Ghi nhận của Người Đưa Tin tại làng Tranh Khúc vốn nổi tiếng với nghề truyền thống làm bánh chưng ở Hà Nội những ngày cuối tháng Chạp, không khí nơi đây bắt đầu trở nên nhộn nhịp, tiếng cười nói rôm rả cùng với công việc gói ghém bánh chưng để cung ứng ra thị trường dịp Tết Nguyên đán 2022.
Anh Đặng Văn Đoàn - chủ một xưởng sản xuất bánh chưng (xã Duyên Hà) cho hay, gạo dung để gói bánh là gạo nếp cái hoa vàng , đây là loại gạo sẽ mang lại độ dẻo và hương thơm cho bánh chưng. Theo đó, trước khi bắt đầu gói bánh, gạo sẽ được ngâm, vo và rắc muối đầy đủ.
Đối với nhân bánh sẽ được làm đậu xanh và thịt ba chỉ. Trước đó, đậu xanh được đãi vỏ, đồ chín rồi cán thành bột nhuyễn để bọc lấy thịt thành phên.
“Để làm nên chiếc bánh chưng mềm và thơm ngậy, đó là khi bọc đậu vào thịt, không bọc kín mà phải hở, để khi nấu bánh, mỡ từ thịt chảy ra, thấm vào lớp gạo nếp”, anh Đoàn tiết lộ.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho việc chuẩn bị nguyên liệu rất vất vả, nhiều cơ sở phải chuẩn bị sớm hơn trước Tết khoảng 1 tháng.
Loại lá được lựa chọn là lá dong nếp, mua từ các tỉnh vùng cao xuống, gói bánh không dùng lá dong tẻ vì dễ bị nát, không đảm bảo được độ xanh của bánh.
Chủ cơ sở cho biết, để đạt tốc độ gói nhanh nhất thì phụ thuộc không chỉ vào những người thợ lành nghề lâu năm mà còn cần sự chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu.
Những chiếc bánh chưng vuông vắn được cố định bằng lạt xung quanh.
Tiếp đó, bánh sẽ được xếp vào nồi và luộc trong khoảng từ 8 – 10 tiếng.
Cũng theo anh Đoàn, bắt đầu từ khoảng 27 tháng Chạp trở đi, số lượng lượng khách đặt bánh rất nhiều. Để đủ bánh bán cho khách, gia đình tôi phải dậy từ sớm chuẩn bị nguyên liệu, gói bánh, mỗi người một việc tất bật từ sáng đến tối.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhân lực về quê ăn Tết sớm nên nhiều cơ sở đã có những giải pháp áp dụng máy móc vào khâu sản xuất vì vậy mà sản lượng vẫn được duy trì ở mức cao.
Nguyễn Hữu Thắng