có những đề xuất với đơn vị lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bổ sung quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa mới. Theo đó, nếu được đầu tư, diện mạo của ngành Văn hóa trong tương lai sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển toàn diện, lâu dài.
Vừa thiếu vừa xuống cấp
Hiện nay, hệ thống cơ sở vật chất của ngành Văn hóa ở cấp tỉnh hầu hết đã xuống cấp, cũ kỹ. Có thể thấy Bảo tàng tỉnh, đơn vị đang ở trên diện tích đất 2.756m2, tại số 16 Trần Phú (TP. Nha Trang). Cơ sở vật chất gồm tòa nhà 1 tầng trệt và 1 lầu với diện tích sử dụng 817m2. Đây là một công trình nhà ở, làm việc do Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ XX nên không đáp ứng được công năng cho bảo tàng. Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tại số 5 đường 2-4 (TP. Nha Trang) có diện tích đất 597m2, với tòa nhà 3 tầng, tổng diện tích sàn 1.700m2. Vị trí này tuy ở trung tâm thành phố nhưng diện tích đất hẹp, thực trạng kiến trúc chưa phù hợp với hoạt động nghiệp vụ của một trung tâm văn hóa.
Cơ sở vật chất của các đơn vị như: Thư viện tỉnh, Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh cũng trong tình trạng được xây dựng từ lâu hoặc tận dụng cơ sở từ các rạp chiếu phim cũ. Tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, chắp vá ở các đơn vị đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động chuyên môn. Đó là chưa kể đến việc tốn kém kinh phí từ ngân sách để sửa chữa nhưng hiệu quả mang lại không cao. Ông Trần Đức Hà - Trưởng đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng cho biết, hoạt động của đoàn đang tận dụng rạp chiếu phim từ những năm 1975 được cải tạo lại. Do đó, khó có điều kiện để nâng cao chất lượng nghệ thuật, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng và khách du lịch. Trên quá trình tự chủ kinh phí, đoàn được tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư cải tạo, sửa chữa trụ sở tại số 128 Hoàng Văn Thụ, Nha Trang để trở thành nơi biểu diễn nghệ thuật với quy mô 340 ghế ngồi. Tuy nhiên, về lâu dài, tỉnh vẫn cần có một trung tâm biểu diễn nghệ thuật quy mô và công năng xứng tầm.
Bổ sung vào Quy hoạch thiết chế ngành
Theo ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, để xây dựng và phát triển ngành Văn hóa trong thời gian tới, Sở đã đề nghị đưa vào quy hoạch tỉnh một số dự án đầu tư phát triển có quy mô lớn như: Trung tâm Văn hóa tỉnh ở vị trí mới, có địa điểm thuận lợi và quy mô lớn; xây dựng mới Bảo tàng tỉnh ở địa điểm mới; xây dựng Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật tỉnh ở vị trí thuận lợi và quy mô lớn; cải tạo, nâng cấp Thư viện tỉnh… Ngoài ra, trong quy hoạch tỉnh cần quan tâm việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia Thành cổ Diên Khánh, Am Chúa.
Sở Văn hóa và Thể thao cũng đã mạnh dạn nêu lên một số ý tưởng phù hợp với xu hướng phát triển trong thời gian tới. Cụ thể, tỉnh cần quy hoạch, đầu tư một quảng trường khác có thể đáp ứng tổ chức các sự kiện ngoài trời quy mô lớn và không ảnh hưởng đến giao thông; nếu được, vị trí quảng trường cần gắn với hệ thống thiết chế văn hóa tiêu biểu của tỉnh. Tỉnh cũng cần nghiên cứu quy hoạch tuyến đường Trần Phú trở thành phố đi bộ với các dịch vụ mua sắm, ẩm thực và không gian văn hóa - nghệ thuật phục vụ du lịch.
Cùng với hệ thống thiết chế văn hóa cấp tỉnh, cũng cần hoàn thiện thiết chế văn hóa từ cấp huyện đến cấp thôn. "Qua rà soát, đánh giá sơ bộ các thiết chế văn hóa từ cấp huyện đến thôn trên địa bàn tỉnh, không ít thiết chế chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện hay có nơi còn chưa có thiết chế. Do đó, để phong trào, hoạt động văn hóa ở cơ sở phát triển, cần quan tâm đến công tác quy hoạch, đầu tư các thiết chế văn hóa, nhất là trung tâm văn hóa - thể thao cấp huyện có quy mô hiện đại", ông Hà cho biết.
Khánh Hòa có lợi thế là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng. Chính vì vậy, việc xây dựng các thiết chế cho ngành Văn hóa trong thời gian tới rất cần thiết, từ đó các hoạt động văn hóa có điều kiện phát triển, thúc đẩy phát triển du lịch./.
Theo bvhttdl.gov.vn
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/khanh-hoa-he-thong-thiet-che-van-hoa-huong-toi-mot-dien-mao-moi-a9620.html