Những mô hình khuyến học hiệu quả tại các địa phương…
Nằm ở vùng núi phía Bắc, trong những năm qua, Hội Khuyến học tỉnh Sơn La đã và đang không ngừng vun đắp phong trào "Học không bao giờ cùng", mở ra cơ hội học tập suốt đời cho 12 đồng bào dân tộc và xây dựng một xã hội học tập.
Bà Mai Thu Hương, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sơn La cho biết, học bổng "Học không bao giờ cùng" đã trở thành điểm sáng, tôn vinh và khích lệ những tấm gương học tập tiêu biểu, đặc biệt là người lớn.
Chỉ tính riêng năm 2023, Hội đã trao thưởng hơn 1.000 tấm gương tiêu biểu với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng, trong khi các cấp huyện, xã, phường, thị trấn cũng đã trao hơn 40 nghìn học bổng với giá trị hơn 9 tỷ đồng. Khối các cơ quan đoàn thể khen thưởng cho gần 2.000 học bổng, trị giá gần 1 tỷ đồng dành cho con em cán bộ, viên chức, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của tỉnh với giáo dục địa phương.
Theo bà Hương, tỉnh Sơn La hiện có 204 trung tâm học tập cộng đồng gắn với các nhà văn hóa xã, tạo nên hệ thống học tập gần gũi và thiết thực cho người dân. Các trung tâm học tập cộng đồng này không chỉ mang đến kiến thức mà còn giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống tinh thần.
Với mục tiêu "học để đổi thay cuộc sống", Hội đã hỗ trợ cho hơn 100.000 dân có thêm công ăn việc làm, tạo không khí phấn khởi cho cộng đồng.
Bà Hương cũng cho biết thêm, điểm nhấn đặc biệt của Hội chính là chương trình bảo tồn và dạy chữ dân tộc, trong đó chữ Thái được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hiện lưu giữ trong hơn 1.400 văn bản cổ. Cùng với chữ Thái, chữ Dao, chữ Mông và chữ Lào cũng được lưu truyền và giảng dạy tại địa phương.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, Sơn La đã huy động được gần 32 tỷ đồng cho Quỹ Khuyến học từ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, mô hình "Ngôi nhà Trí tuệ" với 112 điểm đã trở thành không gian học tập lý tưởng, giúp người dân đọc sách, giao lưu văn hóa và cùng nhau phát triển cộng đồng bền vững.
"Hội Khuyến học tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục mở rộng phong trào học tập suốt đời, hướng đến các vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn. Với tầm nhìn nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, Hội không chỉ mở ra cánh cửa tri thức mà còn thắp sáng tương lai cho hàng nghìn người dân Sơn La, góp phần xây dựng xã hội học tập phát triển mạnh mẽ", bà Hương khẳng định.
Nhận thức sâu sắc về tư tưởng "học không bao giờ cùng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chủ trương của Đảng, Chính phủ về xây dựng xã hội học tập, Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với ngành giáo dục và nhiều ban, ngành khác, từng bước xây dựng mô hình "Xã hội học tập" bền vững, có chiều sâu, lan tỏa mạnh mẽ đến từng gia đình, dòng họ, cộng đồng.
Những năm qua, Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền tư tưởng khuyến học, tập trung phổ biến tinh thần tự học, học suốt đời theo tinh thần Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định số 1373/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030.
Đáng chú ý là phong trào thi đua xây dựng "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập" đã phát triển vượt bậc với những con số ấn tượng: đến năm 2023, toàn tỉnh có 673.803 gia đình được công nhận đạt chuẩn "Gia đình học tập" (vượt 10,5% kế hoạch); 7.726 dòng họ và 3.298 thôn, bản được công nhận đạt tiêu chuẩn tương ứng, với tỷ lệ vượt kế hoạch trên 14,9% và 20,1%.
Bên cạnh đó, Hội Khuyến học Thanh Hóa cũng đặc biệt chú trọng triển khai phong trào học tập suốt đời thông qua Trung tâm học tập cộng đồng. Trong 25 năm qua, các trung tâm này đã thu hút hơn 30 triệu lượt người tham gia, góp phần nâng cao dân trí toàn diện cho cộng đồng, với tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15-60 đạt 99%.
Bên cạnh các mô hình học tập truyền thống, Thanh Hóa còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong khuyến học. Dưới sự chỉ đạo của Hội Khuyến học tỉnh, các cấp Hội đã triển khai tập huấn cho đội ngũ cán bộ, hướng dẫn người dân sử dụng phần mềm đánh giá công dân học tập.
Đặc biệt, Hội đã kêu gọi các địa phương trang bị máy tính và internet cho Hội Khuyến học các huyện, thị xã, thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận tri thức qua công nghệ số, nâng cao nhận thức về tự học và kỹ năng số.
Hội Khuyến học tỉnh còn đặc biệt quan tâm đến việc huy động nguồn lực tài chính cho khuyến học. Đến năm 2023, Quỹ Khuyến học toàn tỉnh đạt hơn 390 tỷ đồng, bình quân đạt trên 105.000 đồng/người. Từ nguồn quỹ này, hàng triệu suất học bổng đã được trao cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, cùng với các phần thưởng dành cho giáo viên và cán bộ làm công tác khuyến học xuất sắc.
"Hội Khuyến học tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng các hình thức học tập sáng tạo, linh hoạt, đặc biệt là khuyến khích học tập ở người lớn để nâng cao năng lực tư duy, khả năng phản biện và kỹ năng sống, xây dựng một xã hội học tập văn minh, tiến bộ ", NGƯT Vương Văn Việt, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ.
… đến phong trào khuyến học, khuyến tài lan tỏa trên cả nước
Nhờ có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, sự nỗ lực không ngừng của Hội Khuyến học từ Trung ương đến địa phương mà phong trào khuyến học, khuyến tài đã bùng nổ mạnh mẽ trên khắp cả nước.
Tính đến năm 2023, số lượng hội viên khuyến học đã lên tới gần 26 triệu người, chiếm 26,8% dân số với 10.566 hội khuyến học cơ sở và 134.186 ban khuyến học.
Hội Khuyến học Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình thúc đẩy việc học tập, thông qua các học bổng và giải thưởng như "Học không bao giờ cùng", "Khuyến học - Khuyến tài", "Học sinh nghèo vượt khó", "Nhân tài Đất Việt", "Tự học thành tài,"... Những hoạt động này đã tạo nên khí thế học tập sôi nổi, lan tỏa mạnh mẽ phong trào khuyến học, khuyến tài đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước.
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát động phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030".
Thủ tướng đã nhấn mạnh: "Chúng ta phải chung sức, đồng lòng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tạo động lực, truyền cảm hứng để nhà nhà học tập, người người học tập, xã hội học tập, cả nước học tập, học tập bất cứ nơi nào, khi nào có thể, học tập trong bất cứ lĩnh vực nào; học tập để hoàn thiện mình về "đức – trí - thể - mỹ", học tập để đổi mới sáng tạo, góp phần bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, học tập để không tự ti, không tự mãn, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu, để chứng minh dân tộc ta, đất nước ta không thua kém bất cứ đất nước nào, dân tộc nào trên thế giới".
GS.TS. Nguyễn Thị Doan, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng khẳng định: "Không có quốc gia nào có thể phát triển mà không dựa vào nền giáo dục vững chắc. Vì vậy, chúng tôi đang tập trung toàn lực để xây dựng ‘con đường tri thức’ cho Việt Nam, giúp đất nước tiến vào kỷ nguyên cách mạng khoa học kỹ thuật bằng chính tri thức và sáng tạo của mình, thay vì chỉ dựa vào lao động thủ công".
GS. Doan cũng cho biết thêm, từ năm 2016 đến 2021, bốn mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập" và "Đơn vị học tập" đã được triển khai rất thành công. Năm 2022 có thêm mô hình "Công dân học tập" góp phần đẩy mạnh phong trào học tập trong toàn dân.
Lời kết: Mỗi câu chuyện, mỗi chính sách nhân văn, mỗi thành quả giáo dục mà các bài viết mang đến là minh chứng sống động cho sự nỗ lực không ngừng của toàn Đảng, toàn dân trong hành trình xây dựng nền giáo dục phát triển và tiến bộ. Đây không chỉ là thành tựu của riêng ngành giáo dục, mà còn là kết quả của tinh thần đoàn kết, của ý chí vươn lên và khát vọng tạo dựng một tương lai tươi sáng cho các thế hệ mai sau.
Trong từng thành công ấy, ta thấy bóng dáng của những người thầy, người cô miệt mài với phấn trắng bảng đen, của những cán bộ khuyến học, của những người lính biên phòng tâm huyết đặt trách nhiệm vì một nền giáo dục tiến bộ lên hàng đầu.
Mỗi bước tiến của giáo dục chính là bước tiến của cả dân tộc. Đó là hành trang vững chắc để thế hệ trẻ Việt Nam tự tin vươn xa, hội nhập và khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Những nỗ lực ấy không chỉ giúp hiện thực hóa giấc mơ hùng cường của dân tộc mà còn là nền tảng bền vững, để đất nước ta phát triển mạnh mẽ, tự tin bước vào kỷ nguyên mới.
Văn Hiền